– Một chiếc nhẫn cưới quay về với chủ cũ sau 16 năm, chiếc ví được tìm thấy sau 40 năm. Trong nhiều trường hợp, người mất đồ đã quên rằng mình để thất lạc những đồ vật như vậy.
Tìm thấy nhẫn cưới trên củ cà rốt sau 16 năm
Tình cờ ở đúng vị trí đó, nhiều năm sau, một cây cà rốt mọc lên. Dù nằm dưới đất một thời gian dài, nhưng chiếc nhẫn vẫn còn sáng bóng. Chỉ có điều nó không còn vừa tay Lena nữa. |
Giáng sinh năm 1995, Lena Paahlsson, người Thụy Điển tháo chiếc nhẫn cưới bằng vàng trắng ra để làm tiệc nướng với con gái. Cô đặt nó lên quầy bếp nhưng sau đó không tìm thấy chiếc nhẫn đâu nữa.
Các thành viên trong gia đình lùng sục mọi nơi để tìm chiếc nhẫn quý, thậm chí cậy cả ván sàn lên, nhưng không có kết quả.
Lena đã từ bỏ hy vọng và nghĩ không bao giờ thấy lại chiếc nhẫn nữa. Gần 16 năm sau, trong một lần thu hoạch rau quả ở vườn nhà, Lena ngỡ ngàng khi thấy chiếc nhẫn mắc ở đầu một củ cà rốt.
Sau một hồi đoán già đoán non, mọi người trong gia đình cho rằng, chiếc nhẫn đã rơi vào bồn rửa bát và lẫn vào đống vỏ khoai tây. Đống vỏ này sau đó được đổ ra vườn.
Tình cờ ở đúng vị trí đó, nhiều năm sau, một cây cà rốt mọc lên. Dù nằm dưới đất một thời gian dài, nhưng chiếc nhẫn vẫn còn sáng bóng. Chỉ có điều nó không còn vừa tay Lena nữa.
Ví tìm về chủ cũ sau 40 năm
Vào năm 1970, Rudolph Resta để quên ví trong túi áo cất ở trụ sở tờ The New York Times, nơi ông làm việc. Khi Rudolph lấy chiếc áo khoác vào giờ ăn trưa, chiếc ví đã biến mất.
Câu chuyện tưởng như dừng ở đó và sẽ trôi vào quên lãng như vô số các vụ mất trộm lặt vặt khác xảy ra ở New York mỗi ngày. Cho đến một ngày, 40 năm sau đó.
Khi xem xét khoảng trống giữa một cửa sổ cũ không sử dụng và chỗ bịt phía sau nó, một nhân viên bảo vệ làm việc trong tòa nhà tìm được một chiếc ví. Có vẻ như một tên trộm đã giấu nó vào chỗ này sau khi lấy hết tiền mặt.
Chiếc ví được chuyển cho Rafael Rodriguez, giám đốc phòng cháy chữa cháy của tòa nhà. Dựa vào những giấy tờ ố vàng và vài tấm ảnh trong ví,
Rafael đoán rằng, chủ nhân của nó là một người đã từng làm việc ở The New York Times. Nhờ một số người, cuối cùng, ông cũng tìm ra đó là Rudolph Resta.
Một cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động đã diễn ra tại nhà riêng của Rudolph. Chủ nhân của chiếc ví, giờ đã là một ông lão 71 tuổi, rưng rưng nước mắt khi cầm trong tay những tấm ảnh nhuốm màu thời gian, ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình ông từ hơn 40 năm trước.
Chiếc máy ảnh quay về từ đáy biển
Cuối năm 2011, trong một chuyến lặn ở vịnh Deep ở Vancouver (Canada), nhiếp ảnh gia chuyên chụp động vật hoang dã Markus Thompson tình cờ tìm thấy một chiếc máy ảnh kỹ thuật số
Canon EOS 1000D dưới đáy biển. Khi lên bờ, ông kiểm tra thấy chiếc thẻ nhớ SD bên trong máy vẫn còn nguyên vẹn và có thể khôi phục được khoảng 50 bức ảnh.
Đó là những bức ảnh ghi lại kỳ nghỉ của một gia đình. Dựa vào những chi tiết trong ảnh, Markus biết đó là gia đình một người lính cứu hỏa ở British Columbia (Canada). Đội cứu hỏa của anh đã thắng trong cuộc thi Pacific Regional Firefit. Người lính cứu hỏa này có vợ và một cô con gái khoảng 2 tuổi.
Tất cả những thông tin này cùng một số ảnh trong thẻ được Markus đăng lên trang Google+, kèm theo lời nhắn muốn tìm lại chủ nhân của chiếc máy và những bức ảnh.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã nhận được hàng nghìn phản hồi, trong đó có một người tự nhận là bạn của chủ nhân chiếc máy ảnh.
Cuối cùng, chiếc Canon EOS 1000D cũng tìm được chủ cũ. Người lính cứu hỏa cho biết, anh để rơi máy vào tháng 8/2010. Sau hơn 1 năm nằm dưới đáy biển, chiếc máy đã hỏng. Nhưng những bức ảnh quý giá thì vẫn còn nguyên vẹn.
Nguyễn Ngọc Khanh (tổng hợp)