Vụ nổ Tunguska gây chấn động khí quyển vòng quanh trái đất 2 lần. Hai ngày sau, những hạt bụi cháy sáng từ vụ nổ khiến người dân London (cách vụ nổ khoảng 10.000 km) có thể đọc báo vào ban đêm mà không cần đèn.
Đã có những vụ nổ siêu lớn xảy ra trong tự nhiên mà không liên quan đến tác động của con người, trong số đó có những vụ nổ khiến các nhà khoa học đau đầu nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác.
Vụ nổ cực lớn thiêu rụi những cánh rừng rộng lớn ở Tunguska, Siberia
Ảnh vụ nổ được các nhà khoa học dựng lại. |
Cây cối bị thiêu rụi trong vụ nổ. |
Vụ nổ xảy ra vào sáng sớm ngày 30/6/1908 tại một địa danh có tên là Tunguska, gần biên giới Siberia. Theo lời kể của các nhân chứng thì sáng hôm đó họ nghe thấy một tiếng nổ long trời và những quầng sáng chói mắt, hàng ngàn kilômét vuông rừng cũng đã bị thiêu rụi.
Theo các chuyên gia thì sức mạnh của vụ nổ bí ẩn này tương đương 10 đến 15 triệu tấn thuốc nổ TNT. Các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng vụ nổ này là do sự va chạm của một sao chổi hoặc một tiểu hành tinh nhưng sau khi khảo sát cả một khu vực rộng lớn hàng ngàn kilômét vuông họ không tìm được bất cứ mảnh vỡ nào của các vật chất ngoài trái đất.
Xung quanh khu vực này cũng không hề có ngọn núi lửa nào có thể gây ra một vụ nổ khổng lồ như vậy. Vụ nổ gây ra một làn sóng chấn động khí quyển vòng quanh trái đất 2 lần, hai ngày sau những hạt bụi cháy sáng từ vụ nổ khiến người dân London (cách vụ nổ khoảng 10.000km) có thể đọc báo vào ban đêm mà không cần đèn.
Gần một thế kỷ sau, các nhà khoa học vẫn tranh luận những gì đã xảy ra tại thời điểm đó. Liệu có một ngôi sao chổi hoặc thiên thạch nào đằng sau vụ nổ này không? Rất nhiều giả thiết khác cũng đã được đặt ra nhưng cho đến nay nguyên nhân của vụ nổ vẫn đang là một điều bí ẩn chờ giải đáp.
Sự kiện Cando, quả cầu lửa trên không
Ảnh minh họa sự kiện Cando. |
Người ta gọi vụ nổ này là sự kiện Cando vì nó xảy ra ở một ngôi làng tên Cando ở Tây Ban Nha. Sáng ngày 18/1/1994, người dân làng Cando đã chứng kiến một quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời kéo dài hơn một phút.
Được mô tả giống như vụ nổ ở Tunguska nhưng vụ nổ này có vẻ nhỏ hơn. Một vạt cây rừng cũng đã biến mất trong vụ nổ và sau đó người ta đã tìm thấy cây cối rơi xuống cách chỗ chúng đã mọc khoảng 100m. Đây cũng lại là một vụ nổ không lời giải đáp. Những giả thiết vế nguyên nhân vụ nổ như thiên thạch, thử vũ khí và thậm chí là một vụ tấn công của người ngoài hành tinh đã được đưa ra nhưng có vẻ như không giả thiết nào có đủ bằng chứng để thuyết phục.
Hiện tượng Vela, hai quầng sáng khổng lồ
Hai quầng sáng khổng lồ được phát hiện bởi vệ tinh. |
Ngày 22/9/1979 vào khoảng 3 giờ sáng, giờ địa phương, một vệ tinh năng lượng của Mỹ đã phát hiện hai quầng sáng khổng lồ tại một khu vực xa xôi của Ấn Độ Dương. Ngay sau đó, một chuyển động nhanh bất thường được phát hiện bởi Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico.
Trung tâm giám sát âm thanh của hải quân Mỹ cũng đã ghi được những âm thanh lạ vào khoảng thời gian đó. Rõ ràng đã có một vụ nổ rất lớn xảy ra ngoài khơi phía nam của Châu Phi. Nửa năm sau, các nhà nghiên cứu ở phía Tây Australia phát hiện sự gia tăng bức xạ bất thường ở khu vực phía Nam Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, phía nam Châu Phi và một phần Châu Nam Cực.
Tháng 5/1980 một hội đồng kết luận rằng các tín hiệu này có thể là kết quả của một vụ va chạm thiên thạch trong quá khứ. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức gì về hiện tượng này.
Vụ nổ bí ẩn phía đông Địa Trung Hải
Ngày 6/6/2002 một vụ nổ xảy ra trên biển Địa Trung Hải, giữa Libya và Hy Lạp. Theo các nhà khoa học thì vụ nổ này có sức công phá gấp 2 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hirosima. Vụ nổ này hoạt động tương tự như vụ nổ của một quả bom nguyên tử.
Nguyên nhân là do một tiểu hành tinh đã phát nổ trước khi tiếp cận bề mặt trái đất. Vụ nổ này được phát hiện bởi vệ tinh và các trạm theo dõi địa chấn. Sức mạnh của vụ nổ tương đương 26.000 tấn thuốc nổ TNT.
AN BÌNH
Theo Bưu điện Việt Nam