Tinh Hoa

Thương hiệu Việt đua nhau tung ra điện thoại cảm ứng giá rẻ

Sau trào lưu hai sim và kiểu dáng giống BlackBerry, các hãng di động Việt Nam rầm rộ giới thiệu các mẫu di động cảm ứng trên dưới một triệu đồng.

FPT vừa trình làng loạt di động cảm ứng mới, trong đó, B990 là thiết bị đáng chú ý nhất của họ. Model này có giá dưới 2 triệu, hỗ trợ Wi-Fi, 3G, các phiên bản như B8300, B810 thậm chí còn rẻ hơn, chưa tới 1,5 triệu đồng.

Điện thoại Q-mobile cảm ứng giá dưới 2 triệu.

Q-mobile cũng là tên tuổi rầm rộ trình làng các điện thoại cảm ứng giá thấp gần đây. Bộ đôi T38 và P4i được bán ở mức từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng, chiếc P11 cao nhất cũng chưa tới 2 triệu.

Điện thoại Q-mobile và FPT đều hướng tới các tính năng giải trí, lướt web cơ bản. Ngoài ra, các thiết bị từ FPT hỗ trợ cài các phần mềm Java từ F-store, trong khi Q-mobile lại trình làng kho ứng dụng hợp tác có tên gọi Q-store.

Một hãng điện thoại thương hiệu Việt khác cũng cho ra mắt dòng sản phẩm màn hình cảm ứng giá rẻ là Mobiistar. Không có gian ứng dụng, nhưng điện thoại hãng này hỗ trợ xem phim 3D với kính xanh đỏ tặng kèm. Ngoài ra, máy còn có ứng dụng giống smartphone như game Angry Bird, Fruit Ninja…

Ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc ngành hàng điện thoai di động của Viễn Thông A, cho biết sự xuất hiện các mẫu cảm ứng thương hiệu Việt đang gia tăng doanh số nhóm sản phẩm này. Giá tốt và thiết kế đẹp là những lợi thế của các sản phẩm này, tuy nhiên, ông Duy cho rằng, các thiết bị này đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ di động Samsung.

Một trong những mẫu di động 3D mới ra mắt có giá chưa tới 1,4 triệu từ Mobiistar. Ảnh: Quốc Huy.

Trong nhóm các nhà sản xuất điện thoại cảm ứng giá thấp, LG và Samsung là các tên tuổi có nhiều model nhất. Dòng Champ hay Cookie từ Samsung với các chương trình marketing rầm rộ vẫn là thương hiệu chiếm lĩnh tốt nhất phân khúc này, trong khi đồng hương Hàn Quốc lại cạnh tranh về giá và khả năng kết nối.

Xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, điện thoại mang thương hiệu Việt và các nhà sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc đặc biệt mạnh ở nhóm giá rẻ. Những model có bàn phím QWERTY giống BlackBerry, hỗ trợ hai sim, thiết kế bóng bẩy, nằm quanh quẩn trong mức giá trên dưới 2 triệu bán tốt cho phân khúc khách hàng eo hẹp túi tiền. Trong khi di động cảm ứng ít ra mắt, nếu có thì mức giá cao hơn 2 triệu đồng.

Ttrong khoảng gần một năm trở lại đây, nhóm hai sim này đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Nokia. Với các thiết bị có kiểu dáng đơn giản, nhưng lợi thế về pin và thương hiệu mạnh, Nokia đang “đánh bật” nhiều thiết kế màu sắc có xuất xứ từ Trung Quốc. Anh Lê Nam Trung, chủ cửa hàng Trung Mobile (đường 3/2, TP HCM) cho rằng, doanh số di động thương hiệu Việt và nhóm giá rẻ đang chùng xuống, người dùng đang chuyển sang mua điện thoại Nokia dù ít tính năng hơn.

Đại diện Viễn Thông A cho rằng, điện thoại cảm ứng giá rẻ là hướng đi mới, nhằm tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt. Mobiistar là một trong các thương hiệu đang có sự thăng tiến tốt nhờ nhóm thiết bị hỗ trợ 3D, nhiều phụ kiện tặng kèm, dù khả năng hiển thị trên công nghệ cũ còn thua kém nhiều smartphone 3D cao cấp.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm Công nghệ FPT cho rằng, việc ra mắt điện thoại cảm ứng là hướng đi mới, nhằm đa dạng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đại diện FPT nhận định, việc Nokia ra mắt các mẫu hai sim không ảnh hưởng nhiều đến doanh số công ty do chênh lệch về giá vẫn còn cao.

Huy Đức