Ngay khi định sinh con thứ 2, chồng chị Lập, công an một huyện ngoại thành Hà Nội, đã bắt vợ phải ‘nặn’ bằng được quý tử, nếu không sẽ phá, vì anh ta sợ mất cơ hội thăng tiến. Biết chồng rất gia trưởng nên ngay khi “lỡ” sinh cô con gái đầu được năm rưỡi, chị Lập đã tính cách thụ thai quý tử. Chị không ngại mấy tháng liền ngày ngày phóng xe hàng chục km đi siêu âm canh trứng, rồi áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt theo lời mách. Thế nhưng, kết quả lại không được như ý.
Khi siêu âm biết giới tính con ở tháng thứ 4, chị khóc như mưa. “Mình không bao giờ muốn bỏ con, nhất là khi bé đã thành hình như thế, nhưng nếu không nghe chồng, thể nào anh ấy cũng bỏ đi tối ngày, mặc kệ 3 mẹ con, thậm chí bỏ vợ để lấy người có thể sinh con trai cho”, chị thổ lộ.
Sau nhiều dằn vặt, đau đớn, cuối cùng, chị đành nhắm mắt bỏ cái thai trong bụng, nhưng trong lòng cũng ngổn ngang, sợ nhỡ lần sau vẫn là gái thì không biết tính sao.
Phá thai vì giới tính bị cấm ở Việt Nam, nhưng người dân vẫn dễ dàng thực hiện được việc này, tại cả phòng khám tư lẫn bệnh viện công. Ảnh: Minh Thùy. |
Kết quả một cuộc nghiên cứu về các yếu tố xã hội và văn hóa tác động tới tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2010 của Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đã sử dụng siêu âm để xác định giới tính của thai nhi và nạo thai loại bỏ những thai gái không mong muốn. Và hỗ trợ những người khao khát con trai là một bộ phận dịch vụ y tế đang hướng đến lợi nhuận.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, mặc dù những người mong muốn có con trai thường sử dụng nhiều biện pháp và chiến lược khác nhau để đạt được ước nguyện, nhiều người nói rằng phương pháp hiệu quả nhất là sử dụng chẩn đoán bằng siêu âm kết hợp với nạo thai.
Theo nghiên cứu, tâm lý này rõ nét ở Hưng Yên – tỉnh có tỉ số giới tính cao nhất nước (130 bé trai/100 bé gái).
Một cán bộ lãnh đạo xã ở Hưng Yên cho biết, nhiều chị em thường đi xem bói tuổi vợ chồng năm sau có sinh được con trai không, cho chồng ăn nhiều trứng vịt lộn, da rắn…, hay các chị có hai con gái thì đi cắt thuốc bắc để thay máu đẻ con trai. Nhưng cách cho kết quả cao nhất là siêu âm. “Có những chị đã 5 lần loại bỏ thai gái để lấy 1 con trai”, vị này nói.
Một phụ nữ 33 tuổi ở Hưng Yên có hai con gái và đang mang thai đứa con thứ ba, nói với điều tra viên rằng, nếu thai nhi là gái, chị sẽ đi phá. Chị cho biết, do điều kiện kinh tế nên không muốn sinh thêm nhưng chồng lại muốn có con trai.
Ở nước ta, việc sử dụng siêu âm và nạo thai nhằm mục đích lựa chọn giới tính là bất hợp pháp. Nhưng thực tế, người ta có thể dễ dàng thực hiện cả hai việc này.
Theo quy định, các phòng khám sản phụ khoa tư nhân không được phép phá thai to (từ 8 tuần trở lên), nhưng không phải cơ sở nào cũng tuân thủ. Tại một phòng khám gần cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi được hỏi “có phá thai to không” thì nhân viên trả lời ngay: “Cứ vào siêu âm đi, 14-15 tuần vẫn xử lý tốt, còn nếu to quá, thì sẽ nhờ người gửi vào bệnh viện làm cho, nhanh gọn lắm”. Khi được người bệnh bày tỏ đang muốn có con trai mà không được, bác sĩ gật đầu: “Cứ làm đi, rồi sau muốn tư vấn, siêu âm trứng thì qua đây”.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) phá thai to thường rơi vào các trường hợp như: Trì hoãn việc bỏ thai để “mặc cả” do mâu thuẫn tình ái; Các bà mẹ cho con bú chưa có kinh nguyệt trở lại nên có thai lớn mới biết; Những người loại bỏ thai gái vì không muốn đẻ nhiều nhưng mong có con trai; Chỉ một số ít là do dị tật thai hay vì không biết có thai sớm.
Bà Dung cho rằng, thực tế, những trường hợp phá thai to vì lựa chọn giới tính khá nhiều. Tất nhiên, tất cả những người này không bao giờ nói thật lý do, mà thường viện ra các cớ như: không biết có thai nên lỡ uống nhiều thuốc không tốt, do vỡ kế hoạch, do chưa đủ điều kiện kinh tế… Bác sĩ chỉ có thể nhận ra nguyên do thực sự khi hỏi han kỹ, biết họ là những người đã có một hoặc hai con gái, và sau phá, lại nài nỉ được tư vấn cách sinh con trai…
Bà còn nhớ mãi một trường hợp phá thai vì giới tính mà chính mình bị bệnh nhân “lừa”. Cách đây vài tháng, một phụ nữ hơn 30 tuổi tìm tới Trung tâm nhờ bác sĩ giải quyết khi cái thai đã 14 tuần với lý do: vỡ kế hoạch và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi khám, bà khuyên bệnh nhân nên tới bệnh viện phụ sản làm cho đảm bảo hơn, nhưng người này hết lời nài nỉ, mong được chính tay bà giúp. Mãi khi mọi việc xong xuôi rồi, bác sĩ mới té ngửa khi người chị gái đi cùng sản phụ thở dài tâm sự rằng em mình đã có hai con gái, và đây là lần thứ hai phá thai to sau khi siêu âm biết lại mang bầu ‘thị mẹt’. “Chỉ vì đeo đuổi có thằng cu mà khổ thế này đây”, người phụ nữ than thở.
“Phá thai càng lớn, nguy cơ gặp các tai biến như nhiễm trùng, băng huyết, thủng tử cung… càng tăng. Không những thế, các bà mẹ còn có thể gặp nhiều vấn đề tâm lý khi phá bỏ một bào thai quá lớn”, bác sĩ cảnh báo.
Bác sĩ Bùi Thị Chút, Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho biết, ngay cả trong bệnh viện công, việc phá thai to (dưới 22 tuần) cũng có thể tiến hành khá dễ dàng. Người muốn thực hiện thủ thuật chỉ cần làm đơn xin phá thai. Theo bà, trong số những người phá thai to này, tỉ lệ vì chọn lọc giới tính chắc chắn là có, thậm chí là nhiều, nhưng không ai có thể kiểm soát được.
Một khảo sát nhanh gần đây của VnExpress.net cũng cho thấy, chỉ vì muốn có quý tử năm rồng 2012, không hiếm trường hợp lựa chọn phá thai gái.
Trong số hơn 4.200 người được hỏi, cứ 100 người thì 2 người khẳng định đã làm việc này, và con số xấp xỉ (1,8) nói sẽ làm vậy. Ngoài ra, có tới 1/6 số người tham gia khảo sát khẳng định dù không làm, nhưng họ biết có người thực hiện việc đó.
Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh thanh tra Tổng cục dân số cho biết, có hơn 90% các bà mẹ biết giới tính thai trước sinh, và chắc chắn là từ các cơ sở y tế. Cơ quan chức năng biết rõ điều này nhưng việc phát hiện, xử lý không đơn giản.
“Siêu âm là dịch vụ cho phép, hơn nữa trong phòng siêu âm chỉ có bà mẹ và bác sĩ, và nhiều khi họ thông báo giới tính thai bằng nhiều hình thức như dùng ký hiệu, lời nói mang tính ám chỉ…”, ông nói.
Ông thừa nhận, hiện tượng phá thai gái ở Việt Nam chắc chắn là có, vấn đề là, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra xem liệu việc này có tác động làm mất cân bằng giới tính rõ ràng như tại Ấn Độ, Trung Quốc không. “Trong vòng 1-2 năm nữa chúng tôi sẽ phải làm việc này, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý hữu hiệu hơn”, ông nói.
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi