Cuộc giải cứu cụ rùa đã thành công và được bình chọn là 1 trong “10 sự kiện giải
cứu nổi bật nhất năm 2011”. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều câu chuyện đằng sau
đó mà không phải ai cũng biết.
PV VTC News đã có cuộc nói chuyện đầu xuân với
TS. Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chuẩn đoán và chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, để
nghe lại những chuyện tới giờ mới có thể nói – khi công việc chữa bệnh cho cụ rùa đã kết thúc.
TS. Bùi Quang Tề cho biết, sau
khi cụ rùa được thả lại hồ là nhiệm vụ của ông đã hoàn thành. Trong suốt quá
trình chữa trị, mọi chuẩn đoán ban đầu về bệnh cũng như cách thức chữa trị,
thuốc men đều đúng hoàn toàn.
– Khi công
việc chữa trị cho cụ rùa hồ Gươm kết thúc, tâm trạng của ông thế nào?
Tiến Sĩ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chuẩn đoán và chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm. |
– Giờ tôi cảm thấy rất phấn khởi, nhẹ nhõm vì hoàn
thành nhiệm vụ được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao. Sau 100 ngày được đưa
lên chữa trị, tới ngày 12/7/2011, cụ được thả về hồ an toàn. Công việc của tôi
chính thức kết thúc.
Phần chăm sóc cụ sau chữa trị là
trách nhiệm của Hà Nội. Tôi đã xây dựng một bản kế hoạch chăm sóc cụ rất chi
tiết, dày hơn 50 trang để Hà Nội thực hiện. Những cái được và chưa được, từ việc
xử lý môi trường nước hồ, cho ăn cái gì, ăn ra sao… đều được đề cập hết trong
đấy.
– Tới giờ nhìn lại, ông thấy
đâu là điều khó khăn nhất với ông trong quá trình chữa bệnh cho cụ rùa?
– Lúc đầu, khi lên kế hoạch chữa
trị, tôi sợ nhất là việc tiếp cận cụ như thế nào, vì cụ là một cá thể rất lớn.
Chỉ cần hình dung con cá gần một cân mà cụ chỉ cần cắn một cái là nát cả con,
thử hỏi tay người mà bị cụ cắn thì sẽ thế nào?
Vì vậy, trong kế hoạch, chúng tôi
đã thống nhất lên phương án, nếu không tiếp cận được cụ để bôi thuốc sẽ dùng
cách “tắm thuốc” cho cụ, tức là đổ thuốc trực tiếp vào nước bể chứa. Do vậy, bể
chữa trị được thiết kế nhỏ, để nếu có phải dùng biện pháp “tắm thuốc” sẽ dễ thực
hiện và đỡ tốn thuốc. Nhưng may là cụ rất hiền nên việc đưa cụ lên khỏi mặt
nước và tới gần để bôi thuốc rất dễ dàng.
Cái lo thứ hai là lo cụ bị bệnh
nặng và liên quan đến nội tạng sẽ rất khó chữa bởi với loài rùa và ba ba khi bị
bệnh trong người rất khó chữa. Trong trại của tôi từng có con ba ba nặng hơn
20kg bị viêm phổi, chỉ đúng 1 tuần là chết. Nhưng rất may là sau khi chuẩn đoán, cụ chỉ bị bệnh ngoài da nên chỉ cần bôi thuốc là khỏi.
– Cụ rùa có vị trí tâm linh
rất lớn trong lòng mỗi người Việt và được dư luận rất quan tâm. Đều này có tạo
sức ép cho ông? Ông có tính tới khả năng xảy điều đáng tiếc trong quá trình chữa
trị?
– Tôi chỉ xem cụ là một bệnh nhân
đặc biệt của mình. Chứ tôi không xem cụ là thần vì nếu là
thần thánh thì đâu cần chữa trị.
Như các thầy thuốc chữa bệnh cho
vua chúa cũng vậy thôi, nếu đã xem là cao quý quá, chúa trời quá thì thì chẳng
ai dám chữa trị bệnh cho vua.
Nhưng cụ rùa được coi là linh vật nên trước khi
bắt đầu công việc chữa trị hằng ngày, tôi đều phải xin phép cụ.
TS. Bùi Quang Tề (mặc áo sơmi sọc) đang chỉ đạo việc chữa trị cho cụ rùa. |
– Trong suốt quá trình chữa trị cho cụ rùa, điều gì làm ông nhờ nhất?
– Với tôi, vui nhất vẫn là được tiếp xúc với cụ.
Ngay hôm đầu tiên khi đưa cụ vào chữa trị (ngày 3/4/2011 – PV), tôi trực tiếp
xuống xem mắt cụ. Tuy mắt cụ nhỏ xíu thôi nhưng rất sáng và tinh chứng
tỏ sức khỏe cụ vẫn tốt. Vì theo kinh nghiệm, với động vật thủy sinh chỉ cần nhìn
vào mắt là có thể đoán được sức khỏe thế nào, mắt mờ đục là chắc chắn có vấn đề.
Cái thứ hai, mỗi ngày trước khi
học trò của tôi xuống đẩy mai cụ vào lồng lưới để đưa lên bôi thuốc, tôi đều
phải xin phép cụ: “Báo cáo cụ vào phòng điều trị để con cháu sửa sang sắc đẹp
cho cụ”, sau đấy cụ mới ngoan ngoãn cho đưa lên. Có hôm tôi đến muộn, học trò
của tôi tự xuống đưa cụ lên nhưng dù làm đủ mọi cách, cụ nhất quyết không lên.
Tới lúc tôi đến, cụ mới lên.
– Khi ông nhận lời tham gia
chữa trị cụ rùa, gia đình ông ý kiến gì về quyết định đó?
– Lúc đầu vợ tôi cũng thấy lo
lắng cho tôi nhưng chủ yếu là lo tôi giờ tuổi cao, lại phải đi lại nhiều, vất vả.
Khi cụ được thả về hồ thành công, vợ tôi bảo “thế là hoàn thành nhiệm vụ rồi”.
– Về tuổi của cụ rùa, theo
ông, cụ khoảng bao nhiêu tuổi?
– Trên thế giới, những cá thể rùa
sống lâu nhất chỉ khoảng 160-180 tuổi. Còn cụ rùa Hồ Gươm tới nay đã đạt kích cỡ
tối đa nên theo tôi cụ phải trên 100 tuổi. Nếu cụ sống được vài chục năm nữa là
rất thọ rồi.
– Cụ rùa được xác định là
giới tính cái, vậy theo ông cụ còn khả năng sinh sản không, khi suốt thời gian
qua không một ai nhặt được trứng của cụ?
Như tuổi cụ hiện nay thì khả năng
sinh sản rất thấp. Hơn nữa, giờ cụ cũng là cá thể duy nhất trong hồ, có đẻ trứng
cũng không nở được.
Còn việc không ai thấy được trứng cụ vì khu vực hồ đã không còn bãi để đẻ. Ngày xưa, vị trí xây Tháp Rùa là bãi đẻ
trứng nhưng sau đó người ta xây tháp lên, bờ kè xung quanh được xây thẳng đứng nên cụ cũng không leo lên được.
Nếu kết hợp với rùa Đồng Mô thì
vẫn lai giống được nhưng con sinh ra sẽ không sinh sản được.
Ông Tề trực tiếp chấm thuốc vào vết thương của cụ rùa. |
– Bây giờ đánh giá lại, theo ông việc chữa trị cho cụ có cần thiết và liệu có
cần phải làm lớn như vậy không, khi gây sự chú ý cả trong và ngoài nước, với
hàng loạt hội thảo, hội nghị đã diễn ra?
– Xét về mặt quan điểm sinh học,
bất kể sinh vật gì, hễ bị bệnh thì nên chữa trị, việc chữa trị cho cụ rùa cũng
vậy thôi. Chưa kể cụ rùa còn là động vật quý hiếm nên làm là đúng.
Dĩ nhiễn trong quá trình làm có
một vài đơn vị tôn sùng cụ quá, như thế là không hay lắm.
– Vào thời điểm tháng
11/2011, tức sau khoảng 4 tháng cụ rùa được thả về hồ, cụ lại liên tục nổi lên.
Ông đánh giá thế nào về sức khỏe cụ vào thời điểm đấy, liệu những vết thương cũ
có tái phát?
– Theo tôi thấy, cụ nổi chủ yếu
do môi trường nước hồ ô nhiễm, một phần cũng có thể do thiếu thức ăn. Còn nhiệt
độ thấp cũng không đáng ngại, vì cụ đã sống với khi hậu miền Bắc cả chục năm,
thậm chí cả trăm năm rồi.
– Nói một điều không ai mong
muốn, nhưng nếu thời gian tới sức khỏe của cụ lại có vấn đề, nếu được mời, ông
có tiếp tục tham gia chữa trị?
– Hy vọng cụ không gặp lại tôi
nữa. Nếu cụ phải đưa lên chữa trị lần nữa, tôi sẽ cố gắng trong khả năng sức
khỏe cho phép.
Cũng hy vọng săng năm mới sức
khỏe của cụ ngày càng tốt hơn.
– Xin cảm ơn ông!
Lê Việt (thực
hiện)