Chiếc tàu sân bay USS John C.Stennis.
“Việc triển khai các tàu chiến quân sự của Mỹ đến khu vực vịnh Péc-xích sẽ vẫn tiếp diễn như nó đã từng trong nhiều thập kỷ qua”, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nói trong một tuyên bố.
“Việc triển khai các nhóm tàu sân bay như vậy là cần thiết để duy trì các hoạt động hỗ trợ chiến lược cho các sứ mệnh đang diễn ra”.
Mỹ đưa ra tuyên bố này ngay sau khi ban lãnh đạo quân sự Iran đã yêu cầu Mỹ không đưa thêm tàu sân bay vào khu vực vịnh Péc-xích.
Tổng chỉ huy quân đội Iran, Thiếu tướng Salehi Ataollah nói với các phóng viên rằng tàu sân bay Mỹ đến eo biển Hormuz vì cuộc tập trận của Iran. “Iran sẽ không lặp lại cảnh báo hai lần. Iran sẽ thực hiện các bước trả đũa nếu tàu sân bay đã rời khỏi khu vực tập trận của Iran quay trở lại vùng vịnh Péc-xích”, ông Salehi nói.
Tàu sân bay mà ông Salehi muốn nói đến là tàu sân bay USS John C.Stennis, một trong những tàu lớn nhất của hải quân Mỹ.
Chiếc tàu này, cùng với tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay của Mỹ, đã đi qua eo biển Hormuz vào ngày 29/12, trong bối cảnh Iran cảnh báo đóng cửa tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của thế giới này.
Thứ Năm tuần trước, các lực lượng hải quân của Iran đã phát hiện tàu sân bay của Mỹ tại khu vực họ đang tập trận ngoài khơi bờ biển phía Nam.
Nhận định về lời đe dọa mới nhất của Tehran cũng như một loạt động thái tập trận, thử tên lửa ngay trước đó, các quan sát viên cho là sau nhiều năm, đòn trừng phạt của phương Tây nhắm vào ngành dầu hỏa lần này, vốn chiếm tới 60% hoạt động kinh tế Iran, đã tỏ ra có hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Obama đã ký kết một sắc lệnh vào cuối năm ngoái cấm tất cả các định chế tài chính Mỹ liên lạc với ngân hàng trung ương Iran và cuối tháng 1, đến lượt Liên minh châu Âu sẽ có biện pháp tương tự, kể cả việc cấm nhập cảng dầu hỏa từ Iran.
Trong tháng này, Pháp đang thúc đẩy các nước châu Âu trừng phạt Iran mạnh hơn, gồm cấm vận dầu mỏ xuất khẩu của Iran. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe nói không có nghi ngờ gì về việc Iran đang nỗ lực chế tạo một quả bom hạt nhân.
LHQ đã áp đặt 4 vòng chế tài đối với Iran để ngăn chặn những hoạt động tinh chế urani của Tehran. Tuy nhiên những nỗ lực này không tiến triển được vì Tehran luôn luôn đoan quyết rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ có mục đích hoà bình.
Trong khi đó, một số nhà phân tích tin là cấm vận dầu mỏ có thể làm tổn thương cho châu Âu hơn là Iran. Những người này tiên đoán là giá dầu nhập khẩu sẽ tăng vọt-tăng thêm gian nan cho các quốc gia mắc nhiều nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia.
Trà Giang
Theo Xinhua, AP