Báo cáo này có tên Các hiệu ứng lan toả của tỷ giá – nghiên cứu trường hợp nhân dân tệ, do ba nhà kinh tế thực hiện là Aaditya Mattoo của ngân hàng Thế giới, Prachi Mishra của quỹ Tiền tệ quốc tế, và Arvind Subramanian của viện Kinh tế quốc tế Peterson. Đây là công trình nghiên cứu về tác động từ chính sách ngoại hối của Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu là các nước đang phát triển.
Ba nhà kinh tế đã phát hiện rằng cách thức Trung Quốc định giá nhân dân tệ ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển xuất khẩu hàng sang Mỹ hơn là với chính nước Mỹ. Chính sách này của Trung Quốc có thể là để cạnh tranh ráo riết với các nhà xuất khẩu khác trong nhóm các nước đang phát triển, chứ không phải đơn giản là để làm cho hàng Trung Quốc rẻ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ, và hàng Mỹ đắt hơn khi vào Trung Quốc. Do đó, giữ cho giá nhân dân tệ thấp dưới giá trị thực một cách có chủ ý bị các nhà kinh tế xem là chính sách “biến hàng xóm thành ăn mày” hay là “lợi mình hại người”.
Nếu Trung Quốc giữ giá nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực khi so với USD, hàng hoá Trung Quốc sẽ có giá cả cạnh tranh hơn hàng hoá của các nước khác khi nhập khẩu vào Mỹ. Việc nhân dân tệ có giá thấp gây ra tác động “lan toả” đến mức nào được các nhà nghiên cứu trình bày bằng cách so sánh số liệu thương mại của 124 nhà xuất khẩu là các quốc gia đang phát triển, trong đó có 57 nhà xuất khẩu lớn với hơn 6.000 mặt hàng, trong khoảng thời gian 2000 – 2008, là thời gian mà nhân dân tệ tăng giá 30% so với USD. Các tác giả nhận định rằng nhân dân tệ tăng giá thêm sẽ “có thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể cho các nhà xuất khẩu là các nước đang phát triển”.
Báo cáo trên có thể sẽ biến các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc về định giá nhân dân tệ trở thành một vấn đề đa phương hơn. Khi các quốc gia đang phát triển khác nhận thấy lợi ích của chính mình trong việc làm tăng giá nhân dân tệ, việc gây sức ép để Trung Quốc phải nâng giá nhân dân tệ sẽ không chỉ đến từ Mỹ, mà còn đến từ các nước đang phát triển có hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Theo Mai Hương
SGTT