Hạnh phúc và may mắn của búp bê Ngân Thương
– Được chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2011 với “búp bê” Ngân Thương (VĐV thể dụng dụng cụ) là điều “thật hạnh phúc khi mọi người vẫn dành những tình cảm, ưu ái cho em”.
XEM THÊM
Với nhiều cố gắng, Ngân Thương đã xuất sắc giành 2 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26 vừa tổ chức hồi tháng 11 tại Indonesia (Ảnh: VietNamNet). |
Nhiều người đã nghĩ nếu không dính án sử dụng doping ở Olympic Bắc Kinh 2008, có lẽ danh hiệu gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm ấy đã có tên cô VĐV có biệt danh “búp bê” này.
Xúc động khi biết mình được chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ thủ đô năm 2011 này, Đỗ Thị Ngân Thương chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi em vẫn được ưu ái, quan tâm và ghi nhận của mọi người. Em chỉ biết hứa sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với những kỳ vọng đó”.
Trở về từ sân chơi khu vực (SEA Games 26) vừa diễn ra tại Indonesia, Ngân Thương xuất sắc mang về 2 HCV, 1 HCB cho bộ môn thể dụng dụng cụ góp phần vào thành tích đứng thứ 3 toàn khu vực với 96 HCV của đoàn thể thao Việt Nam.
Ở cái tuổi đã được xem là “lão bà” trong môn thi đấu yêu cầu sự dẻo dai, chính xác này, không ai ngờ cô gái vàng lại vẫn tiếp tục tỏa sáng, là điểm tựa vững chắc cho các đàn em cùng thi đấu.
Từ một cô bé yếu ớt, hay ốm ngày nào Ngân Thương giờ đây đã là VĐV đầy bản lĩnh, tự tin và mạnh mẽ trên sân thi đấu. Cô bạn chia sẻ: “Để có được những thành công ấy, em đã có sự giúp đỡ, động viên kịp thời của gia đình, bạn bè và thầy cô”.
Sau sự cố doping, Ngân Thương tạm lui về, không thi đấu nhưng vẫn chăm chỉ luyện tập. Quãng thời gian thử thách ấy đã giúp cho Thương rèn cho mình sự tĩnh tại trong tâm hồn.
21 tuổi đời, 15 năm gắn bó với sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, năm 2010 Ngân Thương đã định dừng lại, theo khóa học đào tạo huấn luyện viên tại ĐH TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng khi thể dục dụng cụ vẫn cần cô làm bệ đỡ tinh thần cho các đàn em trên sàn thi đấu, dù đang chấn thương, Ngân Thương đã quyết định quay trở lại. Điều đó với Ngân Thương cũng không có gì khó khăn “bởi đó vẫn là đam mê theo đuổi cuộc đời em rồi”.
Như một sự ghi nhận cho quá trình gắn bó và những cống hiến, hi sinh không mệt mỏi của cô gái nhỏ, Ngân Thương xứng đáng là tấm gương để những người trẻ thủ đô nói riêng, thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Nói về những thăng trầm trong cuộc sống, Ngân Thương tự nhận thấy mình có nhiều may mắn:
“May mắn khi cuộc sống em không gặp nhiều va chạm. Em phải sống xa nhà, tự lập, luyện tập vất vả từ nhỏ nhưng xung quanh là môi trường rất yên hòa, một tập thể rất lành mạnh, ít cám dỗ. Em chỉ sống và nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ”.
Chính cuộc sống tự lập ấy đã rèn cho cô “búp bê” ý chí mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn, “vấp ngã thì bản thân tự mình đứng lên, không phải lúc nào cũng chạy đến bố mẹ, hỏi thế này thế kia mà có thể tự làm tốt mọi việc. Vượt qua rồi, bạn sẽ tự mình rút ra những bài học quý giá”.
Hỏi về tính cách, Ngân Thương tự nhận mình là một người hòa thuận. “Có thể có bất công, không hài lòng nhưng đôi khi lời nói thẳng chưa hẳn đã tốt. Em thường ít chọn cách ấy mà cố gắng tìm những ví dụ, những câu chuyện để nói cho người khác hiểu”.
Trở về từ SEA Games 26, Ngân Thương không may tiếp tục dính chấn thương cổ chân lần thứ hai. Chưa lành hẳn vết thương nhưng cô bạn vẫn quyết định tháo bột để tập luyện cho đợt tham dự vòng loại Olympic vào tháng 1/2012.
“Vừa tập vừa dưỡng thương nên em cũng không dám mơ gì quá xa, chỉ hứa sẽ nỗ lực hết sức thôi” – Ngân Thương tâm sự: “Còn về việc làm HLV em chưa nghĩ nhiều tới bởi muốn toàn tâm, dốc sức cho việc thi đấu lần này”.
- Văn Chung