Tinh Hoa

“Zoom” vào vết tích khảo cổ 77.000 năm của… chiếc giường

Vừa qua, các nhà khảo cổ học tại Sibudu, Nam Phi đã có một phát hiện vô cùng lí thú: chiếc giường – một vật không thể thiếu trong gia đình chúng ta – đã xuất hiện từ 77.000 năm trước.

Khu vực khảo cổ phát hiện vết tích của chiếc giường cổ đại.

Khu vực này nằm trên một hang động trong núi – nơi được cho là nhà ở của người nguyên thủy.

Theo các nhà khảo cổ học thì những chiếc thảm ngủ đầu tiên được làm bằng các loại tro của cây lau, sậy và một số thực vật khác. Những lớp tro này được chồng lên nhau, có khi người ta chồng đến 15 lớp và tạo ra một chiếc chiếu.

Mặt cắt hóa thạch của giường cổ.

“Zoom” trên kính hiển vi điện tử.

Nhiều mẫu hóa thạch giường cổ cũng đã được tìm thấy, theo các nhà khoa học, thành phần của những mẫu hóa thạch này gồm rất nhiều silic và trong khoảng thời gian từ 77.000 đến 38.000 năm trước, những chiếc chiếu ngủ đã được chồng lên nhau dày đến 3 mét.

Con người cổ đại cũng đã học được cách loại trừ côn trùng khỏi giường ngủ của mình bằng cách… đốt giường định kì. Với cách làm này, chỗ ngủ của họ luôn được giữ sạch sẽ. Không chỉ biết giữ gìn vệ sinh giường chiếu và đuổi côn trùng bằng cách đốt giường, con người cổ đại còn biết sử dụng các loại lá cây có khả năng diệt côn trùng. 

Theo nhà nghiên cứu Lyn Wadley, Đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi, những loại lá cây được tìm thấy trong mẫu hóa thạch thuộc loài Cryptocarya, được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc cổ truyền. Điều này đã chứng minh rằng, ở Sibudu 77.000 năm trước, con người đã biết sử dụng các loại thảo dược để phục vụ cho đời sống của mình.

Mẫu hóa thạch lá cây hiển thị trên kính hiển vi điện tử.

Cùng với phát hiện về giường ngủ của người cổ đại, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu hiệu sinh sống tập trung của con người vào khoảng từ 58.000 năm trước mà bằng chứng chính là sự tăng số lượng của những chiếc giường ngủ.