Tinh Hoa

‘Tàng hình’ bằng cách chặn dòng ánh sáng

Với tấm chắn thời gian, một sự kiện có thể xảy ra ngay phía trước camera giám sát nhưng chúng ta không hề biết. Ảnh: AP.

Con người thấy những sự kiện xảy ra do mắt tiếp nhận ánh sáng từ các vật. Thông thường đó là một “dòng ánh sáng liên tục”. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học của Đại học Cornell tại Mỹ đã tìm ra cách khiến ánh sáng đứt quãng trong một khoảng thời gian cực ngắn. Họ gọi kỹ thuật đó là “tấm chắn thời gian” (time cloak), AP đưa tin.

Để tạo ra tấm chắn thời gian, nhóm nghiên cứu thay đổi tốc độ của ánh sáng sao cho camera giám sát hoặc các chùm tia laser an ninh không thể phát hiện một sự kiện. Điều đó giống như việc các nhà khoa học chỉnh sửa hoặc xóa một khoảng thời gian nào đó trong sách lịch sử khiến người đọc không biết một sự kiện từng xảy ra, Moti Fridman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, giải thích.

Phương pháp mà Fridman và các đồng nghiệp áp dụng là phân chia ánh sáng thành hai phần, sau đó tăng tốc độ một phần và giảm tốc độ phần kia. Việc đó tạo ra một “khoảng trống thời gian” và sự kiện xảy ra trong khoảng trống ấy.

“Nếu sự kiện xảy ra trong khoảng trống thời gian, bạn sẽ không biết nó đã xảy ra”, Alexander Gaeta, giám đốc Khoa Vật lý Kỹ thuật và Ứng dụng của Đại học Cornell, phát biểu.

Trong một bài trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu nói tấm chắn thời gian của họ không thể che giấu một sự kiện kéo dài vài phút. Trên thực tế, nó chỉ có thể che giấu một sự kiện diễn ra trong 40 phần nghìn tỷ giây, nghĩa là nhanh hơn cả một cái chớp mắt.

Mặc dù vậy, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học che giấu thành công một sự kiện xảy ra trong thời gian thực. Martin McCall, một giáo sư bộ môn quang học lý thuyết của Đại học Thực nghiệm tại Anh, là người đề ra ý tưởng giấu sự kiện bằng khoảng trống thời gian.

“Kết quả nghiên cứu của Đại học Cornell có ý nghĩa to lớn, bởi nó mở ra một không gian to lớn cho những ý tưởng liên quan tới tàng hình”, giáo sư McCall bình luận.

Minh Long