Tinh Hoa

Chân dung cặp cha mẹ hành hạ con nuôi

Không phải ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) không có con để rồi phải nhận con nuôi, mà cả hai từng có gia đình, các con của họ đều khôn lớn hiện làm ăn xa.

Vào những năm 1980, ông Mùi đưa vợ vào lập nghiệp ở tỉnh Bình Thuận theo diện di dân kinh tế mới rồi lần lượt có 4 người con. Đến đầu năm 2003, ông này ly dị vợ rồi quay trở lại quê.

Ông Nguyễn Mùi ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) vừa bị bắt giam khẩn cấp vì tội hành hạ, đánh đập con nuôi tàn nhẫn. Ảnh: Trí Tín.

“Về phần bà Yến, sau khi ly dị chồng, bà này cùng một trong ba đứa con về xã Hành Trung mua đất làm nhà rồi mở quán bán cà phê, nước giải khát. Đến năm 2005, ông Mùi và bà Yến kết hôn rồi mở quán bán bún, phở tại địa phương. Vợ chồng ông Mùi đưa bé Thục Phi về nuôi từ tháng 9/2010, nhưng đến cuối tháng 5/2011 mới đến địa phương làm thủ tục nhận con nuôi”, ông Nguyễn Khắc Tĩnh, Phó trưởng công an xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành cho biết.

Một số người dân thôn Phú Châu (xã Hành Đức) và thôn Hiệp Phổ Tây (xã Hành Trung) cho biết, mỗi khi ăn tại quán của vợ chồng ông Mùi, họ thường thấy bé Phi bị cha mẹ nuôi la mắng, tát tai do sơ sẩy bưng bê làm rơi vãi thức ăn hoặc chậm dọn bát của khách.

“Ngoài giờ đi học, bé Phi phụ giúp đủ việc ở quán phở tại nhà ông Mùi, nào là rửa bát, quét dọn, bưng bê, dậy sớm nhóm bếp… Thế mà sơ sẩy một chút là bé bị bà Yến, ông Mùi đánh đòn tàn nhẫn, lúc thì bằng dây điện quất vào người, khi thì tát tai”, ông Nguyễn Trụ, đối diện nhà vợ chồng ông Mùi bức xúc nói.

Bà Đoàn Thị Hồng Yến (mẹ nuôi của bé Phi) đang đứng trước nhà – nơi xảy ra nạn bạo hành, đánh đập con nuôi là bé Thục Phi trong thời gian dài. Ảnh: Trí Tín.

Hàng ngày, bà Yến bán bún, phở từ sáng sớm đến tối, còn ông Mùi thì hành nghề khâm liệm xác chết, những lúc rảnh rỗi thì đi bẫy chim.

Anh Trí – hàng xóm của vợ chồng ông Mùi lắc đầu khó hiểu: “Chưa bao giờ tôi thấy ông Mùi cười, lúc nào khuôn mặt cũng lạnh tanh, ít quan hệ với hàng xóm. Bà Yến thì lúc nào cũng chúng tôi cũng nghe chửi mắng bé Phi thậm tệ”.

Lý giải về hành vi đánh con nuôi của mình, cả ông Mùi lẫn bà Yến đều phân bua: “Do con Phi lì lợm, hư hỏng liên tục lấy trộm tiền lúc thì 5.000 đồng, khi thì 10.000 đồng nên vợ chồng tôi mới la mắng, tát nó vài bạt tai để chừa thói ăn cắp”.

Tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan, Chủ nhiệm lớp 3B, trường Tiểu học số 1 Hành Đức, nơi bé Phi đang học, thì có nhận xét khác. Theo cô Lan, bé Phi đến lớp ngoan hiền, đạo đức tốt, học hành thông minh, tiếp thu bài nhanh, kết quả học kỳ 1 lớp ba vừa rồi đạt thành tích học tập tốt.

“Vài ngày trước khi xảy ra sự việc bạo hành khiến em phải đi cấp cứu, tôi phát hiện cháu trong lớp với nhiều vết lằn roi hằn sâu trên cánh tay, môi bị sưng. Gặng hỏi mãi thì bé Phi bảo mẹ đánh do lấy trộm 5.000 đồng mua vở vì cuốn tập cũ đã hết”, cô Lan chia sẻ.

Thầy giáo Phạm Ngọc Thạnh, Hiệu trưởng trường kể thêm: “Trong khi các phụ huynh đi dự tập huấn ‘Quyền trẻ em và hình thành nhân cách sống cho trẻ’ do nhà trường tổ chức vào tháng 3/2011 thì vợ chồng ông Mùi – bà Yến vắng mặt. Các cuộc họp tập huấn liên quan đến con trẻ hai bậc phụ huynh này cũng không tham gia”.

Đến chiều nay, sức khỏe của bé Phi đã dần hồi phục, tinh thần đã trở nên hoạt bát, vui vẻ trở lại. Dự kiến sau khi bớt bệnh, bé Phi sẽ được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ngãi nuôi dưỡng.

Đến chiều nay, bé Thục Phi đã dần hồi phục sức khỏe, tinh thần dần ổn định bớt hoảng sợ khi gặp người lạ. Ảnh: Trí Tín.

Bà Yến gặp bé Phi khi cô bé khoảng một tuổi, đi cùng mẹ tên Vân hành nghề mại dâm. “Lúc ấy tôi mở quán cà phê nên Vân thường đến chơi. Tôi dò hỏi khi cô ấy đi với khách thì con nhỏ thế nào, nghe Vân trả lời tôi đề nghị thôi thì để con lại mình nuôi giúp, ban đầu mỗi tháng có đưa vài trăm nghìn. Đến khi bé gái tròn 2 tuổi thì Vân bỏ đi biệt xứ. Do hoàn cảnh lúc ấy khó khăn, vợ chồng tôi chuyển bé gái cho anh Thanh ở Hành Phước tìm người nuôi giúp”. Bà Yến thuật lại.

Xác nhận thông tin này, ông Phạm Tấn Thanh ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành nhớ lại: “Năm 2003, khi ghé ăn bún tại quán của vợ chồng ông Mùi, thấy bé gái lấm lem ở bên góc nhà, gặng hỏi thì mới biết cháu bị mẹ ruột bỏ rơi. Sau đó, tôi bàn với vợ chồng sui gia ở huyện Bình Sơn nhận bé về nuôi. Đến tháng 7/2010 khi bé Phi tròn 8 tuổi, do các con của ông bà sui gia muốn gia đình sum họp ở TP HCM nên gửi lại cháu Phi cho vợ chồng ông Mùi”.

Trí Tín