“Vụ án Lê Văn Luyện để lại nhiều bài học đau xót”
Theo Đại tướng Lê Đức Anh, chính vì căn bệnh thành tích đã dẫn đến chất lượng giáo dục không cao và xuất hiện tiêu cực trong thi cử. Nhiều thanh niên hư hỏng mà gần đây nhất là vụ Lê Văn Luyện giết đến 3 mạng người để cướp vàng… để lại nhiều bài học đau xót.
LTS: Đầu năm mới, PV “xông đất” nhà Nguyên chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Xin chuyển đến bạn đọc những lời chia sẻ đầy tâm huyết của ông về nền giáo dục nước nhà.
– Năm mới đã đến, PV xin gửi đến Đại tướng cùng gia đình lời chúc sức khỏe, an lành! Vào thời khắc đầu xuân năm mới, đại tướng muốn nói gì về ngành giáo dục của Việt Nam?
– Giáo dục Việt Nam có nhiều ưu điểm cũng như thuận lợi. Đó là một nền giáo dục toàn dân, phổ cập đến bậc THCS nên ai cũng được đi học đúng như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thêm nữa, người dân Việt Nam có truyền thống hiếu học nên rất quan tâm đến giáo dục. Đó là một thuận lợi cho nền giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, do đất nước còn khó khăn nên nền giáo dục của chúng ta còn khá nhiều khó khăn và đi kèm với đó là một số nhược điểm, trong đó đáng chú ý nhất là bệnh thành tích. Chính vì căn bệnh này đã dẫn đến chất lượng giáo dục không cao và xuất hiện tiêu cực trong thi cử. Giáo dục không tốt cũng là một trong những căn nguyên xảy ra nhiều tiêu cực trong xã hội.
Đại tướng Lê Đức Anh chụp ảnh lưu niệm cùng Phóng viên nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn. |
– Thưa Đại tướng Lê Đức Anh, trước những tiêu cực trong xã hội, nhiều người đổ lỗi cho cơ chế thị trường.
– Giáo dục gắn liền với xã hội. Mà xã hội thì có mặt tốt, mặt xấu. Chính điều đó đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Thường bây giờ, khi mặt xấu của xã hội xảy ra, thì không ai nhận trách nhiệm mà đổ cho là do cơ chế thị trường. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm.
Cần xét đến gốc rễ sâu xa của vấn đề này, đó là giáo dục.
– Nói đến giáo dục, thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục ở bậc mẫu giáo, tiểu học. Đại tướng nghĩ sao về điều này?
– Giáo dục mẫu giáo, tiểu học là cơ sở ban đầu để xây dựng đất nước, xây dựng con người. Sau 1954, cả miền Bắc coi trọng giáo dục mẫu giáo, tiểu học để tập trung xóa nạn mù chữ và chú trọng giáo dục trẻ nhỏ.
Mà người quan tâm đặc biệt đến vấn đề này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, thế hệ này lớn lên, hăng hái xây dựng và bảo vệ đất nước, tiêu cực trong xã hội ít… Nền giáo dục đó đã góp phần giải phóng miền Nam, xóa được nạn đói, nâng cao đời sống của nhân dân…
Công tác giáo dục cơ sở cần chấn chỉnh hơn nữa. Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ giết người cướp của, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đâm chém nhau. Nhiều thanh niên hư hỏng mà gần đây nhất như là vụ Lê Văn Luyện giết đến 3 mạng người để cướp vàng… để lại nhiều bài học đau xót.
– Theo đại tướng, để nền giáo dục của chúng ta lớn mạnh và xứng tầm thời đại thì chúng ta phải làm gì?
– Ngành giáo dục là một ngành quan trọng bậc nhất của đất nước. Như vậy, bộ giáo dục Việt Nam cần phải có một vị “tướng” thực sự giỏi, bản lĩnh để lãnh đạo tận tâm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định mình đưa ra.
Hiện nay, xét về tổng thể lương của ngành giáo dục là tương đối cao nhưng xét về thu nhập lại là thấp so với các ngành khác. Như vậy, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách giáo dục của nhà nước để có sự phối hợp giữa nhân dân và nhà nước đưa lĩnh vực này phát triển.
Để hạn chế những tiêu cực trong giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được làm tốt hơn và phải công tâm hơn. Chúng ta cũng cần phải học hỏi các nước bạn về cách làm giáo dục.Theo GDVN