Nếu đang cảm thấy thiếu hụt cơ hội việc làm trong nước, bạn có thể thử tìm đến một nơi lạ lùng như Trung Quốc. Chính quyền nước này đang có một danh sách hàng loạt các ngành nghề kỳ dị, đi kèm với chính sách cũng kỳ lạ không kém.
10. Giám khảo phim đen
Nếu là người hứng thú với các phim có tính chất gợi cảm thì Trung Quốc có thể là nơi hấp dẫn cho bạn.
Trung Quốc có bộ phận tuyển dụng nhân viên vào vị trí “giám khảo phim”. Công việc hàng ngày là lướt web để xem các phim khiêu dâm. Một số nhân viên tiết lộ, họ thường phải xem từ đầu đến cuối khoảng 700 video mỗi tuần để kiểm tra có phần nào cần kiểm duyệt hay không. Nếu video được coi là không lành mạnh theo “tiêu chuẩn kiểm duyệt của Trung Quốc”, các giám khảo này sẽ thực hiện nhiệm vụ xóa hoặc chặn các video này nhằm bảo đảm một “nhà nước trong sạch và lành mạnh”.
Nhân viên được tuyển vào đây yêu cầu phải là người đã lập gia đình. Tuy nhiên, bạn có thể tham gia cho vui mà không cần quan tâm đến mức lương 32.000 USD/năm; hiện có hơn 3.000 tình nguyện viên cả nam lẫn nữ đang làm công việc này cho Hiệp hội Internet Bắc Kinh.
9. Cày game thuê
Tại Mỹ, lao động cho tù nhân thường giới hạn trong những việc như sản xuất biển số xe hay đóng sách chữ nổi cho người mù. Ở một số trại giam Trung Quốc, các tù nhân thường bị bắt lao động sản xuất không từ một mặt hàng nào, miễn là hái ra tiền, trong đó bao gồm cả việc cày game thuê. Thực sự, công việc “cày cuốc” ở đây không dễ thở chút nào.
Ước tính đang có khoảng 100.000 tù nhân ở Trung Quốc đang làm công việc cày game thuê. Các tù nhân bị ép làm việc 12 giờ mỗi ngày ngồi trên máy tính cày cuốc các loại vàng, tiền game phổ biến như World of Warcraft. Sẽ không có chuyện chơi hay giải trí, các tù nhân phải cày các loại tiền ảo trong game bằng những công cụ hay thao tác lặp đi lặp lại. Các khoản tiền ảo thu được cuối ngày sẽ được chuyển cho nhà tù, để bán lại trên thị trường game quốc tế.
Mỗi tù nhân được khoán chỉ tiêu số lượng tiền ảo phải đạt được hàng ngày. Để khuyến khích, các cai tù sẽ thưởng cho ai vượt mức quy định này. Hầu hết tù nhân đều không nhận được tiền từ lợi nhuận cày game. Mặt khác, tù nhân nào không hoàn thành chỉ tiêu, sẽ bị đánh đập và nhận các biện pháp trừng phạt khác.
8. Biểu tình được trả lương
Cuộc biểu tình dân chủ của giới sinh viên Hồng Kông thời gian đầu phong trào có những bước tiến triển thuận lợi cho đến khi xuất hiện Bên thứ 3, những người biểu tình “chống biểu tình”.
Chính phủ đại lục chi tiền thuê đội quân cả hơn 100.000 người khăn gói qua Hồng Kông để thực hiện mục đích phân hóa, chia cắt đội hình và biểu tình “chống biểu tình”. Dĩ nhiên là biểu tình phải đi kèm với lý do “chính đáng”, nên một nhân vật thân chính quyền đại lục là bà Laura Cha, thành viên Hội đồng Hành chính Hồng Kông đã đứng lên phát biểu, “nô lệ Mỹ đã được giải phóng vào năm 1861 nhưng không được công nhận quyền bỏ phiếu cho đến 107 năm sau. Vậy thì tại sao không thể để Hồng Kông chờ thêm một thời gian nữa?”.
Khi Cách Mạng Ô thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới, chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lao vào tìm mọi cách có thể để chấm dứt hoạt động của nhóm người ngày. Theo BBC, giai đoạn sau của phong trào xuất hiện nhiều người biểu tình giả được ghi hình lại, những người chống biểu tình này được trả công khoảng 100 USD, chủ yếu là dân đến từ các huyện nghèo, được người đứng ra tổ chức đưa rước bằng xe buýt. Ngoài la hét phản đối biểu tình, những người này còn cố ý gây hấn để buộc cảnh sát vào cuộc giải tán người biểu tình thực thụ.
7. Cảnh sát mạng
Nghề phổ biến nhất ở Mỹ là nhân viên bán hàng, với gần 4,5 triệu việc làm. Kế tiếp là y tá 2,7 triệu, nhân viên phục vụ bàn 2,3 triệu. Trong khi đó ở Trung Quốc danh sách này có một nghề hơi kỳ dị đó là: cảnh sát mạng. Chính quyền Trung Quốc thuê mướn khoản 2 triệu nhân viên để làm công việc giám sát việc sử dụng internet của người dân Trung Quốc.
Theo chính quyền Trung Quốc, lực lượng lao động này thực hiện công việc khảo sát thói quen người dùng Internet. Tuy nhiên, mục đích thực sự của họ là ngăn chặn những lời chỉ trích chống đối ĐCSTQ. Công việc hàng ngày là dò la nghe ngóng dư luận trên mạng, ngăn chặn việc phát tán nội dung bất lợi cho chính phủ, “kiểm duyệt” và ngăn chặn người sử dụng Internet đại lục tiếp cận các thông tin này bằng cách chặn IP.
Họ có một danh sách đen từ khóa và thuật ngữ tìm kiếm cụ thể. Nếu người dùng Internet tìm kiếm từ ví dụ như “Đức Đạt Lai Lạt Ma”, công cụ điện tử sẽ báo động và kích hoạt kiểm duyệt, và kết quả tìm kiếm sẽ bị chặn. Nếu một website tin tức có máy chủ ở Trung Quốc bị phát hiện chứa bất kỳ từ “nhạy cảm” nào, biện pháp nhẹ nhàng là chủ website sẽ được “hỏi thăm” và yêu cầu gỡ bỏ nội dung, nặng hơn thì bị đóng cửa website hoặc bắt giam để trừng phạt.
Tất nhiên là người sử dụng Internet Trung Quốc phải tìm cách thích nghi với kiểm duyệt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cũng không tránh khỏi tai bay vạ gió. Trong năm 2008, một giáo viên bị bắt và kết án một năm lao động trong trại cải tạo vì đăng tải hình ảnh trường học bị sập do không được chính quyền quan tâm sửa chữa đúng mức. Và gần đây nhất là nhiều trường hợp bị bắt giữ vì truyền tin nhắn online kêu gọi người dân đại lục sang Hồng Kông ủng hộ biểu tình dân chủ.
6. Nhân viên “ma”
Có lẽ đây là công việc hấp dẫn nhất tại Trung Quốc khi nhân viên được trả lương mà không phải làm gì cả. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang có khoảng 160.000 nhân viên được cho là đã nghỉ việc nhưng vẫn tiếp tục nhận lương đều đặn hàng tháng.
Hầu hết các nhân viên ma này đều có mối quan hệ nào đó với các quan chức cán bộ chính quyền Trung Quốc. Một trong những vị trí “ma” được trả lương cao nhất là chức vụ của con trai lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Nhân vật này nhận một mức lương là 195.000 USD/năm nhưng lại không bao giờ đi làm.
Ngoài nhân viên “ma”, Trung Quốc còn có thành phố “ma”, những thành phố xa hoa và tiện nghi nhưng lại…không ai ở.
5. Tháp tùng các nhà bất đồng chính kiến đi nghỉ mát
Chính quyền Trung Quốc cung cấp các chuyến nghỉ mát bắt buộc đối với những người bất đồng chính kiến, hay đúng hơn là thành phần chống đối, bạn đồng hành trên các chuyến đi là … cảnh sát. Khi chính quyền có kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn thu hút sự chú ý của thế giới, họ sẽ tiến hành tập hợp các thành phần bất đồng chính kiến lại và đưa đi nghỉ mát, xa khỏi sự chú ý của công chúng và truyền thông.
Một cảnh sát có nhiệm vụ đi cùng “khách du lịch” nghỉ ngơi tại khách sạn sang trọng cùng những bữa ăn thịnh soạn có khi lên đến 160 USD/phần, nhưng mọi diễn biến đều phải trong tầm quan sát của cảnh sát dù “khách” có muốn hay không.
4. Gấu trúc chuyên nghiệp
Nếu bạn từng thấy gấu trúc trong một sở thú nào đó, thì hẳn chúng đã được trả tiền để có mặt ở đó, hay nói cách khác chú gấu trúc ấy là một nhân viên nhà nước.
Bởi Trung Quốc độc quyền về giống gấu trúc khổng lồ; nên tất cả gấu trúc tại mọi sở thú ở khắp nơi trên thế giới điều thuộc về chính quyền Trung Quốc và được nước này cho thuê lại. Thu nhập hàng năm từ việc cho thuê gấu trúc ở các sở thú trên thế giới mang về cho Trung Quốc hàng triệu USD. Các dịch vụ cho thuê có hợp đồng 10 năm và thường được gia hạn thêm sau khi đã kết thúc thời hạn.
Chính quyền nước này còn hái ra tiền từ chương trình nhân giống gấu trúc. Cặp gấu cho thuê nào đẻ ra gấu con thì sở thú đó phải chi khoản 600.000 USD cho Trung Quốc. Nếu bất kỳ con gấu trúc cho thuê nào bị chết do sai sót trong việc chăm sóc, sở thú này có thể bị phạt đến 500.000 USD. Lý do giải thích cho khoản tiền này là dùng vào bảo tồn giống loài quý hiếm.
3. Tin tặc
Tại Trung Quốc, phần lớn các hacker đều là nhân viên nhà nước. Chính quyền nước này trang bị và trả lương cho một đội ngũ tin tặc đông đảo để tấn công vào các mục tiêu “thù địch”, hoặc triển khai các điệp vụ đánh cắp thông tin công nghệ và bản quyền.
Trong Tháng 11/2014, các hacker của chính quyền Trung Quốc đã tổ chức tấn công vào mạng máy tính hệ thống Bưu chính Hoa Kỳ. Đánh cắp nhiều dữ liệu quan trọng từ hãng USPS, trong đó có cả thông tin cá nhân của nhân viên và khách hàng công ty.
Năm 2010, các tin tặc này bắt tay vào nhiệm vụ tương tự khi đột nhập vào mạng máy tính của Google. Sau khi đạt được quyền truy cập, các hacker đã đánh cắp nhiều thông tin “nhạy cảm” bao gồm cả lệnh của tòa án liên quan đến vụ cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị tố cáo nghe lén người dùng.
Hacker Trung Quốc cũng nhắm vào mạng máy tính của các nhà thầu quân sự lớn nhiều lần trong năm, theo một điều tra của thượng viện Mỹ. Họ đánh cắp quyền truy cập email, tài liệu, mật khẩu, mã số và chi tiết các chuyến bay của các nhà thầu quyền lực nhất của Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ chế tạo vũ khí và thiết bị quân sự.
Năm 2008, họ chọc giận các chính trị gia Mỹ khi đột nhập vào mạng máy tính của cả Barack Obama và thượng nghị sĩ John McCain trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Chứng cứ chơi xấu vô tình bị lộ khi các nhà ngoại giao Trung Quốc liên lạc với người của McCain để phản đối ứng cử viên đảng Cộng hòa vì đã lên tiếng bênh vực cho Đài Loan, cái gai trong mắt của ĐCSTQ lâu nay. Chuyện khôi hài là vấn đề mà Trung Quốc muốn phản đối vẫn còn đang nằm trong kế hoạch soạn thảo của McCain, chưa được công bố ra và thậm chí còn chưa được gửi tới tổng thống Đài Loan.
2. Thu hoạch nội tạng người sống
Đất nước của hơn một tỉ dân số, Trung Quốc có rất nhiều người cần cấy ghép nội tạng. Trong một danh sách 300.000 bệnh nhân đăng ký chờ cấy ghép hàng năm, nhưng đôi khi chỉ có chừng 30 ca là được tiến hành cấy ghép.
Văn hóa Trung Quốc tránh xa việc hiến tạng. Tư tưởng truyền thống rất kiêng kị việc động vào nội tạng trước khi thi thể được đem đi chôn cất. Kết quả làm cả nước phải đối mặt với thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu cho các ca cấy ghép cho bệnh nhân trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, năm 1984 chính quyền Trung Quốc đã nghĩ ra thứ gọi là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt này bằng cách thông qua một đạo luật cho phép thu hoạch nội tạng từ tử tù, bất chấp có được đồng ý của tù nhân hay không. Có báo cáo ghi nhận, một số tù nhân vẫn còn sống khi nội quan bị mổ lấy đi.
Hoạt động này được tiến hành âm thầm và có hệ thống. Trung Quốc gần đây đã xử tử hình gấp bốn lần số tử tù cả thế giới cộng lại. Sau đó là phổ biến chương trình ghép tạng lớn nhất thế giới, lên đến khoản 13.000 ca ghép tạng mỗi năm thời điểm 2004. Trong năm 2009, người ta ước tính rằng khoảng 65% các bộ phận cấy ghép ở Trung Quốc có xuất xứ từ cơ thể tù nhân.
Hệ thống mổ cắp nội tạng này lần đầu tiên được trình bày chi tiết một cách sống động vào năm 2001 khi một bác sĩ Trung Quốc xin tị nạn nói với các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ về kinh nghiệm của mình. Các điều tra mới nhất gần đây cho thấy ngoài tù nhân, nhóm thực hành tâm linh Pháp Luân Công ở đại lục, là nạn nhân chủ yếu của việc mổ cắp nội tạng quy mô lớn này.
1. Đội quân 5 xu
Đối với những ai tự hào về thành tích “chém gió” trên Internet thì không những có thể theo đuổi niềm đam mê hơi quái gỡ này, mà còn kiếm được tiền một cách hợp pháp. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải biết tiếng Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc thuê khoảng 300.000 nhân viên để làm dư luận viên Internet chuyên đăng các bình luận và phản hồi có lợi cho nhà nước. Họ được gọi là đội quân 5 xu, bởi vì họ kiếm được khoảng 5 xu cho mỗi bài viết hay tham gia bình luận.
Những dư luận viên này sẽ gây phân tán, đánh lạc hướng, tạo chia rẽ bất kỳ thông tin bài viết nào gây bất lợi cho chính quyền, hoặc thậm chí nhảy vào bình luận tràn ngập theo một kế hoạch “sách vở” nhằm làm mất tính chính thống của thông tin. Mỗi dư luận viên sẽ nhận được email hướng dẫn hàng ngày với đường dẫn tới các bài viết online cần đến “dư luận viên” cùng mục tiêu cụ thể. Mỗi dư luận viên thường tạo nhiều tài khoản khác nhau để làm tràn ngập phần bình luận hoặc ít nhất cũng gây tranh cãi, làm loãng chủ đề.
Bruce Phan – theo List Verse