Ai cũng biết Thái Lan là đất nước của đạo Phật nhưng ít người biết đến những ngôi chùa được du khách nói chung và du khách Việt nói riêng viếng thăm và những tục lệ ở đó.
Tượng Phật ngọc nhìn từ xa đã phát sáng rất trang nghiêm |
Tu viện Hoàng gia Phật Ngọc hay chùa Phật vàng (Bangkok) nằm ở phía bắc hoàng gia. Tại đây có bức tượng Phật Ngọc được xem là một bảo vật của Thái Lan.
Phật Ngọc được an vị trên một ngai vàng theo phong cách truyền thống của Thái Lan. Tượng Phật Ngọc này trong suốt, nhìn từ bên ngoài vào có thể thấy rõ khi chiếu đèn. Khoác trên tượng là 3 bộ y phục được may bằng vàng theo 3 mùa (hè, mưa và đông).
Theo anh Phạm Thanh Minh, một hướng dẫn viên thường xuyên đưa du khách từ Việt Nam qua du lịch Thái Lan, các trang phục khoác trên tượng Phật Ngọc được thay đổi 3 lần một năm do chính đức vua hoặc thái tử thực hiện.
Phật Ngọc được khắc từ một khối ngọc bích màu xanh lá cây và lần đầu tiên được phát hiện năm 1434 trong một bảo tháp ở Chiang Rai. Khi vua Rama I thành lập thành phố Bangkok, Phật Ngọc được đặt trong Tu viện Hoàng gia một cách trang trọng.
Lấy hoa sen rưới nước thánh để cầu mong mọi điều tốt lành tại tu viện Hoàng gia Phật Ngọc |
Tu viện này bao gồm tất cả các tính năng kiến trúc của một tu viện Phật giáo nhưng không có khu dân cư, cũng như là không có tu sĩ cư trú ở đây.
Trong tu viện, các bức tường được trang trí bằng những bức bích họa, phía trên khung cửa sổ là một loạt các bức tranh mô tả những sự kiện được lựa chọn của Đức Phật như cảnh từ khi sinh ra, thời thơ ấu, thanh niên và khi đi xuất gia. Hay hình ảnh Đức Phật thuyết giảng Pháp, nhập Niết bàn….
Chị Hoàng Lệ Quyên, từ Hà Nội qua Thái Lan du lịch tâm sự: “Ý thức của người dân cũng như du khách khi đến viếng chùa Phật Ngọc rất hay. Mọi người đều rất thành kích, đặc biệt là không có cảnh khói hương nghi ngút trong chùa”.
Du khách và người dân Thái Lan dán những miếng giấy vàng để cầu mong điều tốt lành cho gia đình |
Theo tục lệ của người Thái, trước đây, sau khi thắp hương và đốt nến, du khách thường dán những miếng giấy vàng vào từng vị trí trên tượng Phật để cầu xin ước nguyện của mình.
Chẳng hạn, dán vào miệng để cầu việc buôn bán được may mắn, nói năng dễ nghe, được nhiều người yêu thích; dán vào trái tim thì được hạnh phúc; dán vào tai thì ông bà, cha mẹ được thọ lâu, mạnh khỏe…
Sau khi viếng chùa, lễ Phật, khách hành hương thường được các nhà sư làm phép bằng cách buộc vào cổ tay một sợi dây màu trắng và vẩy lên người vài giọt nước và tụng kinh, rồi thỉnh vài tiếng chuông. Người Thái cho rằng, người được các nhà sư làm phép như thế sẽ được Phật phù hộ cho may mắn, mạnh khỏe, bình an.
Hoài Lương