EVN thua lỗ là do hạn hán, thủy điện thiếu nước, phải bù điện từ các nhà máy chạy dầu, với giá thành cao. Còn lương cao để giữ chân người giỏi, nếu lương không đảm bảo họ sẽ bỏ việc, ông Đinh Quang Trí, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói.
Ý kiến trên được Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Trí đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức chiều nay (10/2), tại Hà Nội.
EVN phải trả lương cao để giữ chân người giỏi. Ảnh minh họa Internet. |
PV – Theo báo cáo, năm 2010, EVN thua lỗ khoảng 10.000 tỉ đồng, nhưng tại sao việc chi trả lương cho người lao động của Tập đoàn vẫn rất cao?
Ông Đinh Quang Trí, Phó tổng Giám đốc EVN: EVN thua lỗ là do hạn hán, thủy điện thiếu nước, trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành điện phải đảm bảo nguồn cung điện, buộc chúng tôi phải phát điện từ nguồn chạy dầu, với giá thành cao, trong khi giá thành điện không đổi. Cái này hoàn toàn do khách quan.
Còn việc lương cao, nếu tính lương của nhân viên nganh điện theo công thức lương tối thiểu nhân hệ số lương cơ bản, chắc chắn lao động họ sẽ bỏ nghề. Đặc biệt, người giỏi nếu lương không bảo đảm họ sẽ bỏ, nên Thủ tướng cho phép trả lương bằng 95% so với đơn giá tiền lương năm 2009.
Trong đấy, có đơn vị sản lượng kinh doanh thấp, không đạt định mức, quỹ lương không tăng so với năm 2009; có đơn sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt, vượt định mức thì hưởng lương cao hơn năm 2009.
Giờ việc tính lương không chỉ theo hệ số như trước nữa, mà còn phải theo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Việc EVN thô lỗ lương vẫn tăng vì tiền lương còn được tính theo tổng lượng điện thành phẩm, lượng điện hàng năm tăng thì lương tăng. Ví dụ năm 2010, sản lượng điện thành phẩm tăng 14,51% so với năm 2009, nhưng đơn giá Thủ tướng giao cho năm 2010 chỉ được hưởng 95%, ngoài ra để đạt được sản lượng điện tăng như thế thì lương chỉ được tăng 6%.
– PV: Trong một buổi hợp, ông Tổng Giám đốc của EVN từng phát biểu “tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, thời điểm đó mức lương bình quân của EVN được công bố là 7,3 triệu đồng/người/tháng. Vậy với cá nhân ông, ông có cảm thấy đau lòng khi kết quả kiểm tra lương do Bộ LĐ-TB&XH tiến hành lương bình quân của EVN là 7,6 triệu đồng/người/tháng?
Ông Đinh Quang Trí, Phó tổng Giám đốc EVN. |
Ông Đinh Quang Trí: Nói về tiền lương, với các cấp lãnh đọa và Chính phủ đều mong muốn thu nhập của người lao động càng ngày cang cao, thì người dân mới được hưởng phúc lợi. Đấy là mục tiêu.
Lương cao hay thấp còn phải đánh giá với hiệu quả sản xuất, mức đấy có gắn với hiệu quả không?
Tôi cho rằng, cán bộ ngành điện đã có gắng hết mức, đặc biệt những năm thiếu điện họ rất vất vả. Thương công nhân, đến cắt điện còn bị dân bao vây, không cho cắt, rồi bắt trói lại cho phơi nắng. Họ phải chịu áp lực như thế, nên cần quan tâm đến họ. Cho bao nhiêu họ quý bấy nhiêu, và nâng cao đời sống bấy nhiêu.
Trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn là làm sao cho cuộc sống người lao động được ổn định, và định mức lương đó được áp dụng đúng luật, không vi phạm, được phép chi.
– PV: Ông có thể cho biết hiện nay ông hưởng lương bao nhiêu?
Ông Đinh Quang Trí: Mức lương của tôi hiện nay là 40 triệu/tháng.
– PV: Sau khi có kết quả kiểm tra, liệu Bộ LĐ-TB&XH có kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng chi lương sai đối tượng và không công bằng giữa các khối như thế?
Ông Nguyễn Tiến Túng, Phó chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH – Trưởng Đoàn kiểm tra lương EVN. Không phải cứ sai phạm nào cũng phạt. Lần thứ nhất nhắc nhở nếu không sửa, sau khi kiểm tra lại tiếp tục sai phạm mới xử lý. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã kiến nghị EVN 8 nội dung cần phải thực hiện trong thời gian tới. Một năm sau chúng tôi kiểm tra lại mà EVN không thực hiện sẽ xử phạt.
Phải nói thêm rằng, nếu kiểm tra thì 100% doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa doanh nghiệp nào làm đúng.
– PV: Thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH có tính tới chuyện kiểm tra, làm rõ việc chi lương của các Tập đoàn nhà nước khác không?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành khách nghiên cứu cơ chế tiền lương của Tập đoàn, và các thành phần kinh tế khác, phải trình trong nửa đầu năm 2012.
Việc tính lương các đơn vị kinh tế khó lắm, vì lương doanh nghiệp được tính theo cơ chế thị trường, dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh. Chứ không phải theo hành chính.
Mức lương cao nhất ở EVN là 51 triệu đồng/tháng Trong đó, thu nhập bình quân của nhân viên Công ty mẹ là 14,105 triệu đồng/người/tháng; Thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 11,403 triệu đồng/người/tháng; Thu nhập bình quân khối phát điện là 10,387 triệu đồng/người/tháng; Thu nhập bình quân khối phân phối điện là 6,75 triệu đồng/người/tháng; Viên chức quản lý, thu nhập bình quân 2008 là 32 triệu, năm 2009 là 36 triệu, năm 2010 là 37 triệu. Mức lương cao nhất thuộc về Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn là 51 triệu đồng/tháng. |
Lê Việt (vtc)