Tinh Hoa

Trung Quốc: 15 người bị sỉ nhục và hành hình trong 1 ngày

Việc hành hình và sỉ nhục 15 người bị kết án tử hình trước công chúng trong chỉ có một ngày ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam phía nam Trung Quốc, đã gây ra tranh cãi trong công chúng Trung Quốc.

15 người này đã bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc phạm các tội giết người, cướp của và gây ra vụ nổ tại chi nhánh văn phòng Cục thuế Trung Quốc vào ngày 30/6 năm 2010. Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, họ là những “tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với an ninh xã hội”.

Bản án của họ được tuyên tại một hội đồng công chúng diễn ra tại sân vận động Đại học Hồ Nam ở Trường Sa vào ngày 29/12/2011. Những người này bị đem ra trưng bày và diễu hành vòng tròn quanh sân vận động “chật cứng những người đủ mọi tầng lớp xã hội”, trước khi bị đem đi thi hành án, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Chính quyền địa phương nói rằng họ tổ chức hội đồng này để “đánh mạnh vào các hoạt động tội phạm”. Tuy nhiên, cảnh tượng này đã bị công chúng chỉ trích mạnh mẽ.

Một học giả Trung Quốc yêu cầu không nêu tên đã nói với The Epoch Times: “Án tử hình là một bản án nặng nề lẽ ra phải được xử lý một cách thận trọng. Làm thế nào mà 15 án tử hình lại có thể được phán quyết và thi hành trong cùng một ngày?”

Luật sư nhân quyền thành phố Trường Sa, ông Tang Jitian nói với đài truyền hình Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty), rằng chính quyền đã tổ chức sự kiện này một cách công khai. Tuy nhiên, việc diễu hành tù nhân vòng quanh nơi công cộng là một việc vi phạm pháp luật, vi phạm quyền của tù nhân và thành viên gia đình họ.

“Việc làm này tương tự như các phong trào đấu tranh giai cấp trong quá khứ, vốn bị thúc đẩy bởi sự trả thù và trừng phạt. Tuy nhiên, việc thi hành án nên thể hiện được sự bảo vệ nhân quyền, hơn là chạy theo một hiệu ứng giật gân nhất thời”, ông Tang nói.Một bài viết với gần 10.000 lượt người xem trên một diễn đàn nổi tiếng đã viết: “Đem diễu hành tù nhân trước công chúng là một sự hăm họa người dân và là một việc làm chà đạp luật pháp”.

Blogger Xiaohe viết, “Đem diễu hành tù nhân ở nơi công cộng đã đủ tệ lắm rồi, vậy mà họ thậm chí lại làm việc đó tại khuôn viên một trường đại học”.

Những bức hình được truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy tất cả 15 tù nhân đều đeo khăn quàng quanh cổ. Một blogger đã tự hỏi, “Phải chăng có gì đó bên trong những chiếc khăn kia đã cản trở cổ của họ, ngăn không cho họ hét lên đòi công lý?”

Một blogger khác hỏi, “Tại sao không có quan chức tham nhũng nào bị xử tử như thế này?”

Ước tính ở Trung Quốc có từ hàng ngàn người đến hàng chục ngàn người bị hành quyết mỗi năm.

Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế năm 2010, mỗi năm chế độ ĐCSTQ hành quyết nhiều người hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, nhưng họ không công khai số liệu này.

Ông Claudio Cordone thuộc Tổ chức Ân xá nói, “Không có ai bị kết án tử hình tại Trung Quốc mà được xét xử công bằng phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.

Một khía cạnh đáng lo ngại của số lượng lớn các vụ hành quyết ở Trung Quốc là việc thu hoạch nội tạng của các tử tù. Trung Quốc đã thừa nhận việc thu hoạch nội tạng của các tù nhân đã bị kết án, nhưng có rất ít thông tin về việc này xuất hiện trên báo chí. Nội tạng của các tử tù được cho là chiếm hai phần ba trong số tất cả các ca cấy ghép, theo một bài viết trên bioedge.com. Ông David Kilgour, một cựu Nghị sỹ Quốc hội Canada và ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, đã cáo buộc trong các báo cáo điều tra độc lập của họ và một quyển sách tên Thu hoạch đẫm máu, rằng hàng chục ngàn tù nhân lương tâm Pháp Luân Công đã bị hành quyết, nội tạng của họ đã bị mổ cướp đi để bán cho những bệnh nhân Trung Quốc và những người gọi là “khách du lịch ghép tạng”.

Ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc đã trải qua một sự bùng nổ, với thời gian chờ mua nội tạng rất ngắn được quảng cáo trên các trang web bệnh viện Trung Quốc ngay sau năm 1999, năm bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

(Theo Đại Kỷ Nguyên)