Tinh Hoa

Lý do Apple chọn sản xuất iPhone tại Trung Quốc

Giống nhiều thương hiệu 2-Tek đình đám khác, Apple luôn hoàn thiện sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Hẳn bạn từng nghe nói nhân công tại đây phải làm việc 12-16 tiếng mỗi ngày, mức lương chưa đến 1 USD (khoảng 21k VNĐ) mỗi giờ và sống trong những căn phòng nhỏ với 15 chiếc giường. Nguyên nhân “to đùng” được cho là bởi Apple quá quan trọng chuyện tiền bạc…

Dĩ nhiên, tiền đóng vai trò không hề nhỏ, nhưng theo cây bút danh tiếng của tạp chí New York Time, Charles Duhigg, còn nhiều câu chuyện bí mật đằng sau quyết định của “trái táo khuyết”.

 

Trước hết, phải khẳng định ngay rằng lắp ráp một chiếc iPhone tại Hoa Kỳ sẽ tốn thêm 65 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) so với Trung Quốc – nơi chi phí mỗi 8 USD (khoảng 170k VNĐ). Tuy vậy, với mức giá trung bình 600 USD (khoảng 12,6 triệu đồng), Apple lợi nhuận 250 USD (khoảng 5,3 triệu đồng) trên mỗi sản phẩm. Tức là dù lắp ráp tại Mỹ, hãng vẫn lãi rất nhiều. Thế nên, lý do thực sự của Apple hoàn toàn khác.

Hầu hết linh kiện cho iPhone/iPad đều sản xuất tại Trung Quốc hoặc các quốc gia gần đó. Việc di chuyển công đoạn lắp ráp đến Mỹ đồng nghĩa rằng chúng phải bay nửa vòng trái đất. Điều này khiến công tác hậu cần trở nên phức tạp hơn, làm giảm tính linh hoạt của Apple khi hãng muốn thay đổi nhà cung cấp.

 

Các nhà máy tại Trung Quốc làm việc nhanh nhẹn hơn tại Mỹ. Họ có thể thuê (sa thải) hàng chục ngàn lao động qua đêm. Ngoài ra, phần lớn công nhân sống trong khuôn viên nhà máy nên họ có thể làm việc bất kỳ lúc nào, thay đổi tập quán sản xuất và tốc độ nhanh chóng.

Trung Quốc sở hữu đội ngũ kỹ sư có trình độ phù hợp với yêu cầu của Apple. Đặc biệt, họ không phải chuẩn bị giấy chứng nhận như tại xứ cờ hoa trước khi nhận việc – vốn rất tốn thời gian và tiền bạc. Cuối cùng, lực lượng lao động Trung Quốc khát khao công việc và cũng cần tiền hơn những đồng nghiệp tại Mỹ.

Chắc chắn, Apple chuyển nhiều công việc ra nước ngoài có nguyên nhân từ lợi nhuận. Song không chỉ bởi mức lương của người lao động châu Á thấp hơn mà còn bởi sự giảm chi phí khi dây chuyền lắp ráp và linh kiện gần nhau, cũng như người lao động “muốn” làm việc hơn.

 

Trong nhận định cuối cùng, Charles đưa ví dụ về một kỹ sư có tên Eric Saragoza, làm việc tại nhà máy Sacramento (California, Mỹ) cho Apple từ năm 1995. Rất cố gắng, sau vài năm ông có thu nhập trên 50.000 USD/năm, cưới vợ, sinh con và mua căn biệt thự cho riêng mình. Ban đầu, Saragoza yêu cầu được làm việc 12 tiếng mỗi ngày bao gồm cả thứ 7. Nhưng dần dần, ông lại muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Rõ ràng, lương của Saragoza quá cao cho công việc không tay nghề, song ông cũng chẳng đủ kinh nghiệm và kiến thức nhằm trở thành lãnh đạo. Đến năm 2002, công việc trên bị bãi bỏ do Apple thay đổi cấu trúc sản xuất tại nhà máy, Saragoza chuyển sang làm kiểm tra thử nghiệm iPad với mức lương 10 USD (khoảng 210k VNĐ) mỗi tiếng – thấp hơn trước kia rất nhiều. Còn hiện tại, người đàn ông 45 tuổi đã xin nghỉ và bắt đầu tìm kiếm công việc mới.

 

Theo Lina Lin, quản lý dự án cho Apple tại Thâm Quyến (Trung Quốc), lao động tại thành phố này rất đông và đều muốn làm việc cật lực để tiết kiệm tiền nuôi bản thân hay gia đình.

Tóm lại, Trung Quốc sở hữu một “hệ sinh thái” phù hợp theo đòi hỏi của Apple và nhiều công ty điện tử khác – điều từng có tại Mỹ nhiều năm trước. Thế nên, việc Apple di chuyển công đoạn sản xuất ra khỏi cường quốc số 1 thế giới là điều tất yếu.