Cách đây 120.000 năm, biển Chết từng một lần suýt biến mất và với tốc độ nước biển đang cạn nhanh như hiện nay, nhiều khả năng nó sẽ không qua khỏi một đợt hạn hán kéo dài tại Trung Đông. Đó chính là lời cảnh báo của nhóm chuyên gia về môi trường do tiến sĩ Steven Goldstein của Đại học Columbia dẫn đầu, theo báo Independent.
Nhóm của tiến sĩ Goldstein đã giám định bùn được thu thập từ đáy biển và phát hiện vùng hồ khổng lồ này từng cạn khô trong quá khứ. Biển Chết, hiện nằm giữa Israel và Jordan, sẽ ít có cơ may sống sót nếu phải trải qua một đợt hạn hán nữa, do nước ngọt của nó đang hao hụt với tốc độ báo động trước hoạt động tưới tiêu của người dân địa phương.
Vùng biển này nằm ở vị trí thấp nhất trên trái đất, dưới mặt nước biển đúng 425m. Nước biển chứa nồng độ muối cao kỷ lục đã phủ lên lớp trầm tích tích tụ lại sau 200.000 năm qua, cho phép giới khoa học khám phá được lịch sử khí hậu độc nhất vô nhị của khu vực trên.
Biển Chết có hình hài như con cá nhà táng khổng lồ, đầu quay về hướng Bắc, vọng lên Jericho, thành phố cổ nhất thế giới – có từ hơn 3.500 năm trước Công nguyên, đuôi vẫy vùng trong hoang mạc Arabah.
Biển nằm lọt thõm giữa vùng sa mạc Zudean ở bờ Tây và dãy Moab của Jordan ở bờ Đông.
Gọi là biển chết, vì nay trong lòng biển không có sinh vật nào sống nổi và biển không có lối nào thông ra các đại dương.
Độ mặn của muối và khoáng chất đặc hữu nơi đây có công dụng chữa bệnh nổi tiếng.
Trong nước có chứa hơn 35 loại khoáng chất khác nhau cần thiết cho sức khỏe và chăm sóc da toàn thân bao gồm Magiê, Canxi, Kali, Brôm, Lưu huỳnh và Iodine. Tất cả có tác dụng giảm đau, chữa trị hiệu quả các bệnh thấp khớp, vẩy nến, nhức đầu, đau chân, nuôi dưỡng và làm mềm da.
Biển Chết dài 76km, chỗ rộng nhất tới 18km và chỗ sâu nhất là 400m. Bề mặt Biển Chết nằm ở 4175m dưới mực nước biển nên là điểm thấp nhất của bề mặt trái đất.
ĐH (tổng hợp)