Suy nghĩ tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu gây tổn hại xấu đến tinh thần bạn. Nó làm giảm khả năng tiếp nhận thông tin, và xử lý mọi chuyện của bạn, thậm chí là khiến bạn trở nên trầm cảm, và xa lánh mọi người xung quanh. Đừng mãi tự nhốt mình trong những suy nghĩ tiêu cực ấy, qua 10 mẹo sau đây có thể giúp bạn xử lý vấn đề này.
Có bao giờ trong đầu bạn chỉ xoay quanh duy nhất một ý nghĩ, hay một chuỗi suy nghĩ mà nó cứ lặp đi lặp lại mãi không?
Quá trình liên tục suy nghĩ về cùng một vấn đề có xu hướng buồn hoặc tăm tối được gọi là ‘suy tư’ hay ‘trăn trở’.
Thói quen suy tư có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần của bạn vì nó có thể kéo dài hoặc tăng cường sự trầm cảm, cũng như làm giảm khả năng suy nghĩ và xử lý cảm xúc của bạn. Suy tư cũng có thể khiến bạn cảm thấy bị cô lập và cũng có thể đẩy mọi người trong cuộc sống ra xa bạn.
Lý do dẫn đến suy tư là gì?
Mọi người thường suy tư vì nhiều lý do. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, một số lý do phổ biến khiến người ta suy tư bao gồm:
- Vì bạn tin rằng nếu suy nghĩ thông suốt, bạn sẽ có được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hoặc một vấn đề nào đó.
- Có tiền sử chấn thương tâm lý hoặc thể chất.
- Đối mặt với những căng thẳng đang diễn ra mà không thể kiểm soát được.
Suy tư cũng phổ biến ở những người có đặc điểm cá tính nhất định, bao gồm chủ nghĩa cầu toàn, hoặc thường hay rối loạn thần kinh và tập trung quá mức vào các mối quan hệ với người khác.
Bạn có thể có xu hướng đánh giá quá cao mối quan hệ của mình với những người khác, đến mức hy sinh bản thân quá nhiều để duy trì những mối quan hệ đó, ngay cả khi việc làm đó không có tác dụng gì.
Mẹo để giải quyết những điều khiến bạn suy tư trăn trở
Một khi bạn bị mắc kẹt trong vòng tròn suy nghĩ luẩn quẩn thì sẽ chẳng dễ dàng gì thoát khỏi nó. Nếu bạn rơi vào vòng lặp suy nghĩ như vậy, việc quan trọng là bạn phải ngăn chặn chúng càng nhanh càng tốt, không cho chúng trở nên trầm trọng hơn.
Khi một quả bóng lăn xuống dốc, chúng ta có thể dễ dàng ngưng lại suy nghĩ của mình ngay từ lúc chúng mới bắt đầu lăn và vẫn còn đang chậm rãi, hơn là khi chúng đã di chuyển quá nhanh.
Vậy, bạn có thể làm gì để ngăn chặn những suy nghĩ ám ảnh này diễn ra trong đầu?
Dưới đây là 10 mẹo khắc phục khi bạn bắt đầu suy nghĩ luẩn quẩn:
1. Làm phân tán tư tưởng bản thân
Khi bạn nhận ra mình đang bắt đầu suy tư điều gì, hãy làm gì đó để gây phân tán tư tưởng, như vậy sẽ có thể giúp bạn ngừng suy nghĩ. Nhìn xung quanh, nhanh chóng chọn một cái gì đó khác để làm, và không cho đầu óc có cơ hội suy nghĩ thêm gì nữa. Hãy thử:
- Gọi điện cho bạn bè hoặc người thân
- Làm việc nhà
- Xem phim
- Vẽ tranh
- Đọc sách
- Đi dạo quanh khu phố nhà bạn
2. Lên kế hoạch hành động
Thay vì lặp đi lặp lại cùng một suy nghĩ tiêu cực, hãy lấy suy nghĩ đó và lập nên kế hoạch hành động để giải quyết nó.
Hãy phác thảo trong đầu bạn từng bước cần thực hiện để giải quyết vấn đề hoặc viết nó ra giấy. Càng cụ thể càng tốt và cũng nên thực tế một chút.
Làm như vậy sẽ giúp phân tán sự suy tư của bạn. Nó cũng sẽ giúp đỡ bạn trong nỗ lực gạt bỏ những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu hoàn toàn.
3. Hành động
Một khi bạn đã vạch ra một kế hoạch hành động để giải quyết những suy nghĩ lẩn quẩn của mình, thì hãy bắt tay vào hành động để giải quyết nó. Tham khảo kế hoạch bạn đề ra rồi giải quyết những khúc mắc đang ám ảnh bạn.
Thực hiện từng bước một chậm rãi, từ từ cho đến khi tâm trí của bạn thoải mái trở lại.
4. Đặt vấn đề cho những suy nghĩ của bạn
Chúng ta thường trăn trở khi nghĩ rằng mình đã mắc một sai lầm lớn hoặc khi một điều gì đó đau buồn xảy ra mà chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với nó.
Nếu bạn bắt đầu trăn trở điều gì khiến bản thân cảm thấy khổ tâm, hãy thử làm rõ suy nghĩ đó.
Hãy nghĩ nhiều hơn về việc những điều khổ tâm của bạn thật ra chẳng có gì đáng lo cả, như vậy bạn sẽ nhận ra chúng chả có gì phải nghĩ ngợi nhiều và dần dần thôi trầm tư.
5. Điều chỉnh lại mục đích sống
Chủ nghĩa cầu toàn và việc thiết lập mục tiêu không thực tế có thể khiến bạn hay suy tư lo lắng. Nếu bạn đặt mục tiêu không thực tế, bạn sẽ bắt đầu tập trung suy nghĩ xem tại sao mình chưa đạt được mục tiêu hoặc bạn đáng ra nên làm những gì để đạt được mục tiêu đó.
Đặt ra những mục tiêu thực tế hơn mà bạn có khả năng đạt được có thể giúp bạn bớt suy nghĩ thái quá về việc làm của mình.
6. Củng cố sự tự tin của bản thân
Luôn tự tin trong nhiều vấn đề là một việc làm quan trọng giúp tâm trạng của bạn tốt hơn và giảm nguy cơ gây trăn trở.
Nếu bạn chỉ có ít niềm tự hào trong đời, chẳng hạn như nhà cửa hay con cái, bạn có thể sẽ đánh mất sự tự tin nếu như phải bán nhà hoặc nếu con bạn chuyển đi nơi khác.
Càng có nhiều điều để tự tin, bạn sẽ càng bớt trăn trở về những thiếu sót của mình.
7. Tập ngồi thiền
Thiền định có thể làm giảm bớt suy tư, lo nghĩ vì nó sẽ giúp bạn tịnh tâm, đạt đến một trạng thái cảm xúc an tĩnh.
Khi bạn cảm thấy mình đang mắc vào một vòng lặp suy nghĩ luẩn quẩn, hãy tìm đến một không gian yên tĩnh. Ngồi xuống, hít thở sâu, và không tập trung vào chuyện gì khác ngoài việc hít thở.
8. Hiểu về tình trạng hiện tại của bạn
Mỗi khi thấy mình đang suy tư, lo nghĩ điều gì, hãy ghi nhớ trong đầu tình hình hiện tại của bạn, bao gồm việc bạn đang ở đâu, vào thời điểm nào trong ngày, có ai đang ở xung quanh bạn và những gì bạn đã làm trong ngày hôm đó.
Tìm cách tránh hoặc giải quyết những điều này có thể khiến bạn bớt suy nghĩ hơn.
9. Trò chuyện với bạn bè
Những trăn trở có thể làm cho bạn cảm thấy bị cô lập. Chia sẻ tâm tư của bạn với một người bạn có thể mang đến một cái nhìn của người ngoài cuộc sẽ giúp bạn phá vỡ vòng lặp suy tư trong đầu bạn.
Nhưng hãy chắc rằng bạn chia sẻ với một người có thể mang đến cho bạn cái nhìn khác thay vì nghe bạn than vãn rồi cũng trở nên suy tư như bạn.
10. Thử áp dụng các giải pháp trị liệu
Nếu những trăn trở đang chiếm lấy cuộc sống của bạn, bạn hãy cân nhắc đến việc điều trị. Bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn xác định lý do tại sao bạn trở nên trầm tư như vậy và làm thế nào để giải quyết những vấn đề cốt lõi gây nên trăn trở cho bạn.
Thay đổi lối sống
Nếu bạn thường hay suy tư trong một thời gian dài và muốn kết thúc những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại trong đầu mình, bạn có thể áp dụng một số thay đổi đơn giản sau đây.
Hãy cố gắng chủ động giải quyết vấn đề của mình
Đầu tiên, hãy xác định các vấn đề trong cuộc sống của bạn và sau đó bắt đầu hành động để giải quyết chúng, từng bước một.
Đặt kỳ vọng cho riêng bạn
Những suy nghĩ tiêu cực có thể len lỏi vào tâm trí khi chúng ta tự vấn về giá trị của bản thân mình. Hãy khen ngợi bản thân vì những thành công mà bạn đạt được và tha thứ cho chính mình vì những sai lầm đã mắc phải. Thường xuyên củng cố lòng tự tôn trong bạn bằng cách chăm sóc bản thân và làm những điều bạn thích hay sở trường của bạn.
Tạo nên một hậu phương hỗ trợ
Có bên cạnh những người bạn và các thành viên trong gia đình, hay có thể là một bác sĩ chuyên khoa, bất kỳ ai có thể nhờ giúp đỡ khi bạn không ổn hoặc có một ngày tồi tệ, là một điều quan trọng. Những người đặc biệt này có thể giúp bạn thoát khỏi dòng suy nghĩ lẩn quẩn và còn có thể củng cố lòng tự trọng của bạn.
Chúng ta có thể ngăn chặn suy tư
Suy tư là một vòng lẩn quẩn những suy nghĩ độc hại liên quan đến trầm cảm hay những tổn thương và sự thiếu tự tin. Nếu bạn là người hay suy tư, điều quan trọng là phải biết cách dừng vòng lặp suy nghĩ của bạn trước khi nó trở nên mất kiểm soát.
Quan trọng là bạn phải chủ động và từng bước hành động để ngăn bản thân không vướng vào những trăn trở ngay từ đầu.
Với nhận thức và một số thay đổi về lối sống, bạn có thể tự giải phóng mình khỏi những suy tư.
Tác giả: Erica Cirino
>>> Dành cho những ai đang chán việc: “Hôm nay đi làm có vui không?”
>>> Lợi ích của việc làm người tốt…
Hồng Liên, Theo Epoch Times