Tinh Hoa

“Sởn gai ốc” lời nguyền xác ướp băng 5.300 tuổi

Đôi nét về lai lịch xác ướp băng Otzi

Xác ướp băng Otzi là tên gọi của một xác ướp tự nhiên được bảo quản trong tuyết lạnh có niên đại cách đây 5.300 năm. Xác ướp này được các nhà khoa học phát hiện ra từ năm 1991 trên dãy núi Alps, thuộc phần biên giới của nước Áo và Italy. Tên của xác ướp được các nhà khảo cổ đặt theo tên của thung lũng nơi nó được tìm thấy.

Người đầu tiên tìm ra xác ướp băng là cặp vợ chồng người Đức, Helmut Simon và Erika. Bên cạnh bộ hài cốt còn có chiếc rìu, thanh dao găm và ống tên. Phát hiện này đã cổ vũ các nhà khoa học và họ đã bắt tay vào việc nghiên cứu toàn diện xác ướp băng Otzi này.

Các nhà khảo cổ đã xác định được đây từng là một người đàn ông và là xác ướp cổ nhất được bảo quản tự nhiên ở châu Âu. Ông này có chiều cao 160cm, trọng lượng 50kg và chết ở độ tuổi 30 – 45. Hiện xác ướp này đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ South Tyrol (phía Bắc Italia).

Những cái chết bí ẩn có liên quan đến người băng cho đến nay vẫn không ai lý giải được.

Không giống những xác ướp khác, xác ướp Otzi dù đã được các nhà khoa học thực hiện hàng trăm nghiên cứu nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bất thường. Đến tận bây giờ, sau 20 năm được tìm thấy, người ta vẫn không biết được thân thế, cuộc đời chính xác của người băng. Các nhà khoa học cũng chưa xác định được lý do tử vong của người đàn ông này là do bị giết, bị hiến tế hay gặp phải bão tuyết nữa.

Các giả thuyết giải mã xác ướp băng

Có khá nhiều giả thuyết hoang đường xung quanh câu chuyện về xác ướp băng. Chẳng hạn, có người cho rằng Otzi là một pháp sư. Mặc dù được xác định là có niên đại 5.300 năm, thế nhưng trên xác ướp, người ta lại thấy có mũi tên có niên đại 7.000 năm, một chiếc rìu thuộc niên đại 2.000 năm và bộ da thú cuốn xác ướp thì được lột từ một con dê sống ở Trung Quốc cách đây 5.000 năm. Như vậy, có thể nói Otzi có khả năng siêu tự nhiên là du hành trong thời gian nhờ một lời nguyền đặc biệt là trừng phạt tất cả những ai dám động chạm đến thân thể của ông ta.

Theo một giả thuyết khác, Otzi trả thù các hậu duệ trực tiếp của những kẻ đã giết chết ông ta. Do sự trớ trêu của số phận nên sau hàng nghìn năm, những kẻ hậu duệ đó lại xâm phạm đến xác ướp của ông ta. Giả thuyết này có cơ sở của nó: Sau khi nghiên cứu những vết máu trên thân thể Otzi, các nhà khoa học khẳng định rằng có tới 8 kẻ tấn công ông ta.

Trải qua 5.300 năm, những bộ phận trên cơ thể xác ướp này vẫn nguyên vẹn.

Tiến sĩ Tom Loy – nhà sinh học và khảo cổ nổi tiếng của trường Đại học Queensland (Australia) không muốn tin rằng một người đi săn dũng cảm như Otzi lại kết thúc cuộc đời một cách âm thầm đến như vậy. Ông đã nghiên cứu ADN của Otzi và máu còn vương lại trên dao, rìu và mũi tên của ông ta. Kết luận của tiến sĩ Tom Loy như sau: Tính chất của các vết thương cho thấy rằng Otzi đã tham gia một trận đánh giáp lá cà ác liệt. Ông ta đã chiến đấu hết sức dũng cảm mà bằng chứng là một trong hai mũi tên của ông ta đã hai lần rút ra từ xác kẻ thù. Tuy nhiên, những lời lẽ hàm ý ca ngợi đó cũng không cứu được nhà khoa học Australia thoát khỏi lời nguyền của xác ướp băng.

Tháng 10 năm 2005, tiến sĩ Tom Loy đã qua đời trong hoàn cảnh hết sức kì lạ. Cái chết của Tom Loy đã làm dấy lên những tin đồn về lời nguyền của xác ướp băng này.

Những nạn nhân xấu số từ lời nguyền

Hàng loạt những cái chết kì lạ bắt đầu từ năm 1991, ngay sau khi xác ướp băng được đưa về phòng thí nghiệm ở thành phố Innsbruck, Áo. Lời nguyền bắt đầu vào năm 1992, với cái chết của bác sĩ Reyner Henn, 64 tuổi, người trực tiếp giải phẫu xác ướp băng. Ông đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Ít lâu sau, một trận tuyết lở đã chôn vùi Kurte Fritz, người đã dùng máy bay lên thẳng đưa xác ướp băng về Innsbruck. Kurte Fritz cũng chính là người đã dẫn đường cho nhà khoa học Helmut Simon phát hiện ra xác ướp băng.

Tính chất thần bí của xác ướp băng được bắt đầu bàn tán đến nhiều từ năm 2004. Mùa hè năm đó, Rainer Holz, người đã quay bộ phim tài liệu về xác ướp băng và là bạn thân của Helmut Simon, bỗng nhiên tử vong một cách đột ngột. Sau khi mất người bạn Kurte Fritz vài năm trước và giờ đây lại mất thêm một người bạn nữa, Helmut Simon cảm thấy hoảng sợ thực sự. Ông nhắc đi nhắc lại rằng: “Hồn Otzi nhất định sẽ chọn tôi làm người tiếp theo”. Tâm thần ông ngày càng rối loạn – ông mắc chứng hoang tưởng phân thân và lúc nào cũng coi Otzi là một phần của chính mình. Tháng 10 năm 2004, người ta đã tìm thấy thi thể ông bị chôn vùi dưới một lớp băng tuyết dày và nằm ở tư thế hệt như tư thế của xác ướp băng.

Nạn nhân thứ năm của xác ướp băng là Dieter Warnecke, người lãnh đạo nhóm cứu hộ đã tìm thấy xác Helmut: Ông bị chết vì chứng nhồi máu cơ tim ngay sau lễ tang Helmut.

Một trong những người có mặt trong lễ tang của Helmut Simon là giáo sư Conrad Spindler, người lãnh đạo công việc nghiên cứu xác ướp băng ở trường Đại học Innsbruck, Áo. Khi các phóng viên đua nhau hỏi ông là ông có tin vào lời nguyền của xác ướp băng hay không thì ông đáp: “Tôi là người của khoa học. Tôi không có khuynh hướng tin vào những điều mê tín dị đoan. Nhưng tôi cũng bắt đầu bất giác thầm nghĩ: Ai sẽ là người tiếp theo đây?”. Hóa ra người tiếp theo lại chính là ông. Ông qua đời vào tháng 5 năm 2005 vì mắc bệnh ALS (bệnh xơ cứng teo cơ một bên).

Trong tháng 10 năm 2005, lời nguyền tuyên bố nạn nhân thứ bảy của nó – Tiến sĩ Tom Loy, 63 tuổi – người đã phân tích những mẫu máu trên vũ khí và quần áo của xác ướp băng qua đời trước khi hoàn thành một cuốn sách về Otzi.

Một điều đáng chú ý là xác ướp băng dường như chỉ “săn lùng” các nhà khoa học. Trong số rất nhiều người đến tham quan xác ướp băng tại viện bảo tàng Nam Tirol, không có bất cứ một ai bị thương tật gì.

Vậy ai sẽ là nạn nhân thứ 8? Có lẽ giờ đây giáo sư Valter Leyter đang băn khoăn tự hỏi mình câu hỏi này. Ông là một trong những giáo sư của trường Đại học Innsbruck chuyên nghiên cứu các cơ quan và tế bào của xác ướp băng. Mới đây, ông đã nhận được lời cảnh báo đầu tiên: Khi ông đưa các đồng nghiệp người Mĩ lên thăm nơi tìm ra xác ướp băng thì ông đã ngất đi vì quá lạnh và may mắn lắm mới có thể sống sót.

Tuy nhiên, phía những người hoài nghi đông hơn nhiều. Họ cho rằng những cái chết của 7 nhà khoa học nói trên và những tai nạn xảy ra với những nhà khoa học đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thật vậy, người em trai và cũng là đồng nghiệp của Tom Loy là Harret Loy hiện vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh. Ông hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu ADN của Otzi và cam kết sẽ viết nốt cuốn sách chưa hoàn thành của anh trai. Nhưng cho tới nay, đã nhiều năm trôi qua, ông vẫn chưa tìm được bản thảo gốc của cuốn sách đó… Không hiểu nó đã biến đi đâu mất?

Xem thêm :

>>Sự thật đằng sau lời nguyền của xác ướp

>>Lời nguyền đằng sau viên kim cương đẹp nhất thế giới

>>Bí Ẩn Tâm Linh