Chính quyền thành phố Đại Liên đã nuốt lời hứa di dời một nhà máy hóa chất không an toàn – nguyên nhân của một cuộc biều tình lớn cách đây vài tháng. Nhân dân Đại Liên lo lắng về quyết định đó và lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình khác.
Nhà máy hóa dầu Dahua ở Đại Liên, TQ. Hình: internet
Theo một báo cáo ngày 28 tháng 12 trên Tạp chí Kinh tế, chính quyền thành phố Đại Liên đã hủy bỏ quyết định di dời nhà máy hóa dầu Dahua của Tập đoàn Fujia, và thay vào đó phê duyệt cho phép tiếp tục sản xuất hóa chất p-xylene.
Báo cáo trích dẫn lời của một người trong nội bộ các quan chức Đại Liên, lý do cho việc thu hồi quyết định di dời là không tìm thấy một địa điểm mới cho nhà máy và sẽ phải đền bù thiệt hại quá lớn cho sự di dời của công ty tư nhân này.
Một số người dân Đại Liên nói với Đại Kỷ Nguyên rằng, cho đến nay không có bất kỳ một báo cáo chính thức nào về quyết định trên, nhưng nếu chính quyền thực sự nuốt lời hứa, thì nhân dân Đại Liên sẽ xuống đường biểu tình một lần nữa.
Một người dân đã từng tham gia cuộc biểu tình vào cuối tháng 8 nói với Đại Kỷ Nguyên: “Chiêu bài thông thường của chính quyền để xử lý các cuộc biểu tình hàng loạt là đưa ra một lời hứa hẹn nào đó trong thời điểm nóng bỏng để xoa dịu chúng. Sau đó, họ sẽ kéo dài thời gian và để lại những vấn đề tồn đọng, hoặc nuốt lời hứa của họ. Sự việc này cho thấy bản chất lưu manh của ĐCSTQ. Họ đơn giản là không biết xấu hổ.”
Ngày 8 tháng 8 năm 2011, hơn 10.000 người chạy trốn khỏi Đại Liên, vì lo sợ sự rò rỉ chất p-xylene độc hại gây chết người do cơn bão Muifa tràn qua đê chắn sóng của nhà máy.
Hơn 10.000 người dân Đại Liên đã biểu tình trên đường phố ngày 14 tháng 8, yêu cầu di dời các nhà máy gần bờ biển đi nơi khác. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc kể từ cuộc biểu tình của các sinh viên ngày 04 tháng 6 năm 1989 đến nay. Chính quyền Đại Liên đã ra lệnh nhà máy hóa dầu Dahua ngừng sản xuất p-xylene trong cùng ngày và nói rằng nhà máy sẽ được dời đi.
(Theo Đại Kỷ Nguyên)