Từ lâu, hình ảnh người thổi sáo điều khiển những con rắn hổ mang uốn mình theo điệu nhạc đã trở thành biểu tượng quen thuộc của đất nước Ấn Độ và thế giới Ả Rập. Đằng sau hình ảnh kỳ thú này là câu chuyện bí mật về nghề nghiệp chúng mình chưa biết cũng như cuộc sống bấp bênh của các nghệ nhân độc đáo này.
Rắn là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật Hindu.
Lịch sử của những nghệ sĩ thổi sáo rắn
Nghệ thuật thổi sáo “mê hoặc” rắn bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, hình thức biểu diễn này phát triển đặc biệt mạnh mẽ tại Ấn Độ. Trong đạo Hindu, rắn là một loài động vật linh thiêng nên những “thầy phù thủy rắn” từng được người đời cho là có quyền năng đặc biệt. Ngoài biểu diễn, họ còn là những thầy thuốc chữa trị cho người bị rắn cắn.
Một nghệ sĩ thổi sáo “mê hoặc” rắn tại bang Jaipur, Ấn Độ.
Đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của những thầy phù thủy rắn. Họ trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch thập phương đến thăm Ấn Độ. Nghề này thường được truyền từ cha sang con trai từ khi đứa trẻ còn nhỏ.
Một nghệ sĩ thổi sáo khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Vén bức màn bí ẩn của nghệ thuật “mê hoặc” rắn
Thổi sáo với rắn là một môn nghệ thuật trình diễn đường phố kết hợp với âm nhạc. Phục trang không thể thiếu của những người thổi sáo là những chiếc khăn xếp đội đầu lớn. Họ cũng thường để ria dài.
Rắn hổ mang là loài rắn phổ biến trong các tiết mục biểu diễn.
Rắn thường chuyển động theo những cử động của cây sáo.
Người thổi sáo đặt những con rắn trong giỏ đan rồi xâu tất cả các giỏ trên một thanh tre dài để vác trên vai. Họ thường chọn vị trí biểu diễn tại những nơi đông người qua lại. Sau khi bày những chiếc giỏ ra đất, các nghệ nhân ngồi xếp bằng và cất lên tiếng sáo rộn rã. Khi nắp giỏ được mở ra, những con rắn bèn ngóc đầu dậy, chuyển động theo từng nhịp sáo.
Rắn hổ mang là loài được sử dụng phổ biến nhất trong các màn biểu diễn. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, những nghệ sĩ thổi sáo thường loại bỏ răng nanh và tuyến độc của những con rắn. Họ cũng giữ một khoảng cách an toàn trong quá trình biểu diễn và tránh làm cho những con vật bị kích động.
Một nhóm các nghệ sĩ thổi sáo tại thủ đô New Delhi.
Liệu có phải những người thổi sáo có thể thôi miên những con rắn di chuyển theo điệu nhạc? Trên thực tế là không. Những con rắn không thể nghe được các âm thanh của sáo, mà chúng di chuyển theo cử động của cây sáo trong tay người thổi mà thôi.
Câu chuyện hiện tại
Tuy vậy những năm gần đây, cuộc sống của những “thầy phù thủy rắn” đã trở nên khó khăn hơn. Sự quan tâm của người dân Ấn Độ với môn nghệ thuật này giảm dần khi các phương tiện giải trí hiện đại ngày càng phát triển. Quá trình đô thị hóa nhanh tại đất nước này đã đẩy rắn hổ mang đến bờ vực tuyệt chủng. Các nghệ sĩ thổi sáo bị cấm nuôi giữ loài động vật này và nếu bị bắt gặp, họ phải nộp những khoản tiền phạt lớn.
Thần Vishnu nằm nghỉ trên Sheshnag, một con rắn thần thoại.
Ở Ấn Độ, nếu sắp xếp thứ bậc đẳng cấp xã hội thì các “thầy phù thủy rắn” ở vị trí rất thấp. Ngày nay, họ không thể sống được bằng nghề và buộc phải đi ăn xin hoặc bới rác. Con cái của họ thường không muốn nối nghiệp.
Thời gian gần đây, chính phủ Ấn Độ đã và đang có những chính sách phục hồi môn nghệ thuật lâu đời này. Những người thổi sáo được phép biểu diễn tại một số địa điểm du lịch và có đề xuất nhằm giúp họ trở thành những nhà bảo tồn rắn chuyên nghiệp.
Theo Kenh14
Đọc thêm :
- Phát hiện bã kẹo cao su cổ xưa nhất thế giớ
- Hành trình của viên ngọc trai 240 tỷ đồng
- Những câu chuyện hôn mê… quái đản nhất quả đất