Ai sở hữu viên đá quý này đều liên tiếp gặp vận đen, đến nổi một nhà khoa học nổi tiếng cũng không chịu nổi mà cảnh báo rằng: “viên đá bị nguyền rủa, từng nhuốm máu và mang lại tai họa cho bất kỳ ai cất giữ nó!
Xét về phương diện khoa học, viên đá quý này không có gì đặc biệt về chất liệu, chỉ trừ một vòng bạc bao quanh viên đá có khắc các kí tự thiên văn học và một loại ngôn ngữ bí ẩn nào đó. Quan sát kĩ hơn, trên chiếc vòng còn được đính hai viên đá có khắc hình bọ hung.
Tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Anh, bên cạnh giá trưng bày viên đá có ghi dòng chú thích: “Thạch anh tím Delhi (Delhi Purple Sapphire) viên đá bị nguyền rủa, từng nhuốm máu và mang lại tai họa cho bất kỳ ai cất giữ nó! Đây là lời của nhà khoa học Edward Heron-Allen – bạn thân của nhà bác học Oscar Wilde và cũng là chủ nhân cuối cùng của viên đá.
Chính nhà khoa học Heron-Allen đã trải qua không ít phiền phức với viên đá, khiến ông phải bọc viên đá ma quái này vào 7 chiếc hộp và dán bên ngoài một lá thư trước khi tống nó vào viện bảo tàng theo như di chúc của ông. Trong thư ông viết: Bất kỳ ai mở chiếc hộp, trước tiên cần phải đọc lời cảnh báo này: lời khuyên của tôi là hãy ném chiếc hộp cùng viên đá xuống biển.
Các thành viên trong gia đình ông Heron-Allen không bao giờ nghi ngờ câu chuyện về lời nguyền của viên đá sapphire Delhi. Ông Ivor Jones, cháu nội của nhà khoa học, một sĩ quan hải quân hiện đã 77 tuổi, không bao giờ dám động chạm vào viên đá dù chỉ một lần. Dưới đây là câu chuyện của ông Ivor Jones về những tai họa mà gia đình ông đã trải qua.
Sau khi ngôi đền Indra ở Cawnpore bị tàn phá trong cuộc chiến tranh năm 1857 tại Ấn Độ, viên đá được mang tới Anh bởi một đại tá kỵ binh người Bengal tên là W Ferris. Viên sĩ quan này đã phải gánh chịu cảnh sạt nghiệp và sức khỏe suy sụp hoàn toàn. Con trai của ông cũng phải chịu chung số phận sau khi thừa hưởng lại viên đá từ người bố. Và kết quả còn bi thảm hơn khi một người bạn của gia đình đã tự tử một cách bí ẩn sau khi sở hữu nó trong một thời gian rất ngắn.
Đến năm 1890, một sự tình cờ nào đó đã đưa viên đá vào tay nhà khoa học Heron-Allen. Ngay lập tức, gia đình ông đã phải gánh chịu những điều rủi ro. 2 lần ông tặng lại viên đá cho 2 người bạn hiếu kỳ, thì một người trong số đó đã phải trả lại vì gặp liên tiếp những tai họa giáng xuống, còn người kia – một ca sĩ nổi tiếng thời đó đột nhiên mất giọng và không thể hát nữa!
Ngay sau đó, chính tay ông Heron-Allen đã ném viên đá đáng nguyền rủa xuống kênh đào Regent. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, viên đá lại trở lại với người chủ nhân này sau khi một lái buôn đã mua lại nó từ một người nạo vét kênh!
Đến năm 1904, cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, ông Heron-Allen đã phải tuyên bố: “Tôi cảm thấy ma lực của nó đang tìm đến cô con gái mới sinh của tôi! Và giải pháp cuối cùng của ông là gửi nó vào tài khoản vĩnh viễn trong ngân hàng cho tới khi ông mất. Cuối cùng, hành trình của viên đá này mới kết thúc tại bảo tàng lịch sử tự nhiên, nơi mà nhà khoa học đáng kính kia đã có mối quan hệ hợp tác thân thiết trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, cách đây 7 năm, một cựu giám đốc thư viện tên là John Whittaker đã quyết định mang câu chuyện kỳ lạ về viên đá đến một hội nghị chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học Heron-Allen mang tên Heron-Allen Society.
Ông John Whittaker kể lại: Trên đường về, đột nhiên tôi thấy trời đất tối sầm và chúng tôi phải chịu một trận sấm sét kinh hoàng. Tình trạng trở nên rất tệ, đến mức tôi đã phải bỏ lại chiếc xe trên đường còn vợ tôi thì hét lên: ‘Sao anh lại mang theo cái vật quái quỷ đấy hả?’”. Tai hoạ vẫn tiếp tục, và vào đúng cái đêm trước khi hội nghị chuyên đề thứ 2 diễn ra, ông đã phải chịu một trận đau ruột thừa chí mạng và đến hội nghị thứ 3 thì ông không thể đến dự vì bệnh sỏi thận!
Cho đến nay, viên đá vẫn là một bí ẩn và là nỗi ám ảnh với những người mà nó từng qua tay.
Phương Thảo (Biên dịch)