Đại hạ giá quanh năm, hàng lởm tràn lan, mỗi khách nhận 1 giá khác nhau hoặc được tặng kèm một bài chửi văn vở ngoa ngoắt… là những gì người ta thường nói khi nhắc tới 5 chợ tại Hà Nội
1. Chợ Đồng Xuân
Thuộc quận Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân được xem là ‘lãnh địa’ của hàng Trung Quốc giá rẻ, thượng nguồn của dòng chảy phân phối các loại quần áo chất lượng kém, nhập lậu từ Trung Quốc tới các chợ nhỏ khác trên khắp cả nước.
Theo thống kê, mỗi ngày, lượng hàng hoá luân chuyển từ chợ Đồng Xuân đến các vùng miền trong cả nước khoảng 15 – 20 tấn, tuy nhiên, thật đáng buồn là hàng hoá của Trung Quốc lại chiếm thị phần chủ yếu tại đây.
Chợ Đồng Xuân được xem là lãnh địa của hàng Trung Quốc giá rẻ (Ảnh chỉ có tính minh hoạ: KV) |
Nhiều tiểu thương ở đây cho biết, tại chợ Đồng Xuân, những mặt hàng như đồ lưu niệm, đồ chơi, điện thoại, va ly, cặp sách… có xuất xứ từ Trung Quốc với chất lượng không cao chiếm tới 90%, còn hàng tạp phẩm, vải, quần áo may sẵn…chiếm khoảng 70%.
Giá cả của các mặt hàng được chào bán tại chợ này cũng “nhảy múa” theo từng ngày, tuỳ từng đối tượng mua hàng. Với nhiều mặt hàng ở đây, thông thường nếu mua lẻ mà không trả giá, đặc biệt với các loại quần áo, bạn sẽ bị “chặt chém” từ gấp đôi tới gấp ba giá trị thực của sản phẩm.
Tuy nhiên, tại một chợ gần như chỉ bán buôn như thế này, nếu mua theo lố bạn sẽ nhận được mức giá ưu đãi mà theo nhiều khách hàng nhận định thì chúng rẻ gấp 3 – 4 lần so với giá tại nhiều shop trên địa bàn Hà Nội.
2. Chợ Nhà Xanh
Đây là khu chợ tại quận Cầu Giấy, được xem là điểm đến “lý tưởng” của nhiều sinh viên thuộc các trường đại học lân cận như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Thương mại, Đại học giao thông Vận tải Hà Nội…
Chợ Nhà Xanh – điểm đến của nhiều sinh viên và những người có thu nhập thấp (Ảnh: KV) |
Lý do là bởi nơi đây chuyên bày bán từ hàng “đại hạ giá” tới hàng “siêu rẻ”, còn về chất lượng, ai cũng thừa hiểu là nó tỉ lệ thuận với giá trị của sản phẩm.
Tại chợ này, nhiều cửa hàng bán quần áo, giầy dép khiến người tiêu dùng bị “sốc” khi treo bảng giá siêu rẻ trong khi cùng mẫu mã đó nếu vào shop mua, bạn sẽ phải chi trả gấp 3 – 4 lần. Không khó để bắt gặp các biển nhỏ đề 60 nghìn/chiếc quần Jean, 35 nghìn/chiếc áo phông cộc tay (không mặc cả)…
Chủ một cửa hàng bán quần áo thu đông ở đây cho hay, hàng ở đây chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng công ty thanh lý với mức giá mềm dành cho sinh viên và những người có thu nhập thấp nhưng vẫn thích xài … “hàng hiệu”.
Để minh chứng cho câu nói của mình, người bán hàng này chỉ cho chúng tôi xem một loạt quần bò mang nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci… nhưng lại chỉ có giá bán từ 150 – 400 nghìn đồng (tuỳ khách) – mức giá siêu rẻ so với hàng hiệu thật.
3. Chợ Ngã Tư Sở
Chợ Ngã Tư Sở, không mua hàng có thể sẽ bị chửi té tát (Ảnh: KV) |
Chợ thuộc quận Thanh Xuân, nơi đây đúng là nỗi khiếp đảm của nhiều khách hàng khi đi mua sắm bởi nó từng được mệnh danh là “chợ chửi”.
Một khách hàng từng mua đồ ở đây nói: “Chợ toàn hàng lởm thôi mà thái độ của người bán hàng thì thật …khiếp đảm. Bị chửi là còn nhẹ, không khéo còn bị ăn đánh, mà ở đấy nhiều kẻ móc túi kinh khủng”.
Nhiều khách hàng khác cũng kể, sau khi thử đồ mà không ưng, nếu gửi trả lại liền bị ăn chửi ngay. Còn nếu mặc cả mà không khéo, người bán hàng không những không “buông tha” cho khách đi sang hàng khác mà còn văng đủ mọi thứ tục tĩu nhất ra để “thị uy” với khách hàng.
Giá các mặt hàng, đặc biệt là quần áo ở đây thường bị hét gấp 3 – 5 lần so với giá ban đầu. Theo chủ một cửa hàng bán quần áo ở đây thì họ hét giá như vậy là để “khách trả xuống là vừa hoặc gặp được “con gà” nào đó, thì … thịt luôn”.
…Hoặc bị tố là ăn cắp đồ (Ảnh chỉ có tính minh hoạ: KV) |
Phàn nàn về thái độ “côn đồ” của người bán hàng ở chợ này, một khách hàng kể: “Nói về chợ Ngã Tư Sở mình nhớ đến chuyện của người bạn học. Vào chọn đồ quần bò, cô bé thử vài cái song không ưng nên gửi trả lại, tuy nhiên, bà bán hàng không chịu bèn lu loa lên là vào cửa hàng để ăn cắp đồ. Chưa kịp hoàn hồn thì cô bé thấy xuất hiện mấy người mặt mũi côn đồ xông vào dọa đánh.
Trong tình huống đó, cô bé sợ không nói được câu nào, mãi mới ú ớ trình bày được là khách mua hàng đơn thuần, yêu cầu nếu cần thì khám người xem có đồ gì của cửa hàng không? Bà bán hàng đổ tung toé hết đồ trong túi khách ra rồi đốt vía đuổi đi. Cô bạn mình sợ chết hãi mãi mới dám về nhà vì phải ra đường ngồi cho hoàn hồn”.
4. Chợ đêm Phùng Khoang (Thanh Xuân)
Hương, sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học Hà Nội kể: “Có lần tôi cùng các bạn cùng phòng đi mua đồ ở chợ Phùng Khoang. Sau khi mặc thử đồ, nhưng không có ý định mua, tôi xin gửi trả lại thì bị nhân viên bán hàng giằng túi sách vứt vào trong góc cửa hàng rồi tỏ thái độ bất mãn ra mặt. Tôi phát hoảng khi chị ta nói: trả thêm đôi ba lời nữa, được em bán cho như thể ép mình mua”.
Chợ Đêm Phùng Khoang cũng bị xem là lãnh địa của hàng Trung Quốc giá rẻ (Ảnh: KV) |
Theo khảo sát, quần áo, giầy dép được bày bán tại chợ đêm Phùng Khoang thường là những mặt hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí không rõ xuất xứ, nhưng được bày bán với giá rẻ nên rất hút khách.
Chẳng hạn, với áo khoác, trung bình bạn phải trả từ 200 – 700 nghìn đồng/ chiếc (tuỳ loại), áo phông từ 25.000 đến 40.000 đồng/chiếc, quần Jean chỉ từ 70 – 200 nghìn đồng/chiếc, tất 10 nghìn/3 đôi, áo thun cộc tay 20 – 35 nghìn đồng/chiếc…
Có cửa hàng còn tung ra chiêu quảng cáo “mua 1 tặng 1” hoặc giảm giá từ 50 – 70% để hút khách.
5. Chợ đêm sinh viên Dịch Vọng (Cầu Giấy)
Nổi tiếng là nơi bán hàng “đại hạ giá” quanh năm, chợ đêm sinh viên ở Dịch Vọng, Cầu Giấy dường như không còn xa lạ với nhiều sinh viên cũng như những người có thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội.
Chợ đêm sinh viên ở Cầu Giấy đã trở nên quá quen thuộc với sinh viên (Ảnh: KV) |
Nhưng chất lượng hàng hoá vẫn bị nhiều người đánh giá là …quá lởm (Ảnh: KV) |
Nhiều mặt hàng có mức giá rẻ tới mức có thể nói là “cạnh tranh” được với chợ đêm Phùng Khoang, nhưng chất lượng thì lởm chả kém. Anh Tuấn, một nhân viên bán hàng tại chợ này cho biết, ở đây chủ yếu là hàng Trung Quốc được mua buôn từ Móng Cái (Quảng Ninh), nhưng vẫn gắn mác D&G, Levis, Chanel như thường. Giá rẻ thì chất lượng tương xứng thôi.
Trong khi đó, Duyên, sinh viên trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội kể, chiếc quần bò cậu mới mua ở đây vài hôm về đã bị phai màu ngay sau lần giặt đầu tiên. Còn áo phông thì bị tuột chỉ liên tục.
Cũng dễ hiểu bởi giầy ở đây chỉ có giá bán từ 50 – 100 nghìn đồng, quần Jean từ 100 – 200 nghìn đồng, áo phông chỉ từ 35 – 50 nghìn đồng/chiếc …
M.Q