Tinh Hoa

10 sự thật về nền giáo dục tại Trung Quốc

Một giáo viên từng dạy Tiếng Anh ở 4 ngôi trường phổ thông tại Trung Quốc đã làm một phép so sánh về sự khác biệt trong nền giáo dục giữa Trung Quốc và châu Âu.

Đồng phục học sinh trong một bài giảng về Ngày trái đất, tháng 4, 2016. (Ảnh: Internet)

Sinh sống ở Trung Quốc là điều không mấy dễ dàng. Với dân số hơn 1,3 tỉ người giống như mình, bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cạnh tranh để nổi trội. Vì vậy những đứa trẻ tại Trung Quốc phải trải qua thử thách và học tập vất vả ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.

1. Nhiều trường học không có hệ thống sưởi ấm trung tâm, do đó vào mùa đông, cả giáo viên và học sinh đều phải tự mang áo khoác vào trường học

Hệ thống sưởi ấm chỉ có ở một số trường học tại phía Bắc Trung Quốc. Các tòa nhà ở miền Trung và miền Nam được thiết kế phù hợp với khí hậu nóng bức, điều đó đồng nghĩa với việc khi nhiệt độ giảm dưới 0 độ C, máy điều hòa không khí là phương tiện sưởi ấm duy nhất.

Đồng phục các trường học thì giống nhau với cùng kiểu dáng và chất liệu: đồ thể thao là quần ống rộng và áo jacket, chỉ khác nhau về màu sắc và tên trường được in trước ngực áo. Tất cả các trường đều có cửa sắt khóa chặt và chỉ được mở ra vào giờ tan học.

2. Các ngôi trường ở Trung Quốc tập thể dục khởi động mỗi ngày (và không chỉ là một lần một ngày)

Một buổi sáng điển hình bắt đầu bằng các động tác thể dục, nghe các thông báo, xếp hàng và chào cờ. Sau tiết học thứ 3, các học sinh được hướng dẫn ấn vài huyệt đặc biệt trên cơ thể, nghe các loại nhạc êm dịu và được hướng dẫn để thư giãn đôi mắt.

Ngoài bài tập khởi động buổi sáng, còn có bài tập lúc 2h chiều. Khi nhạc nổi lên, các học sinh đổ ra sân trường, xếp hàng và nhún nhảy theo nhạc.

Học sinh Trung Quốc tập thể dục tại trường học ở Tế Nam. (Ảnh: Internet)

3. Giờ nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng

Trong thời gian này, học sinh được đến ăn trưa tại căng tin của trường. Nếu ngôi trường nào không có căng tin, học sinh sẽ được phát một hộp đồ ăn. Giáo viên được miễn phí suất ăn trưa.

Thông thường người Trung Quốc ăn trưa khá thịnh soạn với 3 hoặc 4 món ngoài cơm, cơ bản gồm 1 món mặn, thường là thịt, một món canh và một món xào. Các trường tư thục có thêm sữa chua và trái cây. Một số trường tiểu học chỉ cho học sinh ngủ trưa vài phút. Vì vậy, có nhiều em học sinh vẫn còn ngài ngủ trong giờ học buổi chiều.

Một giờ nghỉ trưa với trống lưng truyền thống của các em học sinh . (Ảnh: Internet)

Một bữa ăn tiêu chuẩn Trung Quốc tại trường, gồm trứng, cà chua, đậu hủ, bông cải sốt tiêu và cơm.

4. Giáo viên được đối xử rất trân 

Giáo viên được gọi bằng tên với chữ Thầy giáo, hoặc Cô giáo, ví dụ, Thầy Chân, Cô An,… Ở trường, học sinh các lớp đều cúi chào thầy cô mỗi khi gặp nhau.

5. Nhiều trường học dùng hình phạt với học sinh

Một giáo viên có thể đánh học sinh bằng tay hoặc bằng thước nếu học sinh đó phạm lỗi. Trường càng ở vùng xa xôi hẻo lánh thì hình phạt càng nhiều. Một học sinh kể rằng, cậu được giao một số từ mới tiếng Anh để học thuộc lòng, nếu không thuộc một từ sẽ bị đánh 1 roi.

6. Xếp hạng theo dõi học lực chi tiết từ hạng A đến hạng F

Hạng A là tốt nhất với mức điểm số 90 – 100%, F thấp nhất là dưới 59%.  Khuyến khích hành vi tốt là một phần quan trọng của giáo dục. Ví dụ học sinh có thể nhận thêm 1 sao cho một câu phát biểu đúng trong giờ học hoặc một hành vi cư xử lịch sự trong trường học.

Ngược lại cũng có thể bị trừ mất sao khi nói chuyện trong giờ học hoặc có những hành vi không phù hợp với nội quy của trường. Bảng xếp hạng học sinh là một cuộc cạnh tranh mở toàn trường vì nó được đưa lên bảng thông báo và ai cũng có thể nhìn thấy nó.

7. Học sinh Trung Quốc học hơn 10h mỗi ngày

Học sinh trường Khổng Tử Nam Kinh tham gia một buổi nghi thức vẽ tranh vào ngày 1/9 để chuẩn bị năm học mới.. (Ảnh: Internet)

Giờ học thường bắt đầu lúc 8h sáng và kết thúc lúc 3 – 4h chiều. Sau đó các em về nhà và làm bài tập đến tận 10h đêm mới được đi ngủ. Ở những thành phố lớn, học sinh còn phải đi học thêm với gia sư, học âm nhạc, mỹ thuật, tham gia vào các câu lạc bộ thể thao vào cuối tuần. Chúng phải cạnh tranh rất cao mới có thể cầm chắc một suất vào trường Đại học sau khi hoàn thành 12 – 13 năm học phổ thông.

8. Trường học được chia làm hai loại: trường tư và trường công

Học phí ở trường tư khoảng 1.000 USD/tháng (hơn 22 triệu VNĐ/tháng), tuy nhiên chất lượng giáo dục cao hơn rất nhiều so với trường công. Học sinh trường ở đây được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ 2 – 3 tiếng mỗi ngày, và sau 5 – 6  năm các học sinh này có thể sử dụng tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên ở Thượng Hải có một chương trình tài trợ cho các trường công được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.

9. Hệ thống giáo dục khuôn mẫu

Trẻ em đến trường chỉ ngòi vào chỗ và học thuốc lòng tất cả các bài giảng mà thầy cô cung cấp, trong khi giáo viên thì giống như các máy phát tự động các bài giảng mà không cần quan tâm học sinh của mình của hiểu hay không.

Tuy nhiên, ngày nay cũng có nhiều trường học áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại như Montessori hay Waldorf nhằm kích thích sự sáng tạo và chủ động suy nghĩ của học sinh. Dĩ nhiên, các phương pháp này thường được sử dụng tại các trường tư thục, nơi học phí rất cao và dành cho một số lượng hạn chế học sinh.

10. Trẻ em ở các gia đình nghèo không muốn đến trường hoặc được bố mẹ xem là quậy phá thường được đưa vào các trường kungfu

Lớp học ở trường Kungfu. (Ảnh: Internet)

Các em sống ở đó, học từ sáng đến tối. Họ được học đọc và viết cơ bản, điều đó thường không dễ dàng vì tiếng Trung rất khó học. Bị phạt roi bằng roi hoặc bằng tay hoặc đá bằng chân ở đây là điều thường gặp hơn các trường công lập khác.

Tốt nghiệp từ các trường kungfu, các học sinh sẽ trở thành những công dân có kỷ luật, có thể được nhận vào làm giáo viên dạy kungfu và có cơ hội nghề nghiệp tốt. Những giáo viên kungfu nổi tiếng thường xuất thân từ những ngôi trường này. Người ta cũng thường gửi những đứa trẻ ốm yếu vào trường này 1 hoặc 2 năm để chúng có sức khỏe tốt hơn với các bài luyện kungfu hoặc thái cực quyền.

Học sinh luyện thái cực quyền. (Ảnh: Internet)

Dù học ở bất cứ ngôi trường nào, trường công, trường tư hay trường kungfu, học sinh đều phải theo 3 nguyên tắc ngay từ lớp 1: học hành chăm chỉ, kỷ luật nghiêm khắc và kính trên nhường dưới. Học sinh được dạy rằng làm việc gì cũng phải làm bằng hết khả năng của mình.

Khi cạnh tranh với người Châu Âu, vốn được nuôi dưỡng trong môi trường êm ái hơn nhiều, thì thực sự không quá khó với họ bởi vì người Châu Âu không học đến 10h mỗi ngày, ngày nào cũng vậy trong nhiều năm.

Phan Long, theo BrightSide