Trong thông điệp đầu năm 2012, các nhà lãnh đạo châu Âu đều cảnh báo năm 2012 sẽ là năm đầy khó khăn đối với lục địa già khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán khu vực này sẽ đi vào suy thoái trong sáu tháng đầu năm. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel không ngần ngại bày tỏ: Mặc dù hoạt động kinh tế của Đức tương đối tốt, song năm 2012 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn hơn so với năm 2011.
Tuy nhiên, những dự báo của các chính trị gia dường như vẫn chỉ hướng vào vấn đề nhức nhối nhất mà châu Âu đang đối mặt: Nợ công. Trên thực tế, con số thống kê về tỷ lệ người thất nghiệp tại châu Âu lại khiến các chuyên gia quan sát bất ngờ hơn.
Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 17 nước khu vực đồng tiền chung euro đã tăng lên tới 10,7% trong tháng 1. Con số 10,7% thậm chí còn cao hơn so với dự báo 10,4% của các chuyên gia kinh tế. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận kể từ khi đồng euro ra mắt năm 1999. Cũng theo ước tính của Eurostat, số người thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung euro đã tăng 185.000 người trong tháng 1 lên 16,925 triệu.
Nạn thất nghiệp càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phần lớn những người thất nghiệp còn ở độ tuổi rất trẻ. Theo tính toán ở các nền kinh tế Châu Âu trong giai đoạn 2007 – 2010, khi GDP của một quốc gia mất đi 1% tăng trưởng, sẽ có thêm 5,9% lao động trẻ mất việc làm. Với việc nhiều nền kinh tế EU tăng trưởng ỳ ạch, thậm chí âm trong năm 2011, tỉ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ Châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Tại Tây Ban Nha, 49,6% lao động trẻ thất nghiệp, tức cứ 2 thanh niên ở nước này thì 1 người đang phải loay hoay tìm việc. Ở Hy Lạp, tỉ lệ này là 46,6%, Italia 30,1%, Pháp là 23,8%. Ngay cả những quốc gia có truyền thống ổn định như Đan Mạch, Hà Lan hay Phần Lan cũng chịu những tỉ lệ cao hiếm thấy.
Cuộc đình công của hàng ngàn người dân Bỉ trước địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Âu tuần qua rõ ràng là thông điệp gửi tới các chính trị gia: Thắt lưng buộc bụng không còn được coi là “thần dược” để vượt qua khủng hoảng. Đó thực chất là “một vòng luẩn quẩn” giữa suy thoái – thắt lưng buộc bụng – tăng trưởng giảm, thất nghiệp tăng – tiếp tục suy thoái. Muốn thoát khỏi vòng tròn đó, Châu Âu buộc phải tìm mọi cách lấy lại tăng trưởng và việc làm, đặc biệt là việc làm của giới trẻ.
Khủng hoảng có thể là cơ hội để châu Âu phát triển và gắn kết hơn như các nhà chính trị châu Âu tuyên truyền hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng châu Âu cần lấy câu chuyên từ các cuộc cách mạng tại Bắc Phi và Trung Đông làm bài học, bởi ai cũng hiểu rằng khi người dân bị tước đoạt tất cả mọi thứ, thậm chí cả những điều cơ bản nhất như quyền được lao động để kiếm sống thì họ sẽ đứng lên.
(theo vinacorp)