Sách là một kho tàng vô giá gói ghém những kiến thức, kinh nghiệm sống và cả cảm xúc con người. Nếu bạn là một ‘bibliophilia’ (mọt sách), hãy mơ mộng đến một thị trấn thơ mộng, nơi bạn có thể đắm chìm trong những trang sách cả ngày lẫn đêm.
>> 10 thị trấn sách nổi tiếng trên thế giới (Phần 1) <<
Óbidos, Bồ Đào Nha
Óbidos là một thị trấn lịch sử nằm trên đỉnh đồi tuyệt đẹp. Giữa thị trấn là một khu nhà thời trung cổ bé nhỏ với một bức tường bao quanh. Thị trấn cổ kính này có đầy những con đường rải sỏi và những ngôi nhà truyền thống. Trước đây thị trấn nổi tiếng với lễ hội sô cô la hàng năm và là quê hương của loại rượu anh đào ginjinha. Sau đó, José Pinho, chủ của hiệu sách Lisboa Ler Devagar (nghĩa là: Đọc chậm), đã có ý tưởng biến Óbidos thành một thị trấn sách.
Óbidos nổi bật so với hầu hết các thị trấn sách khác ở chỗ trong thị trấn không có thêm các hiệu sách. Các cửa hàng có sẵn ở thị trấn thêm các kệ sách vào khu trưng bày hàng hóa của họ. Thế nên, đến các phòng trưng bày nghệ thuật địa phương bạn sẽ thấy có bán sách nghệ thuật, ở chợ tươi sống có kệ sách nấu ăn đằng sau quầy trái cây tươi và rau quả. Và tương tự, bạn sẽ thấy sách ở các bảo tàng lịch sử, các hãng thiết kế nội thất…
Khách sạn Literary Man trên đường Rua Dom João de Ornelas do nguyên Trưởng thị trấn, ông Telmo Faria điều hành hết sức nổi tiếng đối với du khách. Ông đã kết hợp hết sức tuyệt vời giữa công việc kinh doanh khách sạn và công việc bán sách văn học: Khoảng 50.000 cuốn sách được ông rao bán ngay trong 30 phòng khách sạn.
Một trong những hiệu sách tuyệt nhất là Grande Livraria de Santiago nằm bên trong nhà thờ có từ thế kỷ 13 của thị trấn, cạnh lâu đài Óbidos. Những cuốn sách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau được xếp thành chồng trên bàn thờ cũ, giá sách thay thế bục lễ. Estrada dos Casais Brancos, trước đây là trường tiểu học, là hiệu sách đầu tiên của Bồ Đào Nha chỉ bán các đầu sách dành cho trẻ em.
Óbidos cũng là nơi tổ chức lễ hội văn học quốc tế Folio, thu hút các tác giả được đánh giá cao như Salman Rushdie và VS Naipaul, đồng thời tổ chức các cuộc thi đọc sách, các buổi hòa nhạc và chiếu phim. Trong thời gian tới, thị trấn sẽ biến các ngôi nhà bị bỏ hoang thành không gian làm việc cho các nhà văn, nghệ sĩ và những nhà sáng tạo khác.
Paju, Hàn Quốc
Đứng lẻ loi trong Tổ chức Quốc tế các thị trấn sách là Paju Book City. Nơi đây không có gì khác ngoài hiệu sách, nhà in và tiệm cà phê sách. Mỗi tòa nhà, mỗi cư dân ở thành phố này đều tận tụy viết sách, xuất bản, bán và quảng bá sách Hàn Quốc.
Đây cũng là thị trấn sách có môi trường tự nhiên khắc nghiệt nhất. Ban đầu, nơi đây là một đồng bằng hay bị lũ lụt và lầy lội được khai hoang gần khu phi quân sự và chỉ cách biên giới Triều Tiên vài dặm. Các nhà sáng lập thị trấn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt lợi ích chung lên trên tư lợi cá nhân. Nhiệm vụ cốt lõi của thành phố là in ấn. Người ta muốn xây dựng thành phố thành một nơi giảm tải cho thành phố Seoul đang phát triển quá mức.
Từ năm 1989, các kiến trúc sư và nhà thiết kế quốc tế lớn đã biến Paju thành một địa điểm độc đáo. Người ta xây dựng một ngôi nhà hanok truyền thống của Hàn Quốc ở giữa trung tâm thành phố, đảm bảo cho thành phố Paju hài hòa với môi trường xung quanh. Những con phố yên tĩnh, cây xanh, khung cảnh thanh bình không có xe cộ với những chiếc ghế gỗ và những điểm thú vị khác như đường sắt thu nhỏ chạy quanh cửa hàng sách của trẻ em Alice’s House đã biến thị trấn thành chốn bình yên lạ thường
Những quán cà phê sách có mặt ở khắp mọi nơi, trong đó có quán cà phê Hesse nổi tiếng trên tầng ba của Bảo tàng Pinocchio. Nhà sách Foresta rộng lớn là một khu phức hợp nghệ thuật văn hóa chiếm cứ 3 tầng của Bảo tàng. Không gian ngập tràn sách là sách, du khách có thể vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm những giá sách cao vót từ sàn lên tới tận trần nhà.
Hiện nay, có khoảng 250 nhà xuất bản có trụ sở tại Paju và 10.000 người làm việc ở đây. Những nhân viên làm việc cho thị trấn thường sống ở thành phố khác và đến thành phố bằng xe buýt. Thành phố được chia thành ba khu vực: một khu xuất bản, một khu in ấn và một khu hỗ trợ. Sách được bán ở tầng trệt của các công ty xuất bản và trong các hiệu sách. Cùng với lễ hội sách Booksori hàng năm thu hút tới nửa triệu du khách với một chuỗi các sự kiện kéo dài một tuần rưỡi, còn có những giải thưởng sách Paju cho các nhà văn, biên tập viên và nhà thiết kế châu Á để quảng bá văn hóa của khu vực.
Khu phức hợp Forest of Wisdom có kệ cao 8 mét và một bộ sưu tập 50.000 cuốn sách, trong đó có nhiều sách do các học giả và chuyên gia đóng góp. Tại đây cũng có một khách sạn, vì vậy du khách có thể đọc sách 24 giờ một ngày. Các buổi thuyết trình và câu lạc bộ sách được tổ chức suốt cả năm. Vào tháng 5, Paju tổ chức lễ hội sách cho trẻ em.
Torup, Đan Mạch
Torup là một thị trấn sách hết sức đặc sắc. Ngôi làng Đan Mạch với khoảng 300 cư dân này có thể chia làm hai khu vực. Khu vực cũ được xây dựng từ thế kỷ thứ 11. Khu vực mới được xây dựng kể từ những năm 1990 giờ trở thành ngôi làng sinh thái Økosamfundet Dyssekilde.
Khi Peter Plant, giảng viên đại học và bây giờ chủ tịch của thị trấn sách nghe chương trình phát thanh về thị trấn sách Fjærland ở Na Uy, ông liền nghĩ rằng mô hình này rất phù hợp với Torup. Sau đó, ông thành lập thị trấn sách Torup vào năm 2006. Lễ hội mùa hè đầu tiên do thị trấn sách tổ chức có hơn 2.000 người tham dự.
Năm 2007, 5 xe đẩy có bánh xe mái che chứa đầy sách được đặt ở lề đường để phục vụ cho đọc giả. Sau đó, xe sách loại này được áp dụng cho một quán cà phê sách. Hiện nay số lượng xe sách của thị trấn tăng lên nhiều và được đặt rải rác khắp thị trấn.
Năm 2008, làng tổ chức hội thảo đầu tiên cho các nhà văn triển vọng. Năm 2010, Torup trở thành thành viên của Tổ chức sách quốc tế và năm 2011, nhà ga cũ có từ năm 1916 đã được khôi phục để thành trụ sở của thị trấn sách.
Đến với Torup, du khách sẽ được tự mình khám phá các hiệu sách nhỏ trong nhà để xe, túp lều của công nhân xây dựng, chuồng gia súc bị bỏ hoang, lối vào trang trại, trước cổng nhà thờ hay lối vào siêu thị. Các ý tưởng thiết kế kệ sách đầy sáng tạo được áp dụng cho khắp thành phố, như các chồng sách trong hộp bánh mì và thùng sữa chẳng hạn. Một số nơi bán sách dựa hoàn toàn vào sự trung thực của khách hàng, không cần có nhân viên trông giữ. Hiệp hội sách ở đây cũng tổ chức một Liên hoan sách Bắc Âu hàng năm, các tác giả cùng tọa đàm với bạn đọc, chia sẻ cho nhau những bản nhạc sống và bài học cuộc sống.
Bredevoort, Hà Lan
Bredevoort nằm trong vùng Aalten của Hà Lan, gần biên giới với Đức. Năm 2003, Bredevoort trở thành một thị trấn sách, có khoảng 30 nhà sách và các doanh nghiệp liên quan đến sách trong thời kỳ cao điểm. Đây là thành viên sáng lập của Tổ chức sách quốc tế. Ngày nay, số lượng nhà sách và doanh nghiệp chỉ còn một nữa.
Henk Ruessink, giáo viên và sử gia địa phương, là người đã đưa Bredevoort trở thành một thị trấn sách sau thời kỳ khu trung tâm đậm nét trung cổ của thị trấn phục hồi mạnh mẽ. Lấy cảm hứng từ một chuyến đi đến Hay-on-Wye, và với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ông đã liên lạc với hàng trăm nhà bán sách ở Đức và Hà Lan để tổ chức một ngày đặc biệt để quảng bá về khái niệm thị trấn sách.
Ở thị trấn này, hầu hết các cửa hiệu bán sách theo chủ đề. Hiệu sách ‘the English Bookshop’ thì bán sách lịch sử, văn học anh và sách minh họa. Hiệu sách Scrinium bán các quyển sách bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Sách của tiệm ‘Old Motor Bookshop’ được bày bán trong những chiếc xe hơi và máy kéo. Tiệm sách ‘Boek en Zo’ bán sách toán học, vật lý, hóa học, thiên văn học, y học và sinh học.
Thị trấn cũng có nhiều cửa hàng sách trung thực. Ví dụ tiệm sách mở Horus Huiskamertheatertje, trên phố Hozenstraat. Trong tiệm sách có một nhà hát được mệnh danh là nhà hát nhỏ nhất ở Hà Lan, với chỉ chỗ ngồi 14. Những người kể chuyện, nhà thơ và nhạc sĩ hay biểu diễn tại đây. Tiệm sách Chartae Laudes, trên phố Koppelstraat chuyên phục hồi, đóng sách và bán giấy tờ trang trí thủ công rất đặc biệt vì chỉ mở cửa vào chiều thứ bảy vào tuần thứ ba trong tháng và theo lịch hẹn, .
Mỗi ngày thứ bảy của tuần thứ ba là ngày đặc biệt của thị trấn vì sẽ có chợ sách tại quảng trường ‘t Zand Square, trong đó có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đống sách. Hội chợ sách vào tháng 5 và tháng 8 đã thành một nét truyền thống của thị trấn, thu hút các đại lý sách đến từ Đức, Bỉ và Hà Lan và một hội chợ khác tại Lễ Phục Sinh bán sách giảm giá. Bredevoort cũng là nơi các tiệm cà phê sách phát triển mạnh mẽ. Các tiệm bắt đầu từ nhà thờ Koppelkerk cũ của thị trấn tỏa ra khắp thành phố.
College Street, Kolkata
Vào cuối thế kỷ 18, nhờ công ty Đông Ấn phát triển ngành công nghiệp và mậu dịch địa phương, Kolkata đã trở thành một trung tâm in ấn lớn. Thành phố gìn giữ truyền thống đó mãi đến ngày nay. Hội chợ sách Quốc tế Kolkata, được thành lập năm 1976, hiện là hội chợ sách lớn nhất thế giới.
College Street trên thực tế là một góc ở phía bắc của thành phố Kolkata. Nơi đây đã biến mình thành một thiên đường mua bán sách, còn dân địa phương gọi nơi này là Boi Para (nghĩa là: thuộc địa của sách). Đây là chợ sách cũ lớn nhất trên thế giới, dài khoảng 1,5km, và chạy từ Mahatma Gandhi Road đến Ganesh Chandra Avenue, với một dải dài các quầy hàng trên phố, các hiệu sách truyền thống, nhà xuất bản và các cơ sở giáo dục.
Bạn sẽ thấy nhiều nhà sách đã tồn tại trên 100 năm hoặc hơn. Các sách đa phần là bình dân, đặc biệt có rất nhiều sách giáo khoa, cũng có tiểu thuyết và sách khoa học, tờ rơi và các sách khác, được viết chủ yếu bằng tiếng Ấn Độ và tiếng Anh. Đường xá đông đúc, hổn độn và đông người tạo ra một chốn náo nhiệt đầy màu sắc.
Trong khu chợ bao là này nổi bật lên Nhà sách Quốc gia, Dasgupta & Co (hiệu sách đầu tiên của College Street, được thành lập năm 1886) và Thư viện Bani (một doanh nghiệp do gia đình quản lý trong 5 thế hệ). Một trong những địa danh nổi tiếng nhất dọc theo College Street là Tiệm cà phê Ấn Độ, đối diện với Đại học Tổng thống. Đó là một cửa hiệu trong chuỗi cửa hiệu liên hoàn. Nơi đây có lịch sử lâu dài, là nơi gặp gỡ của giới trí thức, nghệ sĩ, và các chính trị gia, cũng như sinh viên địa phương.
Bạch Vân biên dịch