Tinh Hoa

Ong độc bay vào nhà tấn công bé gái

Một con ong màu đen phục sẵn trong chiếc khăn đã bất ngờ bay ra đốt vào bàn tay phải của bé Ngọc, 11 tuổi, ở Hóc Môn, TP HCM, khi em đang tắm. Cô học sinh lớp 5 sau đó bị hôn mê và tím tái toàn thân.

Bệnh nhân đang được điều trị hồi sức. Ảnh: M.T

Tai nạn xảy ra hồi đầu tuần khiến cô bé khóc thét trong buồng tắm, còn “hung thủ” kịp bay vù ra khỏi nhà.

“Con gái tôi sau đó nổi mề đay ngứa toàn thân, than mệt, khó chịu, tay chân lạnh ẩm mồ hôi. Hoảng quá, chúng tôi đưa cháu đến bệnh viện”, bố của bé nói.

Tại bệnh viện huyện Hóc Môn, nạn nhân rơi vào tình trạng li bì, môi tái, da xanh tai, mạch yếu. Sau hơn một giờ đồng hồ được điều trị chống sốc, huyết áp có cải thiện, tuy nhiên bé có biểu hiện suy hô hấp nặng nên được chuyển viện.

Tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, kết quả X-quang phổi cho thấy hai lá phổi của nạn nhân bị thâm mờ do hội chứng nguy kịch hô hấp cấp. Bệnh nhi lập tức được đặt nội khí quản trợ thở, tiếp tục điều trị sốc phản vệ theo phác đồ như dùng thuốc vận mạch. Sau hơn 2 ngày cấp cứu tích cực, Ngọc dần bình phục.

“Hiện bé đã thoát cơn hiểm nghèo và cai máy thở, tuy nhiên do sức khỏe còn yếu nên vẫn tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Hồi sức. Đây là trường hợp tai nạn khá hy hữu bởi hầu hết nạn nhân bị ong đốt ở ngoài vườn. Thủ phạm được nghi ngờ là loại ong bầu có nọc rất độc”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Cấp cứu – Hồi sức, cho biết.

Về cách sơ cứu ong đốt, theo bác sĩ Tiến, ngoài ong vò vẽ, hầu hết ong khác khi đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân nên việc đầu tiên trong sơ cứu là lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có để nọc độc lan ra.

“Cần rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm. Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đặc biệt, nếu nạn nhân nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít hoặc bị ong vò vẽ đốt hơn 10 vết thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Tiến nói.

Phương Nghi