Dường như mọi chiếc còng, khóa đều trở nên vô nghĩa với siêu trộm huyền thoại này. Mỗi cuộc đào tẩu, hắn đều để lại dấu ấn thách thức nhà chức trách.
Ngay cả những người có óc tưởng tượng phong phú nhất cũng khó hình dung được Bạch Hải Đường (tức Nguyễn Ngọc Truyện) chỉ sống trọn vẹn 33 năm tuổi đời mà lại làm nên nhiều “thành tích” đến thế trong giới giang hồ. Ngay từ những năm 1975, nhiều tên tội phạm khắp miền Nam đã “mạo danh” Bạch Hải Đường làm nên những vụ án giết người, cướp của, trộm cắp… làm cho tên tuổi của hắn càng trở nên nổi tiếng.
Tướng cướp Bạch Hải Đường. |
Nhưng theo những tài liệu còn lại, thì Bạch Hải Đường chỉ có một. Đó là Nguyễn Ngọc Truyện, tức Truyện “xăm mình”, một “siêu trộm”, một “tướng cướp”, có những bản lĩnh riêng, cách phạm tội riêng và một cuộc đời bi thảm rất riêng mà không giống bất kỳ tội phạm nào.
Những hình xăm ám ảnh
Là một giang hồ cộm cán, Bạch Hải Đường cũng tự châm chích lên mình những hình vẽ, dòng chữ để thể hiện “số má” giang hồ của mình. Thời còn sống, Bạch Hải Đường được giang hồ xưng tụng là Truyện “xăm mình”. Những đau đớn trong tình yêu, những nỗi thất vọng trong cuộc sống, hay những nỗi niềm ít bày tỏ cùng ai cũng được gắn lên cơ thể bằng kim nhọn và mực Tàu.
Dù là một kẻ cùng đường, lao vào kiếp sống tội lỗi, nhưng Bạch luôn khắc ghi trong lòng mình là một phật tử nên trên ngực Bạch Hải Đường xăm hình Đức Phật. Quả vậy, trong suốt cuộc đời lầm lạc của mình, Bạch Hải Đường không hề nổ một phát súng nào, thậm chí, nhiều lần thấy “hàng nóng” ngay trước mũi, hắn cũng không ngó ngàng tới.
Phía trên hình Đức Phật là dòng chữ “Phụ mẫu tri ân”. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Truyện đã là đứa con chí hiếu, sống nặng nghĩa nặng tình với cha mẹ, anh em. Dòng chữ trên bắp chân với 6 chữ “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền” thể hiện đúng bản chất “người” trong suy nghĩ và hành động của gã giang hồ lừng lẫy. Cha mất sớm, trong suốt quá trình phạm tội, Bạch luôn cố về thăm mẹ mỗi khi có dịp.
|
Bạch Hải Đường được xếp ngang hàng về danh tiếng với Điền Khắc Kim, Đại “Cathay”, những tay anh chị lừng lẫy Sài Gòn trước 1975. |
Cũng có khát vọng “thống lĩnh giang hồ” như bao tay anh chị khác, Bạch cũng có cái khát vọng được đồng bọn tung hô, kính trọng. Con đại bàng xòe cánh, đạp dưới chân là quả địa cầu với dòng chữ “Vượt trùng dương ra hải đảo” sau lưng là một thứ ảo tưởng nung nấu trong lòng tên tội phạm lừng danh.
Bạch Hải Đường rất tình nghĩa với huynh đệ. Vết xăm bên cánh tay trái với dòng chữ “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương” cũng thể hiện thứ “khát vọng” ấy của hắn.
Tuy nhiên, hai “câu đối” hai bên hông Bạch, một bên khắc dòng chữ “Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc”, một bên là “Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh” (tạm dịch: lúc sung túc, anh em chia ngọt sẻ bùi, lúc lâm nguy anh em thân thiết cũng không muốn gặp) cũng như “vận” vào cuộc đời Bạch. Cho đến tận lúc chết đi, bên cạnh cỗ quan tài hắn cũng chẳng một ai thân thích.
Có lẽ cũng vì sự cô đơn ấy, hắn đã gắn lên cánh tay phải một câu hỏi: “Tạo hóa ơi, bao giờ con hết khổ?”.
Thấm thía cay đắng tình trường với những người phụ nữ từng yêu và phụ bạc mình, Bạch đã “vẽ” vào bụng dưới của mình hình một cô gái lõa thể và dòng chữ “Thương người chung thủy – hận kẻ bạc tình, phía trên là con dao đâm vào quả tim máu.
Những cuộc đào tẩu làm nên tên tuổi
Lại nói về cuộc đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S và tư dinh của đại úy Triệu, sếp phó của lực lượng cảnh sát Long Xuyên, Bạch Hải Đường sau một thời gian lẩn trốn, hắn trở về Long Xuyên. Lệ, nhân tình của Bạch Hải Đường vì quá ghen tuông nên đã báo tin cho đại úy Triệu mang lính và súng đến. Bạch Hải Đường được đại úy Triệu cho lên xe Jeep sau trận đòn thù “chào hàng” ngay tại nhà riêng.
Hai viên quân cảnh chế độ cũ to lực lưỡng không thể ngờ rằng tên tội phạm họ đang áp tải lại có võ nghệ kinh người đến thế. Bị còng tay, nhưng khi vừa ngồi lên xe, Bạch đã dùng hai cùi chỏ đánh gục hai quân cảnh và phi cú đá như trời giáng vào đầu lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát.
Lực lượng ứng cứu chạy tới kịp thời, nhưng chỉ để đưa 3 nạn nhân đang kêu la vì những vết thương làm ê ẩm mình mẩy. Sau lần tẩu thoát ngoạn mục đó, Bạch Hải Đường trở thành một cái tên đáng sợ đối với giới quân cảnh chế độ cũ và cũng làm cho giới giang hồ có thêm nhiều giai thoại.
Lần đó, Bạch trốn về nhà đại úy Hiếu, một nhân vật thuộc lực lượng quân đội chế độ cũ. Hiếu đem câu chuyện Bạch đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S và vụ tẩu thoát khỏi lực lượng bảo an của đại úy Triệu kể cho dân biểu L.Q.L. Vị dân biểu này đề nghị Bạch đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S một lần nữa và…ám sát ông ta với giá 2 triệu đồng (giá mỗi chiếc xe máy thời điểm đó khoảng 20.000 đồng). Đương nhiên, Bạch Hải Đường từ chối, Bạch sinh ra hoàn toàn không phải để giết người. Bản hợp đồng ám sát chính trị đó dù không xảy ra, nhưng cũng đủ biết sự “mến mộ” của các thế lực đen đối với khả năng của Bạch Hải Đường là lớn chừng nào.
Sau lần bị các phế binh chế độ cũ bắt ở Mỹ Phước, năm 1975, khi đang thụ án tại nhà lao thì miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975, lợi dụng tình hình hỗn độn, hắn đã “tranh thủ” trốn ra ngoài. Trước khi đi, với vốn chữ nghĩa ít ỏi, Bạch để lại dòng chữ: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”.
Nhưng ít lâu sau, không giữ được “lời hứa” trên, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì đột nhập khách sạn ăn cắp đồ đạc của một đoàn khác, cuối tháng 8/1975, Bạch Hải Đường lại leo khỏi hàng rào nhà giam ra ngoài. Trước khi đi, hắn để lại một tờ giấy viết bằng bút bi với nội dung: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa. Ký tên: Bạch Hải Đường).
Ngày 21-3-1980, một vụ cướp có vũ trang xảy ra gần khu vực biên giới. Ba đối tượng đã cướp đi 100 cây vàng của một cặp vợ chồng. Bạch Hải Đường và 3 đàn em đang hả hê bên bàn nhậu với chiến công “lần đầu đi cướp” thì ba họng súng đen ngòm của lực lượng công an chĩa thẳng vào hắn. Bất ngờ, Bạch bật ngửa ra phía sau bằng một thế võ điệu nghệ, phi ra cánh cửa sau nhà rồi lao xuống con rạch đầy bùn lầy tẩu thoát. Hóa ra, trước khi ngồi, Bạch đã “xem hướng” để kiếm đường thoái lui nhanh nhất khi có biến.
Ngay lập tức, ba tiếng súng ở cự li gần trúng vào bắp chân của Bạch. Bốn chiến sĩ công an ập vào vây bắt. Đôi chân đang bị thương nặng, Bạch Hải Đường đánh gục luôn…4 chiến sĩ công an. Chạy tiếp một đoạn, hắn mới chịu thúc thủ do cũng đã đuối sức vì mất máu.
Thế nhưng, khi vết thương chưa kịp lành, giữa tháng 5-1980, cán bộ quản giáo hoảng hốt khi nhìn thấy tường nhà giam đã bị đục thủng một lỗ, bên cạnh là dòng chữ để lại như trêu ngươi: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đườn
g”.
25-7-1980, tại căn nhà nằm ở ngoại ô thị xã Sóc Trăng, một lần nữa, Bạch Hai Đường lại bị bắt. Là một cao thủ võ nghệ, hắn tiếp tục “tặng” cho các chiến sĩ công an những cú đá nhanh và mạnh như trời giáng. Nhưng, một chiến sĩ công an thà chịu đau ôm chặt hắn chứ nhất định không để hắn chạy thoát. Một viên đạn cự li gần bắn trúng đùi của một chiến sĩ khác, Bạch Hải Đường đổ gục xuống xó bếp.
Lần thứ hai bị bắt trở lại, BHĐ đã bị bắn trọng thương thêm một lần nữa, sức khỏe trở nên kiệt quệ. Bạch bị ngồi trong nhà giam với cả còng tay, còng chân. Hắn chỉ được di chuyển trong một không gian hẹp. Một lần, nhìn qua cửa nhà giam, các cán bộ quản giáo lại được một phen hoảng hốt, nền nhà giam hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại mấy cái còng. Khi mở cửa phòng giam, Bạch Hải Đường đang đu người trên trần nhà giam để hòng chui ra ngoài, dù vết thương vẫn còn rất nặng.
Thấy công an tới, Bạch ngoan ngoãn phi xuống nền nhà giam nhẹ như con sóc.
Đó không phải là lần duy nhất Bạch tháo được còng để đào thoát. Hầu như tất cả ổ khóa dùng để khóa còng chân đều không thể “khóa” được Bạch Hải Đường. Cán bộ trại giam liên tục phải thay ổ khóa. Một chiếc khóa đặc biệt được thiết kế với một cùm chân được lồng vào một thanh sắt to và dài, luồn qua tận bên phòng quản giáo. Hết cách, Bạch chỉ biết ngồi một chỗ và gầm rú như một con thú dữ cho đến ngày hắn không còn nữa.
Từ “siêu trộm” trở thành tướng cướp
Nói về phi vụ cuối cùng của Bạch Hải Đường, đó là một vụ cướp vàng với vũ trang khu vực gần biên giới. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời lầm lạc của mình, Bạch Hải Đường đã phải sử dụng đến súng, và cũng chính phi vụ đó đã đặt dấu chấm hết cho Bạch.
Trong bản khai của mình, Bạch ghi rõ: Sau khi nghiên cứu mục tiêu là một chiếc thuyền trên sông gần khu vực biên giới Campuchia, tháng 3-1980, Bạch Hải Đường cùng 2 “công sự” đột nhập và thực hiện một phi vụ cướp táo tợn. Phi vụ cướp duy nhất của cuộc đời hắn.
Một chiếc đèn leo lét, một người đàn ông và ba người đàn bà đang say giấc ngủ. Họng súng lạnh ngắt chĩa thẳng vào đầu:
– Nằm im, không tao bắn chết!
Nhanh như sóc, sau khi khống chế xong người đàn ông, Bạch lục lọi và tìm được một cái túi màu đen. Màu vàng sáng lóa cùng với trọng lượng cái túi làm hắn hài lòng ra mặt. Trong cái túi có tới 100 cây vàng miếng.
Chia cho 2 “đồng nghiệp” 50 cây vàng, Bạch ôm số vàng còn lại trở về Long Xuyên cho đến khi bị bắt và ăn 3 phát đạn vào chân.
Trốn thoát và tiếp tục bị bắt, lần thứ năm Bạch bước vào nhà giam cũng là lần cuối cùng. Bạch Hải Đường đã yếu sức và không còn có thể tung hoành được nữa. Những ngày cuối đời, nhiều lần rơi nước mắt vì quá khứ lầm lạc, Bạch Hải Đường nhận ra rằng, xung quanh hắn chẳng còn ai thân thuộc. Tên tướng cướp đa tình không còn ảo tưởng về “lòng thủy chung”, “tình huynh đệ” hiện diện trong suốt cuộc đời phiêu lưu và tội lỗi của mình.
Bạch Hải Đường diễn tả lại động tác tháo còng trong trại giam. |
Bạch Hải Đường đã thành tâm hối cải, đã khát khao làm lại cuộc đời nhưng sức khỏe không còn cho phép anh ta trở lại thành anh phụ xe, bốc vác Nguyễn Ngọc Truyện ngày nào nữa. Tháng 7-1983, cuộc đời của Bạch Hải Đường kết thúc trong bi kịch đau yếu, cô đơn và ân hận.
Ông nhà báo N.H, người đã cho chúng tôi rất nhiều tư liệu Bạch Hải Đường cũng kết thúc câu chuyện này bằng sự ngậm ngùi: “Đáng lẽ, mọi thứ đã khác. Anh ta nếu như có được một sự định hướng tốt hơn về nhân cách, một sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì ngày nay người ta đã không có một tướng cướp huyền thoại Bạch Hải Đường trên phim ảnh, sách vở… mà có một Nguyễn Ngọc Truyện lương thiện và tự do”.
(Theo Bưu Điện Việt Nam)