Theo thống kê của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong số 10 quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ, tỷ lệ viện trợ cho quân sự là lớn nhất. Tuy nhiên, USAID cũng ghi nhận, bên cạnh đó, nước này cũng đã chi hàng triệu USD viện trợ dân sự cho nhiều nước khác trên thế giới.
Dưới đây là danh sách 10 nước nhận được viện trợ lớn nhất từ Mỹ:
1. Afghanistan
Cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ hơn 1.000 tỷ USD, và trong quãng 10 năm kể từ 2001, Afghanistan đã nhận được hơn 50 tỷ USD hỗ trợ của nước ngoài.
Trong một nỗ lực để xây dựng nền kinh tế và thiết lập an ninh cho quốc gia này, Mỹ đã chi hơn 4 tỷ USD/năm. Khoảng một nửa số đó được dành riêng để huấn luyện và trang bị cho quân đội của Afghanistan. Ngoài ra, Afghanistan còn nhận được 1,5 tỷ USD từ các chương trình của USAID.
Trong năm 2012, yêu cầu ngân sách viện trợ cho Afghanistanlà 3,2 tỷ USD.
2. Israel
Viện trợ cho Isarel đã tăng lên đều đặn trong thập kỷ qua và riêng 2011, nước này đã nhận được 190 triệu USD từ USAID.
Isarel cũng là nước nhận được viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ, với 2,75 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2010. Trong hơn 10 năm qua, nước này đã nhận được tổng cộng gần 17 tỷ USD và tổng cộng gần 60 tỷ USD từ năm 1949.
Mỹ coi Israel là đồng minh quan trọng nhất của mình ở Trung Đông và đang đầu tư để xây dựng “một lực lượng quân đội hùng hậu và chuyên nghiệp” cho nước này.
3. Pakistan
Tài trợ cho Pakistan đã trở thành một trong những đề tài tranh cãi trong những năm gần đây ở Mỹ.
Quốc gia Hồi giáo này đã nhận được 1,6 tỷ USD viện trợ quân sự và 1 tỷ USD các hỗ trợ bên ngoài. Tuy nhiên, một số người cho rằng, Chính phủ Pakistan đang dùng số tiền này cho các lực lượng khủng bố chống lại Mỹ như mạng lưới Taliban và Haqqani hoặc để chứa chấp các trùm khủng bố như Osama bin Laden và Mullah Omar.
Tính từ thời điểm 11/9/2001, Mỹ đã viện trợ tổng cộng hơn 20 tỷ USD cho Pakistan.
4. Haiti
Do vẫn còn phải vật lộn với những hậu quả thảm khốc sau trận động đất kinh hoàng năm 2010, Haiti nhận được 1,77 tỷ USD viện trợ từ Mỹ trong cùng năm và khoảng 1 tỷ USD trong năm 2011 chỉ riêng từ USAID.
Tuy nhiên, ngay cả khi trước thời điểm xảy ra động đất, đất nước kém phát triển này đã luôn nằm trong danh sách 10 nước nhận viện trợ nhiều nhất trong một thập kỷ liền kể từ 1998 đến 2008.
5. Ai Cập
Ai Cập nhận được 1,75 tỷ USD viện trợ, trong đó có 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự.
Sau khi cuộc cách mạng ở Ai Cập nổ ra hồi tháng 1 năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã viện trợ 100 triệu USD cho cho chương trình phát triển kinh tế nhằm tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo thông qua các tổ chức phi chính phủ và 65 triệu USD cho các sáng kiến xây dựng nền dân chủ.
Theo sau vụ tấn công vào 17 văn phòng phi chính phủ và một vụ đình công sắp diễn ra nhằm phản đối người Mỹ đang làm việc tại Ai Cập, một số thành viên Chính phủ Mỹ đang muốn cắt giảm viện trợ cho nước này.
6. Iraq
Năm 2010, Iraq nhận được 1,1 tỷ USD viện trợ cho các nỗ lực tái thiết và tăng cường an ninh.
Trong lúc Mỹ đang chuẩn bị rút quân hoàn toàn khỏi đất nước này, con số viện trợ có thể sẽ tăng lên.
Yêu cầu viện trợ cho Iraq trong năm tài khóa 2012 gấp đôi năm 2010.
7. Mexico
Viện trợ quân sự cho Mexico mang lại hiệu quả kép, tăng cường an ninh cho cả nước này và Mỹ.
Tại đất nước với hàng tỷ USD trong ngành công nghiệp buôn bán ma túy mỗi năm,Mỹ đã và đang hỗ trợ Mexico về cả vật chất lẫn nhân lực để đẩy lùi tệ nạn này.
Thông qua sáng kiến Merida, từ năm 2007 đến năm 2010, Mỹ đã chuyển 1,6 tỷ cho Mexico riêng về mục đích quân sự, và 757 triệu USD chỉ trong năm 2010 cho an ninh, phát triển kinh tế và các chương trình y tế.
8. Kenya
Một trận hạn hán kinh hoàng ở khu vực “Sừng châu Phi” (hay còn được gọi là bán đảo Somali/Đông Bắc Phi) đã đẩy hàng triệu người dân ở đây đến cảnh khốn cùng. USAID đã gửi gần 500 triệu USD viện trợ lương thực và các hỗ trợ khẩn cấp khác cho Kenya.
Năm ngoái, tổng viện trợ của Mỹ cho Kenya là 687 triệu USD, dùng cho để xóa đói nghèo và chống khủng bố.
Năm 2012, Kenya sẽ nhận được 750 triệu USD viện trợ từ Mỹ.
9. Jordan
Viện trợ nước ngoài luôn là một nguồn lựcđáng kể đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Jordan.
Dưới chính quyềnTổng thống Obama, viện trợ của Mỹ dành cho Jordan đã tăng lên đáng kể từ 363 triệu USD lên 500 triệu và 850 triệu USD từ năm 2009.
10. Nigeria
Sở hữu những mỏ dự trữ dầu khủng lồ, Nigeria là quốc gia giàu có thứ ba ở châu Phi, nhưng do phân phối nguồn lực tài nguyên không đồng đều nên đã đẩy phần lớn dân số nước này vào nghèo đói.
Hàng năm, đất nước đang phải chống chọi với cuộc nổi dậy của thế giới Hồi giáo này, nhận được khoảng 600 triệu USD viện trợ.
Năm 2012, nguồn viện trợ được hứa hẹn tăng lên 660 triệu USD.
Lưu Thủy
Theo IBTimes