Tinh Hoa

Hé lộ cuộc sống của người Triều Tiên

Triều Tiên là một trong những nước khép kín và bí ẩn nhất thế giới. Song 18 tháng qua, hai phóng viên của BBC đã chứng kiến một số khía cạnh cuộc sống đầy khác biệt ở Triều Tiên, đất nước hiện đang để tang cố Chủ tịch Kim Jong-il.



Người dân khóc thương trước tin Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.

 

Người đưa tin trên đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã mặc đồ đen và cố gắng kìm nước mắt tuôn rơi khi đưa tin về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il trước cả nước. Cô cho biết nhà lãnh đạo 69 tuổi đã qua đời do đau tim, sau khi làm việc quá sức (cả thể chất lẫn tinh thần). Tin về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã khiến người dân khóc than trên khắp đường phố ở thủ đô Bình Nhưỡng.

 

Người Triều Tiên đã được dạy từ tấm bé phải tôn kính nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, người được gọi là nhà lãnh đạo vĩ đại khi ông qua đời năm 1994, và nhà lãnh đạo kính yêu Kim Jong-il.

 

Hai phóng viên BBC Sue Lloyd Roberts và Michael Bristow đã được chứng kiến đôi chút về cuộc sống bên trong Triều Tiên. Dưới đây là một số ghi chép của họ.

 

Sinh viên không biết Nelson Mandela là ai

 

Tại khoa tiếng nước ngoài của trường đại học, tôi hỏi các sinh viên đã xoay xở để học tiếng Anh được tốt như thế nào.

 

“Nhờ có Nhà lãnh đạo vĩ đại”, một thanh niên trả lời “chúng tôi được phép xem phim Anh và Mỹ, như The Sound of Music”.

 

Khi được hỏi ngưỡng mộ nhà lãnh đạo nào trên thế giới, ngoài Nhà lãnh đạo kính yêu, thanh niên này trả lời: “Stalin và Mao Trạch Đông”.

 

Tuy nhiên, họ chưa bao giờ nghe nói đến Nelson Mandela.

 

Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã qua đời nhưng vẫn là chủ tịch
 
 
Bức tượng đồng của Chủ tịch Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng.
 

Những bé gái cười rất tươi và nhảy múa rất điêu luyện, trong khi các bé trai trong bộ đồ màu đỏ bảnh bao, gương mặt được tô vẽ hát những lời ca ca ngợi Nhà lãnh đạo vĩ đại.

 

Trông các em thật duyên dáng, nhưng hơi rụt rè.

 

Nhiều em nhỏ bước thật nhanh trên các bậc tam cấp dẫn đến bức tượng đồng cao hơn 18m của Nhà lãnh đạo vĩ đại, bức tượng nổi bật giữa thủ đô Bình Nhưỡng. Ông Kim Nhật Thành đã qua đời từ 16 năm trước, nhưng hiện ông vẫn là chủ tịch của Triều Tiên và trên khắp đất nước có hơn 500 bức tượng của ông.

 

“Ông bất tử”, một hướng dẫn viên 24 tuổi giải thích. “Chúng tôi không tin là ông đã qua đời”.

 

Không ai truy cập internet

 
Nông trang kiểu mẫu tại Triều Tiên.
 

Đài truyền hình Triều Tiên chỉ phát tiểu sử của hai nhà lãnh đạo cũng như hình ảnh ca ngợi quân đội, các trang trại kiểu mẫu, cũng như những ngôi làng kiểu mẫu..

 

Không ai ở Triều Tiên truy cập internet, nhưng thay vào đó người Triều Tiên có một mạng nội bộ đặc biệt mà hai nhà báo được thấy tại trường đại học Bình Nhưỡng.

 

Một sinh viên tốt nghiệp thạc sỹ ngành luyện kim nói tiếng Anh rất tốt giải thích anh không thể so sánh nghiên cứu của mình với sinh viên cùng ngành ở London hay Los Angeles, bởi hệ thống không cho phép anh làm điều đó.

 

Nhưng anh vui vẻ nói: “Nhà lãnh đạo kính yêu đã để tất cả những gì chúng tôi cần biết trong hệ thống nội bộ”.

 

Vỉa hè được cọ sạch bằng tay

 

Người dân cắt cỏ ven đường bằng kéo, hình thức mà theo hai phóng viên BBC là rất mất thời gian. Họ cũng rửa vỉa hè bằng bàn chải cọ và giẻ lau.

 

Các nhà lãnh đạo có hoa riêng
 
 
Người Triều Tiên chụp ảnh bên hai loài hoa được đặt tên theo hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-il và cha ông, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đều có hoa mang tên theo họ. Hai loại hoa này được đặt tên là hoa “Kim Nhật Thành” (một loại hoa lan) và hoa “Kim Chính Nhật” (có màu đỏ rực rỡ).

 

Có cả một cuộc triển lãm ở trung tâm Bình Nhưỡng về hai loài hoa này.

 

Vào một ngày lễ ở Triều Tiên, hàng trăm người, gồm các binh sỹ, các cặp đôi, gia đình với con cái, tới xem triển lãm.

 

Nhiều người đã đứng chụp ảnh trước hai loài hoa.

 

Khi phóng viên yêu cầu người hướng dẫn viên nói tiếng Anh Pak Mi-gyong chụp ảnh trước một bức chân dung lớn của hai nhà lãnh đạo được treo ở cuối sảnh chính của cuộc triển lãm, người hướng dẫn viên đã cánh báo phóng viên. Cô cho biết nên chụp toàn bộ chân dung của hai nhà lãnh đạo vào khuôn hình.

 

“Họ là nhà lãnh đạo của chúng tôi, chúng tôi tôn trọng họ từ sâu trong tim. Chúng tôi không cho phép người khác cắt ảnh của họ”, cô nói, tỏ vẻ không hài lòng lắm.

Vũ Quý

Theo BBC