Tinh Hoa

“Lác mắt” với vẻ đẹp tiên cảnh của núi vàng Altai

Vùng Altai ở miền Nam Siberia được mệnh danh là kỳ quan về địa chất và đa dạng sinh học hiếm có. Tên Altai xuất phát từ tiếng Mông Cổ, được ghép bởi hai từ đơn “Al – vàng” và “Tai – núi”, có nghĩa là “núi vàng” – biệt danh mà mọi người ưu ái dành tặng bởi các giá trị sinh thái. Altai đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Thêm vào đó, vàng cũng là màu sắc của cây và cỏ nơi này vào mùa thu, nó thật sự mang một vẻ đẹp riêng biệt như chốn bồng lai tiên cảnh.

Altai là nơi khởi nguồn của hai con sông lớn ở Siberia, Ob và Irtysh. Nó nằm trên ranh giới giữa miền Bắc và Trung Á, tọa lạc trên ranh giới của 4 quốc gia Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan.

Với diện tích 1.611.457ha, dãy núi Altai bao gồm hầu hết các dạng địa hình miền núi, từ thảo nguyên, rừng thảo nguyên cho tới rừng hỗn hợp và núi cao. Núi ở đây gồ ghề, hình thành do kết quả đứt gãy lục địa từ 500 triệu năm trước, sau đó bị bào mòn bởi gió, mưa. Trên đỉnh núi cao nhất là các lớp băng lâu năm, lạnh lẽo, buốt giá.

Hợp lưu của sông từ các ngọn núi cùng với sông Ob tạo nên 5.410km đường sông, trở thành con sông dài thứ 5 trên thế giới. Thực tế, Altai được chia thành 3 khu vực riêng biệt: Zapovednik Altaisky và vùng đệm xung quanh hồ Teletskoye, Zapovednik Katunsky và vùng đệm xung quanh núi Belukha và thứ ba là khu Ukok yên tĩnh trên cao nguyên Ukok.

Zapovednik Altaisky là vùng có các hệ động thực vật đa dạng, gồm 72 loài động vật có vú và 310 loài chim. Trong số các loài động vật có vú, nổi bật nhất là giống cừu hoang dã lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, được gọi là cừu núi Argali.

Núi Belukha là ngọn núi cao nhất ở Siberia với độ cao 4.506m. Theo văn hóa dân gian địa phương, nó là cửa ngõ để các bạn đến với vương quốc thần thoại “Shambhala”. Đơn giản là bởi, nếu có dịp ghé qua dù chỉ một lần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp như chốn thiên đường của vùng đất nơi đây. Gần núi Belukha, Zapovednik Katunsky và vùng đệm xung quanh là nơi có nhiều dấu vết thực vật cổ xưa. Đó là, các loài cổ sinh đã sống sót từ biết bao thế hệ trước đó cũng như hệ thực vật phong phú có 1-0-2 trên Trái đất. 

Khu Ukok có phong cảnh hoàn toàn khác biệt với hai khu vực vừa khám phá. Nằm trên cao nguyên núi cao, nó được bao quanh bởi những ngọn đồi và thảo nguyên cỏ đất, cùng hệ thống suối và hồ phong phú. 

Trong những năm qua, đây cũng cái nôi của nhiều nền văn hóa, tồn tại và phát triển trên thế giới, từ Scythia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uigurs, cho tới Mông Cổ và Oirats – Nga, những người đã sát nhập hoàn toàn dãy núi này vào đế chế của họ trong thế kỷ 18. Vào thời điểm đó, dãy Altai đã trở thành nơi ẩn náu cho nông dân, nông nô rời bỏ lãnh thổ. Ngày này, dân cư nơi đây rất thưa thớt, chủ yếu là những thổ dân – người sống chủ yếu bằng nông nghiệp, săn bắn và thu thập ở mức độ thấp. Họ chỉ quen làm những điều mà ông cha họ đã từng làm trong hàng ngàn năm qua. Ngôn ngữ truyền thống của họ được chia thành miền Nam và Bắc Altai. 

Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên 2.600km đi qua các cao nguyên Ukok. Nếu đi qua, nó sẽ là một thảm họa với người dân bản địa và động vật hoang dã ở nơi đây. 

Altai thật sự là một di sản thế giới bởi sự phong phú về sinh học, lịch sử và văn hóa vượt trội hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái đất. Đó là một nơi đáng để được trân trọng và bảo tồn cho các thế hệ mai sau. 

Chúng mình cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp của vùng núi Altai này nhé!