Phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu nổi tiếng một vài năm gần đây là phố đổi tiền lẻ với khoảng 20 quầy hoạt động nhộn nhịp cuối năm. Tỷ lệ quy đổi ở đây lên xuống theo… số khách đến đổi. Mức trung bình đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng là 10 “ăn” 8; loại 5.000 đồng tỷ lệ 10 “ăn” 7, 2.000 đồng tỷ lệ 10 “ăn” 6.
Người đổi tiền nhiều khi bị chặt chém tới mức mất 40% giá trị tiền đổi. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Lượn qua đoạn phố này vào những ngày giáp Tết, chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Hoa (khu tập thể Nhà văn hoá Hà Đông) đang đứng tần ngần vì: “Không ngờ đổi tiền lại đắt thế”. Chị Hoa định đổi ít tiền lẻ 500-1.000 đồng đi lễ, chị cứ nghĩ mức đổi cao lắm cũng là 10 “ăn” 7, nhưng chủ quầy nói ngắn gọn: “10 ăn 6, có đổi thì đổi. Ở đây ai cũng thế”.
Tương tự, tại đền Bia Bà (La Khê, Hà Đông), những ngày trước Tết khá xa mới chỉ có 3 quầy đổi tiền lẻ. Bà Hoàng Thị Xuân, bán nước gần đền cho biết, gần Tết, số quầy đổi tiền lẻ lên tới 20 quầy. “Giờ giá đổi còn thấp: tiền 10.000, 20.000 đồng là 10 “ăn” 8, tiền 500 đồng là 10 “ăn” 6. Sát Tết hoặc ra Giêng, giá đổi còn cao hơn” – bà Xuân nói .
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh – nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, gần Tết, các ngân hàng thương mại luôn có lượng tiền lẻ khá lớn cung ứng cho khách hàng. Mệnh giá tiền là 1.000, 5.000, 10.000 và 20.000 đồng. “Trong đó, khách hàng có nhu cầu lớn nhất là tiền mệnh giá 10.000-20.000 đồng, chủ yếu đi mừng tuổi”- chị Quỳnh nói.
Nói tới ngân hàng, nhiều người dân cho rằng chỉ đổi (hoặc rút) được tiền lẻ ra khi có người nhà làm ngân hàng. “Còn nếu không thì chịu”- chị Nguyễn Thị Hoa nói. Hơn nữa, nhu cầu tiền lẻ đi lễ nhỏ hơn mệnh giá 10.000 đồng khá nhiều và người dân không thể tiếp cận được ngân hàng. Từ thực tế này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước cần điều phối để tiền lẻ được cung ứng qua các ngân hàng thương mại đến tay người dân một cách dễ dàng thông qua giao dịch.
Theo DanViet