Tinh Hoa

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2012?

Kinh tế năm 2012 theo dự báo sẽ gần như không được cải thiện và có nhiều nguy cơ sẽ xấu hơn. Đó là nhận định của ông Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm
Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương Việt Nam tại “Diễn đàn kinh
tế Việt Nam: Dự báo kinh tế 2012 – 2015”

>>> Lạc vào khu kinh tế làm việc ‘điên cuồng’ ngày Tết

Nhiều cơ hội trong khủng hoảng

Theo nhận định của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đà phục hồi nền kinh tế thế giới năm 2011 có xu hướng chận lại, lạm phát gia tăng, rủi ro tăng với những biến cố xấu như: khủng hoảng nợ công châu Âu và nợ công cũng như sự trì trệ của nền kinh tế Hoa Kỳ gia tăng, giá hàng hóa cơ bản tăng cao, các thảm họa thiên tai diễn biến khôn lường, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng,…

Những diễn biến này đã làm cho việc tăng trưởng kinh tế chậm lại ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Hầu hết các nền kinh tế đều buộc phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp gia tăng,…Và cũng chính vì thế, nhu cầu ở các quốc gia này suy giảm, khả năng nhập khẩu giảm, dẫn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Bức tranh kinh tế năm 2012 theo các chuyên gia vẫn rất khó khăn 

Cụ thể, ngay trong năm 2011, tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trên 33% nhưng chủ yếu là nhờ tăng giá.

Do khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, các ngân hàng Châu Âu đang có những tính toán giảm tín dụng cho Châu Á, tín dụng của các ngân hàng Châu Âu cho Châu Á hiện vào khoảng 1.500 tỷ USD.

Phân tích sâu về vấn đề này, ông Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương Việt Nam cho biết, nếu Châu Âu thực sự giảm tín dụng cho Châu Á, thì các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng sẽ phải chịu những hệ lụy nhất định.

Các dòng vốn đầu cơ ngày càng lớn, sẵn sàng nhẩy vào các thị trường kiếm lợi do chênh lệch tỷ giá và lãi suất. Và khi thời cơ kiếm lợi không còn, chúng sẽ rút chạy và để lại những hệ quả tiêu cực. Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức này.

Tuy nhiên, theo ông Lược, thách thức cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam. Trước hết là các dòng vốn rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi. Việt Nam hiện đang được đánh giá cao về địa kinh tế và ổn định chính trị – xã hội.

Do vậy, nếu tình hình vĩ mô sớm ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là khi Việt Nam gia nhập WTO. FDI vào Việt Nam đã đạt tới mức 70 tỷ USD.

Mặc khác, dù khủng hoảng, nhưng người dân các nước vẫn phải ăn, mặc,…do vậy, những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu.

Kịch bản cho kinh tế VN 2012

Vì vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Nước ngoài, kịch bản kinh tế năm 2012 phụ thuộc vào 5 yếu tố: các chính sách vĩ mô, hiệu lực quản lý của nhà nước, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, niềm tin của người dân và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Căn cứ vào 5 yếu tố trên, kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 sẽ xảy ra 2 trường hợp. Một là, nếu 5 yếu tố này được thực hiện đồng bộ thì có thể khắc phục được tình trạng lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội kinh doanh và đầu tư. Do vậy, sẽ đạt được tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí cao hơn 6,5%, lạm phát chỉ 1 con số, phát triển kinh tế theo chiều hướng bền vững.

Ngược lại, nếu chậm đổi mới và đồng bộ thì nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến theo xu hướng tiêu cực. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ khó đạt được tăng trưởng kinh tế 5 – 5,5%, nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước phát triển trong ASEAN và Châu Á càng hiện hữu.

Phân tích tình hình kinh tế năm 2012 từ góc nhìn tài chính – tín dụng, TS. Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội cho rằng, năm 2012, khả năng tăng giá xăng, dầu, điện và than kiểu sốc sẽ khó có cơ hội phát tác như năm 2011.

Doanh nghiệp sẽ phải xoay sở năm 2012. Ảnh: P.V 

Tuy nhiên, những cú sốc hạ giá trên thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ còn tiếp diễn khi chưa có điểm dừng. Đặc biệt, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại sẽ thêm khó khăn, nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế, dự trực ngoại hối, tỷ giá cũng như giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng lớn là sẽ vẫn biến động bất thường.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều lực cản chưa dễ tháo gỡ, dù có dấu hiệu nới lỏng tín dụng từ phía ngân hàng. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô có thể trở thành thách thức lớn hơn nếu không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả.

Vì vậy, ngay từ năm 2012 cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty, tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.
 
Về tiêu dùng của người dân, T.S Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc kinh tế khó khăn, nhưng một bộ phận người dân Việt Nam vẫn tiêu xài mạnh tay, không phải người dân Việt Nam quá giàu hay “điếc không sợ súng”. Lý do là cơ cấu tiêu dùng của Việt Nam hiện nay, ph
ần lớn vẫn nằm ở bộ phận những người có tiền.

“Không chỉ năm 2011, những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, những người giàu vẫn không hề giảm chi tiêu. Chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và nghèo quá lớn, vì vậy sự tăng giá cũng như khủng hoảng của nền kinh tế không tác động nhiều đến tiêu dùng của người giàu”, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Thành, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cũng cho biết, theo điều tra, hơn 70% tổng số thu nhập của người dân được dành cho chi tiêu mua sắm hàng hóa.

Tuy nhiên, sự phân bổ mua sắm của dân cư rất không đồng đều: 6 thành phố lớn nhất cả nước với số dân chiếm 14% nhưng sức mua chiếm tới 39% tổng doanh số các mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, 70% dân số ở thị trường nông thôn chỉ chiếm 40% nhu cầu.

Sự phân tầng trong chi tiêu thể hiện rất rõ: Trong tổng số 86 triệu dân Việt Nam, 20% dân số nghèo chỉ tiêu thụ 7,2% trong tổng doanh số bán lẻ, trong khi đó 20% người giầu lại có sức tiêu thụ tới 43,3%.

Việc sử dụng các mặt hàng xa xỉ, chủ yếu là các món đồ nhập khẩu từ nước ngoài về, theo TS. Võ Trí Thành tiềm ẩn rất nhiều mối nguy cho nền kinh tế.  

“Tăng tiêu dùng, nhất là từ nguồn nhập khẩu, sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Đây là điều đáng lo ngại”, ông Thành nói.

Doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng

Doanh nghiệp bước vào năm 2012 trong bối cảnh xuất khẩu đang co lại bởi khủng hoảng nợ công quốc tế, còn sức mua trong nước ngày càng yếu đi. Bên cạnh đó là sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu với thuế ưu đãi của các hiệp định thương mại (FTA) đang rộng cửa. Giữ giá, phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối tới những thị trường xa, liên kết nhiều ngành hàng… là cách nhiều doanh nghiệp tính tới để mong tồn tại, sống sót qua thời khó khăn.

Các doanh nghiệp đối đầu với khó khăn trong năm 2012

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho hay nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã rơi vào bi kịch trong năm 2011.

Để duy trì thương hiệu, nhiều công ty chuyển sang gia công cho các công ty nước ngoài, cho nhãn hàng của các siêu thị. Bi kịch hơn, nhiều công ty đưa hàng hóa sang Trung Quốc gia công để kéo giá thành xuống rồi nhập về gắn tên mình bán ra thị trường.

Đến gần người tiêu dùng là tiêu chí mà nhiều doanh nghiệp hướng đến trong năm 2012. Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quạt Việt Nam (Asia), cho rằng, để đối phó với tình hình khó khăn trong năm 2012, Asia chọn cách đầu tư cho hệ thống cửa hàng bán lẻ. Đây là kênh bán hàng gần với người tiêu dùng nhất, giúp tiết kiệm chi phí bán hàng để có giá bán tốt nhất cho người mua.

Ông Trần Thạch Quang cho hay, nhà đầu tư vừa mua 65% cổ phần của Asia và bắt đầu điều hành công ty từ năm 2012 để đa dạng hóa các mặt hàng, thu hút người tiêu dùng. Việc có cùng lúc nhiều chủng loại bán tại một cửa hàng cũng là cách để chia sẻ chi phí vận hành.

Dưới góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thừa nhận thực tế là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam bị lép vế so với các tập đoàn đa quốc gia ở các siêu thị trong việc trưng bày, bài trí hàng hóa ở vị trí đẹp (không đủ tiền mua chỗ).

Tuy nhiên, vẫn có cách thông qua hợp tác. “Các doanh nghiệp có thể thông qua hiệp hội ngành hàng, góp tiền mua chung các vị trí đầu quầy, đầu kệ rồi thay phiên nhau giới thiệu hàng. Đó là cách để giảm chi phí đầu tư ban đầu khi doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính như các công ty nước ngoài”, ông Đức nói.

Mặc dù khó khăn, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, việc cắt giảm nhân sự trong năm 2012 sẽ điều chỉnh theo hướng, tập trung vào những lực lượng nhân sự có chất lượng, kỹ năng làm việc tốt. Vì vậy, dù sẽ xảy ra tình trạng tinh giảm bộ máy nhân sự, nhưng thực chất chỉ là cơ cấu nhân sự giữa các cơ quan, doanh nghiệp.

>>> Trượt giá, tiền mừng tuổi thành nợ quay vòng

Châu Anh