Tinh Hoa

Bạn biết gì về SOPA – Dự luật sẽ hủy diệt internet?

Ngày hôm nay, khi truy cập vào Wikipedia, tất cả những gì chúng ta nhận được chỉ là một “màn đen” cùng thông điệp mang nội dung kêu gọi tất cả các công dân mạng (từ đây sẽ sử dụng khái niệm ‘netizen’ để thay thế) cùng đứng lên phản đối hai đạo luật mới của chính phủ Mỹ, với cái tên viết tắt SOPA và PIPA. Không chỉ có Wikipedia, mà một danh sách dài những trang web tham gia vào sự kiện “January blackout” cũng đã được thu thập. Đáng chú ý, trong số những trang web đó còn có cả những “ông lớn” trên bản đồ Internet toàn cầu như Google, Mozilla hay cả Reddit…
 
Thông điệp của Wikipedia.

Vậy câu hỏi được nhiều người đặt ra là, SOPA và PIPA là gì, và chúng ảnh hưởng đến cộng đồng mạng như thế nào mà trong khoảng thời gian ngắn vừa qua có nhiều hành động và lời kêu gọi tẩy chay chúng đến như vậy? Bài viết này hy vọng sẽ đem đến câu trả lời cho độc giả.

 

Bản dự luật đầy tham vọng


SOPA, viết tắt của Stop Online Piracy Act (Chặn đứng các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến) kỳ thực là tên “viết nôm” của bản dự thảo đạo luật mang mã hiệu H.R.3261, được Ủy viên thường trực Viện kiểm sát Liên bang Lamar Smith đệ trình lên Hạ viện Mỹ vào ngày 26/10/2011. Theo đó, nếu dự luật này được chính thức thông qua, thì sức mạnh của những bộ luật bảo vệ quyền tác giả cũng như những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền sẽ được tăng lên rất nhiều trong cuộc chiến “không cân sức” với những trang web hay cá nhân vi phạm bản quyền (bằng cách chia sẻ hay download những tài sản trí tuệ một cách miễn phí trên mạng internet).
 
Lamar Smith.

 
Trong khi đó, PIPA (Protect IP Act – tên mã S.968) lại được Nghị sĩ Patrick Leahy trình lên Thượng viện Mỹ vào ngày 12/5/2011. PIPA liệt kê đầy đủ những hành động trên internet được quy về những hành động vi phạm tác quyền và quyền sở hữu trí tuệ cũng như những biện pháp đối phó mới chưa có trong cách bộ luật hiện hành. Nói cách khác, PIPA chính là tiền đề để SOPA có thể ra đời và có thêm một số điều khoản liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực internet như PayPal, Google hay Facebook.
 
Patrick Leahy.

 
Một cách khái quát, nếu như một trang web ở bất kỳ nơi nào trên thế giới có những hành động vi phạm bản quyền, thì tòa án tại Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đâm đơn khởi kiện trang web đó. Và nếu ngài Chánh án Tòa án kết luận trang web này vi phạm điều luật SOPA, thì đó có thể là cái kết không mấy êm đẹp cho trang web xấu số kia. Nhờ có SOPA, tòa án sẽ ra lệnh cho các nhà cung cấp internet (ISP) tại Mỹ thay đổi DNS để người sử dụng không thể truy cập đến trang web này, từ đó khiến cho nó “mất” hoàn toàn truy cập từ Mỹ.
 
Một trang web sẽ trông “y chang” như thế này tại Mỹ nếu nó bị SOPA “hạ gục”.

Thêm vào đó, những công cụ tìm kiếm có trụ sở cũng như trung tâm thông tin đặt tại Mỹ (trớ trêu thay, hầu hết những search engine nổi tiếng đều có suất xứ từ “Đất nước tự do”) sẽ phải loại bỏ hoàn toàn những kết quả tìm kiếm có liên quan đến trang web kể trên. Không chỉ có vậy, mọi công việc làm ăn của trang web đối với các đối tác tại Mỹ như PayPal hay Google AdSense cũng bị “cấm tiệt”. Nguy hiểm hơn, nếu trang web có nguồn gốc tại Mỹ, thì chủ trang web cũng như những người có liên quan rất có thể bị truy tố hình sự. 

 

Rút gọn lại, một khi đã bị rơi vào tầm ngắm của SOPA, cũng như có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng trang web vi phạm bản quyền, thì coi như trang web đó “tuyệt đường làm ăn” và đóng cửa là điều sớm muộn.

 

Con dao hai lưỡi


“Giấc mơ” tạo ra một internet “trong sạch” và không có dấu hiệu của sự ăn cắp (vi phạm bản quyền) của các chính trị gia người Mỹ hóa ra lại vô cùng khó thực hiện. Đồng ý là người sử dụng internet vẫn còn tình trạng download lậu các bộ phim độ phân giải cao, những bản nhạc hay bản ‘crack’ của các tựa game nổi tiếng, tuy nhiên nếu dự thảo luật SOPA cũng như PIPA được chính thức đưa vào hoạt động, nó sẽ là một “nút bấm hạt nhân” đúng nghĩa đối với toàn bộ internet.

 
Nếu bạn vẫn chưa hình dung ra internet sẽ ra sao khi SOPA được thông qua, thì hãy nghĩ tới Trung Quốc. Với hệ thống tường lửa “Great Firewall of China”, người sử dụng internet ở quốc gia đông dân nhất thế giới này hoàn toàn “mù tịt” khi được hỏi về YouTube, Facebook hay thậm chí là cả Google Search. Tương tự như vậy với các nước như Iran và Syria, nơi có hệ thống kiểm soát Internet “hà khắc” tương đương Trung Quốc.

 
Lợi và hại.

Lấy một ví dụ đơn giản, đó là dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube. Ngày hôm nay, bạn có thể tìm ra hàng loạt những đoạn video ca nhạc, trailer phim hay thậm chí là cả bản hoàn chỉnh của một bộ phim (Downfall là một ví dụ). Thông thường, khi phát hiện ra nội dung vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền đó có thể thông báo trực tiếp cho ban quản trị của YouTube và nhờ họ gây áp lực buộc người ‘uploader’ kia phải gỡ bỏ đoạn video vi phạm xuống, hay mạnh tay hơn là tự đống xóa cả đoạn video lẫn tài khoản kia mà không cần báo trước.

 

Tuy nhiên, một khi SOPA có hiệu lực, thì “kẻ chịu trận” sẽ không chỉ là những người upload những video vi phạm bản quyền, mà còn là chính bản thân YouTube. Lý do? Rất đơn giản, vì trang web của họ là “công cụ” tiếp tay để những nội dung số vi phạm bản quyền có cơ hội tồn tại. Chiểu theo đạo luật mới này, YouTube cũng như những điều hành viên trang web (cụ thể hơn là các nhân viên thuộc biên chế Google) sẽ bị khởi kiện và chịu những án phạt không hề nhẹ nhàng. Và kết cục, YouTube sẽ vĩnh viễn ra đi vì những lỗi lầm mà họ không hề gây ra!

 

Suy rộng ra, với SOPA, các công ty có những hoạt động liên quan đến internet hoàn toàn có thể lợi dụng những lỗ hổng từ SOPA để “triệt hạ” không thương tiếc các trang web của các đối thủ cạnh tranh.

 

Với các netizen, việc hợp thức hóa SOPA sẽ đóng cửa gần như hoàn toàn cánh cửa dẫn đến kho tri thức miễn phí khổng lồ trên mạng internet, vốn là một trong những điều tự hào của con người về mạng toàn cầu. Gần như toàn bộ các bài viết trên các trang bách khoa toàn thư mở (đặc biệt là Wikipedia) sẽ bị “censor” vì có nội dung vi phạm tác quyền của các tác phẩm đang được bán trên thị trường như sách báo, phim ảnh hay âm nhạc.

 

Đối với những công dân mạng có sở thích download miễn phí các bộ phim hay game, thì ngày “treo niêu” của họ sẽ tới rất nhanh một khi SOPA được thông qua. Đối với các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thì phí bản quyền thực sự là một gánh nặng nếu như các netizen muốn bắt kịp với tốc độ cập nhật của thế giới giải trí. Tuy nhiên, chủ đề bài viết này không cho phép đề cập cũng như phân tích vấn đề kể trên một cách toàn diện.

 

Phản kháng


Một bộ luật không chỉ phục vụ cho lợi ích của bộ phận nhỏ người sử dụng internet, mà còn đe dọa đến chính bộ mặt của internet hiện đại, thì việc bị đào thải chỉ là vấn đề thời gian. Như các bạn đã biết, hiện tại Wikipedia đang thực hiện chiến dịch “blackout” trang web của họ, tất cả các bài viết trên Wikipedia tiếng Anh ngoại trừ hai bài viết về SOPA và PIPA đều tự động đưa người sử dụng đến một trang màn hình đen. Không chỉ có vậy, nhiều trang web có tên tuổi khác như Reddit, Google hay 9Gag cũng đã, đang và sẽ thay đổi nền trang web của mình thành màu tối, đi kèm với đó là thông điệp “đây sẽ là bộ mặt của internet một khi SOPA được thông qua”.

 
Trên mạng internet thời gian này, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những tấm ảnh, những đoạn tin nhắn dưới dạng status Facebook hay những đoạn tweet với nội dung phản đối đạo luật đầy tranh cãi này, cũng như phê phán những tổ chức, công ty, cá nhân công khai ủng hộ việc thông qua SOPA/PIPA như Viacom (chủ sở hữu thương hiệu và studio phim Paramount), kênh truyền hình ESPN hay hiệp hội các nhạc sĩ Mỹ (AFM). Thậm chí một số netizen “quá khích” đã tạo ra hẳn một ứng dụng dành cho Android để hiển thị những sản phẩm của các công ty công khai ủng hộ sự hợp pháp hóa SOPA, từ đó kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty này.

 

Trở lại thung lũng Silicon, trước đây đã có không ít các công ty âm thầm phản đối dự luật đầy tranh cãi SOPA. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những gã khổng lồ công nghệ đã chính thức cất lên tiếng nói của mình. Bản danh sách những công ty công nghệ công khai phản đối SOPA không chỉ có Google mà còn có cả Microsoft lẫn Apple. Vốn là hai đối thủ không đội trời chung, tuy nhiên tình hình hiện tại đã buộc họ phải “đứng chung chiến tuyến” không chỉ để bảo vệ lợi ích cá nhân, mà còn bảo vệ cả cộng đồng internet đang đứng trước mối nguy hiểm mà SOPA tạo ra.

 

Tạm kết


Rõ ràng là “giấc mơ về một internet sạch” của các nghị sĩ Hoa Kỳ đang ấp ủ sẽ rất khó có thể được thực hiện khi nó vấp phải một làn sóng phản đối không chỉ từ những người sử dụng internet vô danh, mà còn từ những tập đoàn lớn. Thậm chí cả đương kim tổng thống cũng như phó tổng thống Mỹ là Barack Obama và Joe Biden đều đã công khai ý kiến phản đối của mình thông qua các cuộc phỏng vấn cũng như video trên YouTube đối với SOPA và cho rằng nó sẽ “hủy hoại hoàn toàn bộ mặt của internet”.

 
Thiết nghĩ, sau khi vấp phải những sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía như vậy, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét lại việc hợp thức hóa bộ luật “lợi bất cập hại” này, vì nó sẽ đặt quá nhiều sức mạnh vào tay những người nắm giữ tác quyền cũng như bộ máy hành pháp Mỹ.

                                                                                                                                              Theo Genk