1. Lễ hội Setsubun ở Nhật Bản
Lễ hội Setsubun được tổ chức hàng năm tại đất nước “Mặt trời mọc” vào ngày 3/2 dương lịch, ngay trước ngày Lập xuân. Theo quan niệm truyền thống của người Nhật Bản thì Lập xuân là thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Đậu tương và mặt nạ Omi là hai thứ không thể thiếu trong lễ hội Setsubun của Nhật Bản.
Trong dịp lễ hội này, món ăn chính của người dân Nhật Bản là sushi Ehomaki và cá mòi nướng.
Người Nhật cho rằng, đỗ tương mang đến may mắn và họ sẽ ăn số hạt đỗ nướng đúng bằng số tuổi của mình hoặc ăn nhiều hơn một hạt trong ngày này. Bên cạnh đó, trong dịp này, người Nhật cũng đeo mặt nạ quỷ Oni. Họ sẽ dùng những hạt đỗ tương này ném vào người đeo mặt nạ để xua đuổi quỷ dữ. Theo quan niệm, hành động này nhằm xua đi những bất hạnh của năm cũ và ngăn chặn sự không may trong năm mới. Họ còn ném đỗ tương ra ngoài sân và đóng mạnh cửa lại để không cho cái đen đủi vào nhà.
2. Lễ hội Holi ở Nam Á
Lễ hội Holi (hay còn gọi là Lễ hội Màu sắc) là một trong những lễ hội rực rỡ nhất được tổ chức bởi những người theo đạo Hindu. Lễ hội Màu sắc thường kéo dài từ 3 tới 16 ngày tại các nước Ấn Độ, Pakistan và Nepal.
Vào một ngày trăng tròn trong tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch, người dân sẽ đổ ra đường và ném bột màu cùng nước màu vào người nhau. Toàn bộ người đi đường và phố xá đều nhuộm đủ những màu sắc sặc sỡ.
Khởi đầu từ một lễ hội tạ ơn mùa màng bội thu, lễ hội Holi về sau mang ý nghĩa tiễn mùa đông đi qua và chào mừng những sắc màu tươi đẹp của mùa xuân đang đến. Trong lễ hội này, người ta không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, giới tính mà tất cả đều hòa mình vào cuộc vui. Nhưng các bạn nhớ đừng mặc những bộ cánh yêu thích nếu có ý định tham gia lễ hội này nhé!
3. Lễ hội tắm bùn dưỡng da ở Hàn Quốc
Hàng năm vào mùa hè, lễ hội tắm bùn lại được tổ chức tại thành phố Boryeong, cách Thủ đô Seoul 200km về phía Nam. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 và đến năm 2007, nó đã thu hút tới 2,2 triệu lượt người tham dự. Lễ hội hấp dẫn không chỉ người dân Hàn mà cả những người phương Tây sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Tham dự lễ hội này, ngoài việc thỏa thích nghịch bùn bạn còn có thể tham gia một số cuộc thi như trượt bùn hoặc thi vẽ bùn trên cơ thể. Bùn tại Boryeong chứa nhiều chất khoáng có lợi cho sức khỏe và có tác dụng dưỡng da nữa đấy!
4. Lễ hội cầu mưa ở Ấn Độ
Vào mùa hạ, những cơn gió mùa thổi từ đại dương vào mang đến lượng mưa cần thiết cho người nông dân Ấn Độ. Nếu chẳng may gió mùa không đến hoặc mang đến ít mưa, các tu sĩ Hindu sẽ phải thỉnh cầu thần Varuna, vị thần của bầu trời, nước và cả địa ngục theo tín ngưỡng Hindu để thần ban mưa xuống.
Điểm đặc biệt của nghi lễ này là các tu sĩ phải ngâm mình trong một thùng nước hơn 4 tiếng đồng hồ và chỉ nhô mỗi phần đầu lên trên mặt nước.
5. Lễ hội thả đèn lồng ở Thái Lan
Vào ngày 15 tháng 12 âm lịch của Thái Lan, người dân Thái lại tổ chức lễ hội Loi Krathong. Trong ngày này, những chiếc bè nổi làm bằng lá chuối đựng những đồ cúng gồm thức ăn, hoa, cau, đồng tiền xu, hương trầm và nến sẽ được người dân thả xuống các sông, hồ vào ban đêm. Theo tín ngưỡng nguyên thủy, việc thả những chiếc bè nổi này để tỏ lòng tôn kính với những linh thần của sông nước.
Đồng thời với lễ Loi Krathong, người dân tại vùng Lanna (miền Bắc Thái Lan) còn tổ chức lễ hội thả đèn lồng Yi Peng. Lễ hội được tổ chức lớn nhất tại thành phố Chiang Mai. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh ngoạn mục của hàng vạn chiếc đèn lồng làm từ giấy nhẹ nhàng bay lên bầu trời đêm.