Sau loạt bài ‘Sống dở chết dở ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á’ đăng tải trên VietNamNet phản ánh về những bất cập trong việc thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, hiện nay dự án này đã bắt đầu có những dấu hiệu khả quan.
TIN LIÊN QUAN:
Không thể quy hoạch rồi “treo” dân 60 năm
Sáng 25/12, sau khi cùng với lãnh đạo huyện Thạch Hà, Cty CP sắt Thạch Khê (TIC) khảo sát thực trạng tại khu vực khai sát mỏ sắt Thạch Khê, ông Nguyễn Nhật – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định: Thực tế, cuộc sống của người dân vùng khai thác đã quá nhiều khổ cực, vấn đề bây giờ là phải tập trung xử lý.
Trước mắt, phải đảm bảo đời sống an sinh, nhất là trong dịp Tết nguyên đán này.
Ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Có tiền phải ưu tiên tập trung cho dân, nhất là trước dịp Tết Nguyên Đán. Hoàn thành các khi tái định cư để di dân những khu vực sát moong mỏ. Ảnh: Duy Tuấn |
Theo ông Nguyễn Nhật, đầu tháng 1-2012, TIC phải có báo cáo khả thi để trong quý I/2012 hoàn thành thiết kế khả thi theo tinh thần thông báo 164/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời xây dựng xong quy hoạch, kế hoạch và thông báo công khai, rộng rãi cho nhân dân biết lộ trình khai thác từ năm 2012 – 2015, đến năm 2020 và từng năm để địa phương chủ động xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
“Việc hoàn thành phê duyệt thiết kế kỷ thuật là rất quan trọng. Từ đó Cty phải có lộ trình cụ thể, 5 năm thì như thế nào, khai thác trong phạm vi bao nhiêu, ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ dân. Phải có lộ trình rõ ràng như thế để chính quyền và người dân được biết để còn có phương án di dời, tái định cư và phát triển kinh tế xã hội. Không thể nói là khai thác trong 60 năm trên phạm vi 10 xã mà bắt dân cả 10 xã đợi trong chừng đó năm được”, ông Nhật nói.
Khu vực nào bị ảnh hưởng thì có phương án di dời ngay, những nơi chưa ảnh hưởng mà chưa tái định cư được thì phải để cho người dân được sinh sống, lao động, sản xuất bình thường.
Đặc biệt, TIC phải nhanh chóng thực hiện Thông báo 164/TB-VPCP, thảo luận, thương thuyết và thoả thuận với các cổ đông thoái vốn để hoàn thành việc tái cơ cấu cổ đông, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm 51% cổ phần để kịp thời có vốn.
Việc hoàn thành các khu tái định cư cho người dân xóm 1 Thạch Đỉnh sẽ được thực hiện trước Tết? |
Phải có kinh phí thanh toán các khoản nợ và xây dựng hoàn thành một số khu TĐC, nghĩa trang, đền bù cho các hộ dân gần khu vực moong mỏ, bãi thải và sửa chữa các tuyến đường giao thông vùng mỏ.
Về vấn đề trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo phải chắn lại bãi thải, không để gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhất là phải có phương án bảo vệ, duy tu các thiết bị, máy móc vùng mong mỏ.
Việc ngừng hoạt động chỉ là tạm thời, không thể “bỏ hoang” vừa tổn thất về kinh tế vừa làm cho người dân hoang mang khi không biết dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có tiếp tục được triển khai hay không.
Đặc biệt, cần quan tâm nhất là đền bù, di dời diện tích nghĩa trang. Đây được coi là vấn đề “nóng” vì trong dịp Tết, người thân từ xa về quê sẽ dễ bức xúc khi “phần hồn chưa yên”.
Bên cạnh đó, TIC làm việc với TKV để có chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng mỏ trong dịp tết vì những khó khăn mà người dân đang gặp phải một phần do lộ trình khai thác chưa hoàn chỉnh của TIC mà đứng đầu là TKV.
Về phía tỉnh, ngay từ thời điểm này các cấp chính quyền và các ngành liên quan đã và đang tiến hành rà soát danh sách hộ nghèo của các xã, xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ Tết Nguyên đán đảm bảo tiêu chí: kịp thời, chính xác.
TKV phải làm tốt vai trò “anh cả”
Tháng 6.2011, Chính phủ có Quyết định số 946/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tổng mức vốn đầu tư cho đề án khoảng 1.677 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu khoảng 399,5 tỉ đồng; ngân sách địa phương khoảng 725 tỉ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn khoảng 305 tỉ đồng; vốn hỗ trợ của Cty CP sắt Thạch Khê khoảng 247,5 tỉ đồng.
Vấn đề hạ tầng, đường sá bị xuống cấp nghiêm trọng, Cty TIC phải bỏ tiền ra sửa chữa cho người dân đi lại. Sau này khai thác tiếp thì phải làm đường riêng. |
Ông Nguyễn Nhật cho biết vui: “Hiện tại, đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn thực hiện Quyết định 946, sẽ triển khai ngay trong quý I năm 2012. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp cho người dân, ưu tiên nhất đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian tới”.
Đến thời điểm này (cuối tháng 12/2011) việc tái cơ cấu cổ đông cơ bản đã hoàn tất. Hiện TKV đã được chuyển nhượng 19% từ các tập đoàn Vinashin, Sông Đà, VNPT. Đang chờ Thủ tướng quyết định.
Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo và Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã có văn bản thống nhất chuyển nhượng 2,7% cổ phần cho TKV để TKV có đủ 51%, trở thành cổ đông chi phối. Như thế, sẽ đáp ứng được nhu cầu về cổ phần để rót tiền vào triển khai nhanh dự án như TKV đã mong muốn.
Ông Nhật thông tin tiếp, hiện khoản tiền chuyển nhượng vốn này gần 70 tỷ đã được chuyển về cho TIC. Cộng thêm 70 tỷ thu được từ các cổ đông trả nợ là đã có 140 tỷ. Có nghĩa là những khoản kinh phí để giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt đã cơ bản được đảm bảo.
Sau khi Cty CP sắt Thạch Khê hoàn tất việc tái cơ cấu, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có đủ khả năng để quyết định một số vấn đề. Trong đó có Thiết kế kỹ thuật vì thiết kế này có 3 phần thì phần quan trọng nhất là thiết kế mỏ hiện đang được giao cho Công ty CP Thiết kế mỏ – công ty con của TKV đảm nhận. Thế nên không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa.
Như vậy, việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã có những bước chuyển biến tích cực. Vấn đề ở đây là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào trên cương vị là cổ đông chi phối?.
Câu hỏi này được đặt ra bởi trước đây, TKV đã chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình – một Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đó là chưa kể, Thông báo số 72 của Ban chấp hành TƯ tháng 5/2007 đã nói rõ: Chính phủ giao cho Cty TIC, trong đó Tập đoàn TKV làm nòng cốt để chủ trì thực hiện dự án.
Thế nhưng trong suốt thời gian qua, TKV chưa thực sự làm tốt quyền hạn và nhiệm vụ của “người anh cả” dẫn đến những hệ luỵ, nhất là đời sống cơ cực của người dân vùng mỏ.
Ông Nhật thẳng thắn: Là chủ mỏ, Công ty CP sắt Thạch Khê phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những ảnh hưởng tới người dân trong thời gian vừa qua. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước cổ đông khi sử dụng vốn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, dù đã làm hết chức năng, nhiệm vụ nhưng tỉnh Hà Tĩnh cũng phải liên đới chịu trách nhiệm một phần với vai trò quản lý nhà nước ở địa phương.
Về tương lai của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông Nhật khẳng định: Không chủ quan với những rủi ro nhưng rõ ràng, việc thực hiện dự án này chắc chắn đạt hiệu quả cao.
Duy Tuấn – Thăng Long