Năm qua, người đã nói quá nhiều về thói vô cảm, về nạn hôi của, về những vụ án chấn động, về những điều xấu đang diễn ra xung quanh chúng ta. Nhưng còn rất nhiều những điều tốt.
Bài văn xúc động của học sinh nghèo trường Amterdam
“Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền.
Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !””.
Nguyễn Trung Hiếu và bài văn gây xúc động với dư luận. Ảnh: PNO |
Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu (trường THPT Amsterdam, Hà Nội) khiến nhiều người rơi nước mắt vì thương em, thương sự “ghét tiền” của em. Nhưng, như lời TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Tôi đã đọc và thấy rất xúc động, đồng thời thấy rằng chúng ta có rất nhiều những người con hiếu thảo. Có thể là sự hiếu thảo, suy tư trong thầm lặng nhưng đến lúc nào đó nó sẽ thể hiện ra. Những người như vậy xã hội ta coi đó là nền tảng rất quan trọng để phát triển bền vững các giá trị đạo đức”.
Hai SV cứu thiếu nữ bị nạn trong đêm
Hành động nhân ái cứu người của 2 sinh viên Nguyễn Tôn Hiến (học viện Bưu chính viễn thông) và Nguyễn Viết Sơn (Đại học công nghệ thông tin) cũng là một câu chuyện đẹp và cảm động đáng nhớ trong năm 2011.
Đêm ngày 9/11, Nguyễn Tôn Hiến và Nguyễn Viết Sơn trên đường dự sinh nhật bạn gái về thì phát hiện một thiếu nữ bị nạn nằm bất động sát con lươn phân cách trên quốc lộ 1A đoạn gần đại học Nông Lâm.
Không chần chừ, Hiến bế xốc nạn nhân đặt vào giữa. Sơn cầm lái chạy thẳng đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Nạn nhân là em Hồ Thị Thu Hương (16 tuổi, Q9, TP.HCM), nhờ hành động cứu người kịp của cậu sinh viên nghèo mà nạn nhân đã được cứu sống.
Thậm chí khi không đủ tiền đóng viện phí, Hiến đã bàn với Sơn phương án đem chiếc xe máy cũ kỹ đi cầm đỡ lấy vài trăm ngàn đồng để kịp thời giải quyết việc cấp bách.
Hiến và Sơn. Ảnh: Vietnamnet |
Khi gia đình đã gửi lại số tiền đóng viện phí cho các bạn, và còn có nhã ý biếu thêm một chút để tỏ lòng tri ân nhưng các bạn đều từ chối. Ngoài ra, các SV này còn gửi lại gia đình 100.000 đồng để góp phần phụ giúp điều trị cho Hương.
Hỏi hai bạn có suy nghĩ gì khi hành động như vậy, Hiến cười hiền lành: “Triết lý sống của em là nếu có dịp thì cứ giúp người khác đi, rồi sẽ có người giúp lại mình. Người ta cứ nói nhịp sống hiện đại làm con người trở nên thờ ơ, nhưng em tin rằng nếu gặp hoàn cảnh tương tự, các bạn trẻ khác cũng sẽ hành động giống như chúng em thôi…”.
Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ
Năm 2011đã xảy ra nhiều mưa lũ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và ĐBSCL.Bên cạnh những thiệt hại về người và của thì đã có những tấm gương nghĩa cử cao đẹp, quên đi mạng sống của chính mình cứu người bị nạn giữa dòng nước dữ tháng 10 vừa qua.
Đó là 3 thanh niên tên là Mai Vũ Phương, Nguyễn Văn Hải cùng khóm 5, thị trấn Tràm Chim và Phạm Tấn Đạt, ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa phương tiện ra cứu hai vợ chồng thoát chết đuối trong lũ dữ.
Hay 2 chàng trai trẻ là Lưu Văn Hảo (18 tuổi) và Lê Văn Tuấn (16 tuổi) ở xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, khi thấy hai người phụ nữ đang chới với giữa dòng nước, cạnh chiếc xe ô tô, đã nhanh chóng lao ra giữa dòng để đưa hai người vào bờ an toàn.
Rồi chúng ta cũng không quên hình ảnh, trung úy Nguyễn Văn Quý thuộc Đội CSGT H.Lệ Thủy, Quảng Bình trong lúc cùng đồng đội cứu dân đang bị con nước hung dữ bao vây, bị thương nặng.
Hay hình ảnh anh Trương Thanh Tâm (28 tuổi), cán bộ thôn 4, xã Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) khiến chúng ta nhớ mãi. Anh dùng thuyền độc mộc của gia đình cùng Ban PCLB của thôn vượt dòng nước lũ tìm đến những ngôi nhà thấp trũng trong thôn đưa người già, trẻ con lên núi tránh lũ. Sau khi công việc hoàn thành, anh Tâm một mình chèo thuyền về nhà. Mưa như trút nước, trời lại tối, anh Tâm thấy có đường dây điện căng ngang cản trở liền cầm nâng lên để cho thuyền luồn qua. Không ngờ dây điện một lõi bị cây cối cọ xát làm xước vỏ bọc, Tâm bị điện giật khi đang một mình chống chọi giữa dòng nước lũ cuồn cuộn chảy. Khi lực lượng cứu hộ cắt điện, đưa anh Tâm đi cấp cứu thì anh đã qua đời.
Em Phạm Văn Di . Ảnh: Dân trí |
Những cậu học sinh Nguyễn Minh Hòa (học sinh lớp 8, Trường THCS Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên Huế); Phạm Văn Di (học sinh lớp 7A, trường THCS Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình); Trần Văn Nguyên (14 tuổi, học sinh lớp 7G trường THCS Bình Chánh, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, lao mình giữa dòng nước dữ cứu bạn thoát chết thật đáng khâm phục. Hòa và Di đã may mắn được mọi người cứu sống còn Nguyên đã ra đi mãi mãi.
Theo bee