Các nghiên cứu mới phát hiện, trận siêu động đất tấn công nước Nhật ngày 11/3 vừa qua đã làm đáy biển bị dịch chuyển sang một bên tới 24 mét, nhiều hơn con số dự đoán trước đó của các nhà khoa học.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Theo tờ Daily Mail, tạp chí Science vừa cho đăng tải 3 bài báo về các nguyên nhân và hậu quả của trận siêu động đất Nhật ngày 11/3. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh về điểm nóng động đất phức tạp và tiềm ẩn nguy hiểm hơn những gì giới khoa học phỏng đoán trước đó.
Vị trí 5 thiết bị đo đạc dưới nước của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật. Ảnh: AAAS/Science. |
Trong một bài báo, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã công bố dữ liệu thu được từ 5 thiết bị đo đạc mà họ đặt dưới nước từ năm 2000, dọc theo đường đứt gãy gây ra cơn địa chấn dữ dội. Một trong số các thiết bị này đã thực tế được đặt gần như trên đỉnh của tâm chấn trận siêu động đất mạnh 9 độ Richter, tại một trạm đo đạc gọi là MYGI.
Các phép đo thực hiện trong tuần tiếp sau trận động đất cho thấy, tại khu vực MYGI, đáy biển đã dịch chuyển khoảng 24 mét về phía đông – đông nam kể từ lần đo đạc gần nhất vào tháng 2. Đáy biển cũng đang cao lên khoảng 3 mét.
Tiến sĩ Mariko Sato, một chuyên gia đo đạc cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật ở Tokyo, tin rằng hầu hết sự dịch chuyển trên xảy ra trong động đất. “Quy mô gần như gấp đôi các ước tính chỉ dựa vào dữ liệu trên mặt đất”, tiến sĩ Sato phát biểu với hãng thông tấn BBC.
Trong một nghiên cứu khác chắc chắn sẽ gây báo động ở Nhật, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) đã tái tạo diễn biến trận động đất Tohuku – Oki bằng cách sử dụng các dữ liệu GPS ghi nhận tại hơn 1.200 địa điểm. Các dữ liệu của họ cho thấy, trái với quan điểm trước đây, khu vực đã hình thành số lượng căng thẳng địa chấn rất lớn trước trận siêu động đất.
Trước đó, các nhà nghiên cứu từng thống nhất quan điểm chung rằng, “đoạn Miyagi” trong đường đứt gãy không nằm dưới sức ép của các mảng khác dọc ranh giới mảng của Nhật, nơi các trận động đất lớn thường xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của giáo sư Mark Simons chứng minh giả thiết này là vô cùng sai lầm. Điều đó làm dấy lên những câu hỏi về các phần khác trong đường đứt gãy từng được coi là có rủi ro thấp, bao gồm cả những khu vực xa hơn về phía nam, gần Tokyo.
“Mảng Ibaraki” của ranh giới mảng của Nhật được cho là hoạt động tương tự như mảng Miyagi. Giáo sư Simons nhận định, khu vực phía nam này nhiều khả năng đang chứa đựng số lượng lớn các căng thẳng địa chấn. Trong lịch sử, nơi đây chỉ mới một lần trải qua các trận động đất có cường độ hơn 8 độ Richter, đồng nghĩa với việc khu vực có đủ điều kiện chín muồi cho một sự “bùng nổ” trong tương lai.
Trận siêu động đất hồi giữa tháng 3 cũng có thể hủy hoại các khu vực lân cận trong đường đứt gãy, làm cho chúng thậm chí dễ bị tổn thương hơn trước một sự cố đứt gãy thảm khốc. Theo giáo sư Simons, nhà chức trách Nhật cần phải chú ý rất nhiều tới “mảng Ibaraki” trong tương lai gần.
Thống kê mới nhất của cảnh sát Nhật cho biết, trận siêu động đất ngày 11/3, gây sóng thần tiếp sau đó đã cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người và xóa sổ nhiều làng mạc, thị trấn. Hơn 11.000 nạn nhân thảm họa hiện vẫn đang mất tích.
- Thanh Bình