Tinh Hoa

Triều Tiên sẽ về đâu sau cái chết của Chủ tịch Kim?

Cái chết bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-il để lại một khoảng trống lớn cho Triều Tiên và khiến nhiều người quan ngại về tương lai của đất nước này.

Uy quyền của người kế nhiệm bị đe dọa?

Ngay sau khi ông Kim Jong-il qua đời, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) lên tiếng kêu gọi nhân dân nước này đoàn kết dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Tất cả các đảng viên, quân nhân và người dân hãy trung thành theo sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un và bảo vệ, tăng cường hơn nữa mặt trận thống nhất của đảng, quân đội và quần chúng”, KCNA nhấn mạnh.

KCNA cũng chính thức gọi người con trai út của Chủ tịch Kim này là “người kế tục vĩ đại”. “Điều khiển cỗ xe cách mạng Triều Tiên hiện giờ là ông Kim Jong-un, người kế tục vĩ đại của sự nghiệp cách mạng và là nhà lãnh đạo xuất sắc của đảng, quân đội và nhân dân ta”, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên tuyên bố, mở đường cho ông Kim Jong-un lên lãnh đạo đất nước.


Ông Kim Jong-un (áo đen) có thể gặp trở ngại trên con đường tiếp nhận quyền lực của mình. Ảnh: Boston.

Theo ông Scott Snyder, Giám đốc chương trình nghiên cứu về chính sách Mỹ-Triều Tiên, việc người con trai út Kim Jong-un của Chủ tịch Kim thay vị thế của cha là hoàn toàn hợp lý bởi ông này được công khai nhắc đến là người kế nhiệm tương lai từ khi ông Kim Jong-il còn sống và được trao nhiều quyền lực trong bộ máy chính quyền.

Tuy nhiên, ông Scott Snyder nhận định, cuộc chuyển giao quyền lực này sẽ diễn ra không hề suôn sẻ, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc cạnh tranh quyền lực kéo dài tại Triều Tiên.

Chuyên gia này lý giải, ông Kim Jong-un thiệt thòi hơn cha rất nhiều bởi trước khi lên nắm quyền. Ông Kim Jong-il có nhiều thời gian “học việc” và củng cố quyền lực trong khi ông Kim Jong-un dường như chỉ có hơn một năm từ khi bắt đầu được giao những chức vụ quan trọng đến khi lãnh đạo thực sự.

Do đó, ông Scott Snyder cho rằng, quá trình củng cố quyền lực của ông Kim Jong-un chưa đủ độ “chín”, dẫn tới những thách thức đáng phải lưu tâm. Dường như đoán trước được những khó khăn này, Chủ tịch Kim đã chuẩn bị ở mức tốt nhất có thể cho người kế nhiệm mình khi trao thêm quyền lực cho người em gái và em rể của mình để dìu dắt ông Kim Jong-un.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Scott Snyder, một khi ông Kim Jong-il khuất bóng, khả năng người chú rể Chang Song-taek đầy tham vọng sẽ nuốt lời và củng cố quyền lực cho riêng mình không phải không thể xảy ra.

Chia sẻ quan điểm này, học giả Leonid Petrov chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Sydney cho rằng, không ai nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong-un song khoảng thời gian ba năm để tưởng nhớ Chủ tịch Kim trước khi bổ nhiệm tân Chủ tịch là quá đủ cho những tham vọng tiếm quyền.

“Trong thời gian đó, ông Kim Jong-un sẽ có ba năm để gia tăng quyền lực nhưng cũng trong ba năm đó, một số thế lực bên ngoài hay thậm chí ngay bên trong gia đình có thể nổi lên để tiếm quyền bởi có một số nhân vật trong chính quyền Bình Nhưỡng hiện tin rằng, họ cũng xứng đáng được ngồi vào vị trí quyền lực đó”, ông Leonid Petrov nhấn mạnh.

Vì vậy, theo học giả này, cái chết của Chủ tịch Kim có thể dẫn tới một tương lai bất ổn cho đất nước vốn không chứng kiến bất cứ biến cố lớn gì trong suốt 6 thập kỷ qua.

Trở nên nguy hiểm hơn?

Tương lai không rõ ràng của Triều Tiên khiến giới chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản mường tượng ra một Bình Nhưỡng nguy hiểm hơn trước.

“Ông Kim Jong-il qua đời sẽ mang lại những đổi thay lớn đối với Triều Tiên và khả năng bất ổn là có thể xảy ra. Khi đó, một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và trong tình trạng bấp bênh sẽ dễ hành động mà không có tính toán và kiểm soát”, một quan chức Hàn Quốc giấu tên bình luận.

Với cách lập luận đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều có phản ứng ngay lập tức. Hàn Quốc đặt quân đội trong tình trạng báo động dù không có dấu hiệu hành động quân sự nào ở biên giới phía Bắc. Hàn Quốc cũng yêu cầu toàn bộ 28.500 lính Mỹ đồn trú tại nước này tăng cường cảnh giác và hoạt động do thám miền Bắc bằng máy bay và vệ tinh.

Tổng thống Lee Myung-bak cũng ra lệnh cho tất cả các quan chức Chính phủ phải ở tình trạng đối phó khẩn cấp, hạn chế chặt chẽ việc nghỉ hoặc đi lại.

“Việc giám sát và tình hình an ninh quanh biên giới được thắt chặt. Chúng tôi đang theo dõi sát sao bất kỳ động thái nào của quân đội Triều Tiên. Tất cả các sĩ quan chỉ huy đều ở tình trạng báo động và Hàn Quốc cùng Mỹ đang cùng chia sẻ thông tin tình báo. Hiện chưa có động thái nào từ quân đội Triều Tiên”, phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho hay.


Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lo ngại Triều Tiên sẽ trở nên nguy hiểm hơn sau cái chết của Chủ tịch Kim. Ảnh: WordPress.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp. Tuy nhiên, sau khi thông tin được chính thức phát đi trên KCNA, lệnh triệu tập được hủy bỏ. Tuy nhiên, ông Noda sau đó tổ chức cuộc họp nội các với các quan chức cấp cao về vấn đề này.

Ông Noda cũng yêu cầu các quan chức Nhật Bản giữ liên hệ chặt chẽ với các bên như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan tới những diễn biến trong khu vực. Bộ Quốc phòng, Ngoại giao Nhật Bản được yêu cầu sẵn sàng đối với với các tình huống bất ngờ.

Trong khi đó, tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay Mỹ đang liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản để theo dõi sát sao Triều Tiên.

“Tổng thống của chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định trên bán đảo Triều Tiên và vì tự do và an ninh của các đồng minh của chúng tôi”, Phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh.

Quả thực, theo Montreal Gazette, những lo ngại này của Mỹ, Nhật, Hàn dường như có cơ sở bởi với quân đội hùng hậu cùng những quả lựu đạn và tên lửa hạt nhân, Triều Tiên hoàn toàn có thể dễ dàng biến một số nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc thành “một biển lửa”.

Đến khi đó, khu vực Đông Bắc Á sẽ thực sự biến thành “chảo lửa”, cho dù Chủ tịch Kim Jong-il với những chính sách chống phương Tây cứng rắn không còn.

Trà My /Diplomat/ Reuters
(theo baodatviet)