Tinh Hoa

Hiện tượng “thức thâu đêm suốt sáng” và bí ẩn để ngỏ

Câu chuyện về những người “chưa một lần chợp mắt”

Michael Corke là một giáo viên âm nhạc sống ở Chicago, Mỹ. Vào năm 1991, lúc đó Corke 40 tuổi, anh gặp phải vấn đề trong việc duy trì giấc ngủ của mình, anh hầu như không thể ngủ được. Corke đã phải tìm đến thuốc ngủ liều mạnh nhưng tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn. Dù cố gắng nhưng các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, cuối cùng, Michael Corke đã chết trong bệnh viện sau 6 tháng không ngủ.

Thêm một câu chuyện khác liên quan đến vấn đề mất ngủ trong nhiều năm: Một người đàn ông tên Karl Sloan ở Anh cho biết, anh đã không thể ngủ trong vòng 3 năm sau khi trải qua một cơn sốt nặng. Trước đó, anh là trợ lý phòng thí nghiệm của một hãng sữa hàng đầu ở Anh. Có một lần anh sơ ý để tay dính trực tiếp với các chất acid hydrochloric, amoniac, chất tẩy rửa mạnh công nghiệp (để làm sạch chai) và bronopol kathon (một hóa chất được sử dụng để nhuộm các tế bào sữa bò) trong quá trình thí nghiệm nên vô tình trở thành nạn nhân của ngộ độc phân tử.

Càng ngày, anh càng cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức nhiều hơn so với bình thường. Sloan tin rằng, các phân tử chất tẩy rửa thấm qua hàng rào máu não, gây ô nhiễm dịch não, tủy não và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cơ chế kiểm soát nhiệt độ của vùng dưới đồi não. Bệnh trở nên nặng khi nhiệt độ cơ thể của Sloan luôn ở mức rất cao. Sloan cũng tìm đến bác sĩ và họ cũng không thể xác định bệnh của anh dù đã sử dụng rất nhiều máy móc, thiết bị. Cuối cùng Sloan tìm đến bác sĩ tâm lý và ông ta đưa ra chuẩn đoán rằng Sloan mắc chứng rối loạn phân liệt (các triệu chứng bao gồm rối loạn tâm thần và tính khí thất thường). Kết luận này dường như không thỏa mãn với anh. Dù mới 40 tuổi nhưng Sloan gặp phải một loạt các vấn đề về trí nhớ và các giai đoạn sớm của sa sút trí tuệ.

Bí ẩn về giấc ngủ chưa phải đã hết. Năm 1974, nhà thần kinh học Jouvet và đồng nghiệp tại Lyon phát hiện một thanh niên 27 tuổi mắc phải hội chứng Morvan – loại bệnh hiếm gặp đi kèm với rung cơ, đau, toát mồ hôi, sụt cân, ảo giác và mất ngủ theo chu kỳ. Người thanh niên không ngủ trong vài tháng mà không thấy mệt mỏi, buồn ngủ hay suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên hầu như hàng ngày, từ lúc 21h tới 23h, anh bị ảo giác (cả thị, thính, vị và xúc giác), đau và co mạch máu ở ngón tay và ngón chân trong khoảng 20 – 50 phút.

Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi.

Những câu chuyện về người mắc triệu chứng không ngủ nhiều năm không chỉ xảy ra ở nước ngoài mà ngay ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Thậm chí họ không hề bị suy giảm trí nhớ hay gặp các vấn đề về sa sút trí tuệ.

Ông Thái Ngọc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam là người suốt 32 năm nay không ngủ dù chưa bao giờ bị các chứng đau ốm lặt vặt đụng chạm đến. Câu chuyện mất ngủ kỳ lạ của người đàn ông này bắt đầu từ năm 1974, lúc ông 30 tuổi. Khi đó, ông Ngọc là một nông dân bình thường, có vợ và hai con. Khi sinh đứa thứ hai, vợ ông qua đời. Một thời gian ngắn sau, ông phát hiện ra mình không thể ngủ được nữa. Lúc đầu ông Ngọc tỏ ra lo lắng vì mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến kiệt sức, không ai làm lụng nuôi con nhỏ, tuy nhiên, mấy tháng sau ông không thấy cơ thể có biểu hiện bất thường nên không còn sợ nữa. Từ đó đến nay, suốt 32 năm, việc mất ngủ trở thành bình thường và ông không còn nghĩ về nó. Theo lời người vợ thứ 2 của ông thì ông Ngọc làm quần quật suốt ngày, có sức lao động tốt tới mức… phi thường. Làm rất nhiều việc nặng nhọc nhưng buổi tối ông chỉ nằm mở mắt thao láo nhìn lên mái nhà. Trong gia đình, những người con đều không có ai bị chứng mất ngủ như ông. Ông Ngọc cũng đã tìm đến các bệnh viện để khám nhưng đều không có kết quả thỏa đáng.

Anh Đinh Sỹ Cảng, 46 tuổi (Hà Tĩnh) đã 18 năm nay chưa một lần có một giấc ngủ sau khi cô con gái thứ ba ra đời. Anh đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc tìm thầy tìm thuốc, uống hàng chục viên thuốc ngủ hay vài ba lít rượu đến đau dạ dày mà vẫn không ngủ được. Anh trở nên nóng nảy, dễ cáu giận, suy giảm trí nhớ, thi thoảng nói trước quên sau. Sau đó, anh xung phong làm dân quân tự vệ, vừa bảo vệ tình hình an ninh trật tự khu phố vừa có biện pháp để “chung sống” với bệnh mất ngủ.

Còn rất nhiều trường hợp chưa thể lý giải tương tự xảy ra trên thế giới khiến các nhà khoa học vô cùng đau đầu…

Giải mã những bí ẩn

Giấc ngủ là tối quan trọng đối với bộ não. Với những người bình thường, khi bị mất ngủ, họ đều bị suy giảm nghiêm trọng ở độ tập trung, động lực, cảm giác và các hoạt động thần kinh cao cấp. Việc hồi phục hoàn toàn chỉ sau vài đêm đầy giấc. Những người bị coi là “chưa một lần chợp mắt” thực chất, họ vẫn có những giấc ngủ ngắn (chợp mắt) trong một vài chục giây. Não sẽ tạo ra những giấc ngủ cực ngắn, mỗi giấc chỉ vài giây, xen kẽ với trạng thái lơ mơ, khi đó họ sẽ mất khả năng nhận thức và vận động.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã giải thích hiện tượng này bằng câu trả lời liên quan đến một căn bệnh gọi là FFI – mất ngủ gây tử vong. Đây là một bệnh rất hiếm gặp nhưng gây chết người và không thể chữa được, người mắc bệnh này không thể có khả năng ngủ một giấc ngủ hoàn chỉnh.

FFI xuất hiện nhiều ở người có độ tuổi trung niên. Các triệu chứng đầu của FFI là mất ngủ và bồn chồn, tuy nhiên, nó nhanh chóng phát triển thành một trường hợp mất ngủ gây tử vong vì nạn nhân hoàn toàn không thể ngủ được ở bất kỳ thời gian nào. Nó là một căn bệnh di truyền của não, bị gây ra bởi một đột biến di truyền trong tự nhiên, tương tự bệnh Alzheimer, Kuru (cười thoái hóa – bệnh đặc hữu của bộ tộc Fore ăn thịt đồng loại ở Papua New Guinea) và thậm chí cả bệnh bò điên.

Tuy nhiên bệnh này rất hiếm gặp, trên thế giới mới chỉ có khoảng hơn 100 trường hợp không may mắc phải căn bệnh quái ác này.