Năm 2012, tượng vàng Oscar sẽ bước vào tuổi 84 và sẽ trở thành một “ông già” thực thụ. Thế nhưng sức hấp dẫn của “ông già” này thì chưa bao giờ hết “hot”. Đó luôn là niềm khao khát mơ, ước cháy bỏng của bất kì đạo diễn, diễn viên hay nghệ sĩ điện ảnh nào. Cùng mình khám phá những điều thú vị về cuộc đời đầy biến động và li kì của tượng vàng Oscar bạn nhé!
Lịch sử tượng vàng Oscar
Tượng vàng Oscar chính thức khai sinh trong lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ tại Los Angeles năm 1928. Trước khi ra đời, nó đã được ấp ủ từ khá lâu và nguồn gốc ra đời của nó cũng thật nhiều điều kì lạ. Đến tận ngày nay, người ta vẫn không thể biết chính xác ai là người đặt tên gọi cho bức tượng vàng này. Theo một giả thuyết, “mẹ đẻ” của cái tên ấy chính là cô thủ thư Margaret Herrick, người mà sau này trở thành Giám đốc Viện Hàn lâm. Lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng, cô nói rằng nó giống như ông bác Oscar của cô.
Cùng lúc đó, nhà báo Sidney Skolsky đã lập tức chộp lấy cái tên này để làm nhan đề cho bài báo của ông: “Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar”. Song bản thân một diễn viên từng đoạt giải của Viện Hàn lâm – Bette Davis lại khẳng định rằng: cô mới chính là người nghĩ ra cái tên đó. Trong cuốn hồi kí của mình, cô nói đã gọi nó theo tên của người chồng chỉ huy dàn nhạc, ông Harmon Oscar Nelson. Cô kể, cứ mỗi lần nhìn thấy bức tượng này, cô lại liên tưởng đến vòng ba của đức lang quân.
Tượng Oscar từ thuở sơ khai đến ngày nay
Theo như mô tả, tượng vàng Oscar là một bức tượng cao 34cm, nặng 3,85kg có hình dáng của một hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco, người hiêp sĩ này cầm trong tay một thanh gươm và đứng trên một cuộn phim năm cánh, tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm: diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kĩ thuật viên. Ý tưởng khai sinh ra “ông già vàng” này là Cedric Gibbons, chỉ đạo nghệ thuật của hãng phim MGM – một trong những thành viên đứng đầu Viện Hàn lâm.
Trước khi Alex Smith chế ra bản tượng bằng thiếc và đồng mạ vàng với tỉ lệ 92,5% thiếc và 7,5% đồng, phiên bản nháp thử của tượng vàng được cụ thể bằng đất sét bởi nhà điêu khắc George Stanley. Hiện nay, tượng được mạ bằng vàng 24 cara và cần tới 12 người làm việc trong vòng 20h để làm ra một bức tượng. Từng ấy thông số cũng nói lên được phần nào quy trình sản xuất cầu kì phức tạp của giải thưởng này.
Sản xuất tượng vàng Oscar.
Để ra lò được một tượng vàng hoàn hảo phải trải qua tới 17 công đoạn tỉ mỉ, cầu kì. Công việc bắt đầu khi nhà sản xuất nấu chảy hợp kim cao cấp trong một chiếc lò ở nhiệt độ 250-300 độ C. Sau khi ra lò, tượng được đổ vào khuôn thép cẩn thận, nghiêng từ từ để kim loại nóng chảy có thể choán hết chỗ trong khuôn. Sau đó nếu chưa được hoàn hảo như mong muốn, người ta đổ ra, nấu lại và bắt đầu từ đầu. Thật khó tin khi mà chỉ có một chiếc khuôn duy nhất để sản xuất tượng.
Sau khi có được một hình hài hoàn hảo, tượng Oscar được mang đi phủ cát trong 1h rồi đánh bóng bằng vải mềm. Bước tiếp theo, “hiệp sĩ vàng” được tẩy bỏ những chất cặn bám lại trên mình, được “xăm” 4 số duy nhất lên thân nhằm đề phòng việc ăn trộm hay bán lậu nó trên Internet. Vẫn chưa hoàn thành bởi giờ đây, tượng vàng được tắm trong 4 dung dịch mạ điện riêng biệt gồm đồng, kền (Niken), bạc và vàng 24 cara. Cuối cùng tượng Oscar được đóng gói rồi chuyển đến Los Angeles, sẵn sàng cho sự kiện lớn nhất trong năm.
Những vụ trộm tượng Oscar và bí ẩn lời nguyền tượng vàng
Dù được bảo vệ cực kì nghiêm ngặt nhưng trên thực tế đã có không ít lần những sự cố hi hữu xảy ra với bức tượng vàng cao quý này. Tiêu biểu là những vụ trộm bức tượng vào năm 2000. Các nhà tổ chức Oscar đã lo sốt vó khi có tới 52 bức tượng vàng đã “không cánh mà bay”. Sau đó, thật tình cờ, 52 bức tượng ấy đã được tìm thấy trong một thùng rác ở Los Angeles. Kẻ phạm tội là John Willie Harris bị tuyên án 6 tháng tù và bồi thường 90 USD (khoảng 1,8 triệu VNĐ ). Sau đó, anh trai hắn lại là người phát hiện ra đống tượng bị mất và nhận 50.000 USD (khoảng 1 tỷ VNĐ) tiền thưởng.
Một sự kiện hi hữu khác cũng đã xảy ra tại Lễ trao giải năm ngoái. Nam diễn viên Collin Firth của “The King’s Speech” sau khi nhận tượng vàng Oscar đã xúc động quá đến mức độ để quên nó trong nhà vệ sinh. Song cũng thật may mắn cho nam diễn viên này, có một nhân viên giữ áo khoác tốt bụng đã phát hiện ra và mang trả lại cho chủ nhân của nó trong tràng pháo tay không ngớt của cả khán phòng cũng như sự ngạc nhiên của chính Collin.
Tượng vàng Oscar cũng mang theo đó một lời nguyền mà chưa ai hóa giải được. Thật kì lạ, cứ sau khi mỗi diễn viên nữ bước lên bục nhận giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại Nhà hát Kodak thì liền kề là gia đình họ lục đục hoặc li dị. Người ta kháo nhau rằng, bức tượng vàng ấy là đỉnh cao của diễn xuất song lại mang nhiều vận xui. Lời nguyền ấy đã linh nghiệm trong suốt một thập niên qua. Đó là Julia Robert (2001), Halle Berry (2002), Hilary Swank (2005), Reese Witherspoon (2006).
Và chỉ trong vòng 1 tuần, cả hai “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” Oscar 2009 và 2010 đều tuyên bố đã chia tay hoặc trong tình trạng chuẩn bị li dị.
Tượng vàng Oscar là đỉnh cao trong sự nghiệp, là phần thưởng mà bất cứ ngôi sao nào cũng mơ ước chạm tới. Nhưng với cuộc sống riêng, tượng vàng Oscar không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Sean Penn – “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” Oscar 2009 cũng đã chia tay với Robin Wright Penn chỉ vài tháng sau lễ trao giải. Kate Winslet thì giữ được lâu hơn một chút khi tuyên bố chia tay với đạo diễn Sam Mendes sau khi nhận tượng vàng Oscar đúng 1 năm.
“Nữ hoàng” Helen Mirren giơ cao tượng vàng của mình.
Thực tế, Oscar có thể là sự đảm bảo bằng vàng cho sự nghiệp của một diễn viên nhưng nó cũng dễ biến thành một lời nguyền trong sự nghiệp của họ. Oscar là một thứ tiêu chuẩn cao cấp và khi đã giành được thì nó đặt ra một rào cản nghề nghiệp rất khó vượt qua. Rất nhiều diễn viên sau khi giành tượng vàng đã gần như quay trở lại mốc số 0, vì những vai diễn họ tham gia sau đó hoặc là quá tệ, hoặc không có được thành công như mong đợi mà trường hợp này thì vô cùng đúng với các diễn viên Gwyneth Paltrow, Adrien Brody, Charlize Theron.
Áp lực của việc giành tượng vàng Oscar khiến nhiều người trở nên lúng túng khi lựa chọn vai diễn phù hợp trước vô khối những kịch bản gửi đến dồn dập. Đó là chưa kể đến việc một ngôi sao giành Oscar luôn bị để ý và soi mói nhiều hơn. Tuy nhiên, mặt trái của Oscar chỉ xảy đến với số ít các ngôi sao bởi rất nhiều tên tuổi lớn của Hollywood vẫn luôn giữ được đẳng cấp và phong độ diễn xuất của mình theo thời gian mà Meryl Streep, Tom Hanks là những ví dụ điển hình.
*Thông tin trong bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Oscar, LA Times, NY Mag, Wikipedia…