Tinh Hoa

Thử vén màn huyền thoại Chử Đồng Tử – Tiên Dung

Truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một câu chuyện thần tiên nhưng rất hiện thực: Quan niệm về tự do hôn nhân; Là ý chí vươn lên từ sự nghèo khổ; Là sự manh nha về một nghề mới trong nền kinh tế quốc dân – Nghề buôn bán.

 

Truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung là cái gạch nối địa lý, nối vùng đất tổ Phong Châu với vùng đồng bằng mới được khai phá này.    

Địa chỉ của Tiên Dung là kinh đô Phong Châu (Phú Thọ). Đây là vùng trung du, hay nói theo danh từ của các nhà nghiên cứu Địa – Lịch sử là miền “trước núi”, là đỉnh của tam giác châu Bắc Bộ, là điểm khởi đầu của cuộc thiên di thứ hai của dân tộc Việt.

Quê hương của Chử Đồng Tử là thôn Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) là vùng trung châu thổ sông Hồng.

Nơi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử là bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Nơi hai người cùng tòa lâu đài bay lên trời là đầm Nhất Dạ (Một Đêm) nay thuộc địa phận xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên, là miền hạ châu thổ.

Sự di chuyển của Tiên Dung – Chử Đồng Tử phản ánh sự thiên di, hay nói đúng hơn, đó chính là hình ảnh của cuộc thiên di của người Việt cổ từ thời Hùng Vương dựng nước để chiếm lĩnh dần vùng châu thổ sông Hồng.

Việc khai phá vùng đồng bằng diễn ra muộn hơn so với vùng đồi núi trung du. Vùng đồng bằng là vùng lầy lội, chua mặn, về mùa mưa hay bị ngập nước.

Đó là vùng nửa đất, nửa nước, với liên tiếp những chằm hồ, những vùng đất trũng, đi lại khó khăn. Muốn khai phá vùng đồng bằng phải cải tạo đất, đắp đê kè trị thủy, phải nắm được quy luật của lũ lụt, phải biết và lợi dụng được quy luật lên xuống của thủy triều…

Để làm được những việc đó, cư dân phải có trình độ kiến thức nhất định. Việc khai phá vùng đồng bằng,

Vì vậy, diễn ra từng bước rất lâu dài. Việc khai thác này còn phụ thuộc vào tốc độ bồi lắng của phù sa lấn biển. Ngay như gần đây (vào thế kỷ XIX), hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (Thái Bình) mới được khai phá bởi công lao của Nguyễn Công Trứ.Truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung chính là hình ảnh bước đi đầu tiên trong công cuộc khai phá đó.

Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã “mở bến chợ, lập phố xá” (từ dùng của Lĩnh Nam chích quái), tạo lập nên một giang sơn mới ở miền châu thổ, đến nỗi vua Hùng hiểu nhầm – tưởng con gái và con rể làm phản chống lại triều đình – đã đem quân đi hỏi tội.

“Giang sơn” mà Chử Đồng Tử – Tiên Dung tạo lập ở hai bên bờ sông Hồng thuộc Châu Giang, Kim Thi, Phù Tiên (Hưng Yên) bên tả ngạn. Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Tây) bên hữu ngạn.

Truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung là cái gạch nối địa lý, nối vùng đất tổ Phong Châu với vùng đồng bằng mới được khai phá này.    

(còn nữa)        


Phan Duy Kha