– Việc Triều Tiên quyết định ngừng các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa, chấm dứt làm giàu uranium, cho phép IAEA thanh sát tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đối lấy viện trợ lương thực từ Mỹ có thể xem là tín hiệu tích cực để nối lại đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, chính sách này đã diễn biến ra sao và nhất là sẽ đi tới đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Quan hệ “đổi hạt nhân lấy lương thực” bắt đầu như thế nào?
Theo thông tin từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhờ nhiều năm được Liên Xô trợ giúp, năm 1979 Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt. Tuy nhiên, phải tới tận cuối năm 1985, để gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Triều Tiên mới công bố về sự tồn tại của cơ sở này cho IAEA.
Sau gần 20 năm gia nhập NPT, Triều Tiên lại đe dọa rút khỏi Hiệp ước, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kéo dài 18 tháng. Mùa xuân 1994, Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton đã ký một hiệp định khung với Triều Tiên để nước này ngừng các tham vọng hạt nhân, đổi lại sẽ nhận được trợ giúp từ Mỹ. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Mỹ cân nhắc tấn công cơ sở hạt nhân nói trên của Triều Tiên và thúc giục Liên Hợp Quốc cấm vận Bình Nhưỡng .
Một lò phản ứng nước nhẹ, vốn không thể sản xuất plutonium cấp chế tạo vũ khí, là cam kết Mỹ hứa giúp Triều Tiên như một phần trong hiệp định khung nói trên nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, công việc xây dựng dự án đã bị dừng lại và năm 2003, Triều Tiên chính thức rút khỏi NPT.
Tại sao Triều Tiên cần viện trợ lương thực?
Kinh tế suy sụp kéo dài cộng với thời tiết khắc nghiệt đã khiến Triều Tiên rơi vào tình trạng đói kém gần một thập kỷ trong những năm 1990. Theo tính toán của các chuyên gia trợ giúp quốc tế, gần 2 triệu người đã chết vì đói ở Triều Tiên. Lụt lội năm 1995 và 1996 đã phá hủy trên 15% diện tích đất canh tác của đất nước. Tiếp đó, hạn hán nghiêm trọng năm 1997 và 2000 xảy ra dọc bờ biển phía Tây màu mỡ càng làm tê liệt thêm sản xuất nông nghiệp của quốc gia này.
Các công nhân đang đưa gạo viện trợ cho Triều Tiên lên tàu tại một cảng ở Gunsan phía Nam Seoul tháng 10/2010 |
Năm 2008, trước nguy cơ xảy ra một nạn đói nữa, Mỹ đã cam kết chuyển cho Triều Tiên 500.000 tấn ngũ cốc. Theo tin từ tờ New York Times thì chương trình bị cắt giảm 1 năm sau đó khi chưa tới 1/3 số ngũ cốc trên được phân phối.
Washington đề nghị chỉ viện trợ ít hơn số ngũ cốc còn lại và thay vào đó, chỉ tập trung cung cấp nguồn dinh dưỡng cho trẻ em. Sự thay đổi này đã làm các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng giận dữ, họ cho rằng Mỹ không làm việc để xây dựng lòng tin với Triều Tiên, một hành động được đa số nhìn nhận như điều kiện tiên quyết đạt được thỏa thuận ngừng hạt nhân đổi lấy lương thực.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang ở đâu?
Trong 6 năm qua, chính phủ Triều Tiên đã hai lần thử nghiệm các thiết bị nguyên tử. Lần thứ nhất được thực hiện một năm sau khi Triều Tiên đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ về từ bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có và quay trở lại các quy định của IAEA năm 2005.
Năm 2007, Triều Tiên cho phép Liên Hợp Quốc gửi các thanh sát viên hạt nhân tới đất nước để đổi lấy viện trợ. Việc Triều Tiên đồng ý đóng cửa lò phản ứng hạt nhân được xem như là bước đi đầu tiên trong một thỏa thuận giải giáp hạt nhân mới.
Tiến trình này dường như vẫn đang diễn ra đúng hướng cho tới năm 2008, Triều Tiên tuyên bố sẽ đảo ngược việc vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân của mình do Mỹ quyết định liệt Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Mỹ cuối cùng cũng đồng ý đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 2009, Triều Tiên lại phóng tên lửa, yêu cầu Liên Hợp Quốc ra khỏi đất nước và khởi động lại việc chiết xuất plutonium cấp độ vũ khí.
Sự ủng hộ của quân đội có vai trò then chốt để đảm bảo cho tiếng trình chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo Triều Tiên mới, ông Kim Jong Un diễn ra êm thấm. Tuy nhiên, theo New York Times, quân đội Triều Tiên lại là lực lượng phản đối gay gắt nhất việc từ bỏ vũ khí nguyên tử để đối lấy trợ giúp nhân đạo quốc tế.
Ông Kim Jong Un đang ở thế đứng nào?
Năm nay là kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của nhà sáng lập nước Triều Tiên, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Áp lực hiện đang đặt lên vai nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un phải cung cấp đủ lương thực cho 24 triệu dân Triều Tiên vào thời điểm trọng đại này.
Ông Kim Jong Un vẫy chào các binh lính trong lễ diễu binh tại Cung tưởng niệm Kumsusan nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Jong Il |
Ngày 17/12/2011, chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Kim Jong Il qua đời, các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau ở Bắc Kinh để thảo luận về viện trợ lương thực. Trong tuyên bố chính sách đầu năm mới 2012, Triều Tiên đã thừa nhận việc thiếu hụt lương thực như một “vấn đề nóng bỏng” nhưng cũng nhấn mạnh rằng ông Kim Jong Un sẽ theo sát chính sách lấy quân sự làm đầu của cha mình.
Một số nhà quan sát từng lo ngại, Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân để tập hợp sự ủng hộ cho nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, thiện chí tái khởi động các cuộc đàm phán và mới đây là thỏa thuận ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực có thể là tín hiệu cho một kỷ nguyên ngoại giao mới.
Vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc, liệu bước tiến gần đây nhất có đi vào thực tiễn, gồm cả việc liệu Triều Tiên có tuân thủ tất cả những cam kết của nước này với Mỹ hay không.
“Hãy để thử xem”, David Straub, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Tuy nhiên “mọi bước tiến đều có thể bị đảo ngược”.
Minh Phạm (Theo CS Monitor)