Từng là một cô gái xinh đẹp, thông minh, nhưng cuộc đời cô đã rơi vào cảnh nghiệt ngã khi bị bắt giam phi pháp và chịu đủ loại tra tấn tàn nhẫn trong 1.828 ngày…
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở thành phố Đại Khánh, Hắc Long Giang, Chen Jing (42 tuổi) từng là một cô gái xinh đẹp, học lực xuất sắc và vượt trội về mọi mặt.
Tuy nhiên khi lên đại học, Chen bị chính quyền Trung Quốc nhắm đến chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo từ năm 1999. Chen bị công an địa phương quản thúc tại nhà, đe dọa đuổi học và dọa bỏ tù.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm bác sĩ một năm tại Bệnh viện Trung ương Giai Mộc Tư. Cho đến một ngày, công việc của cô cũng bị tước đoạt và cô bị đuổi khỏi bệnh viện vì đức tin của mình.
Vào chiều ngày 21/1/2016, hàng chục cảnh sát đến bắt giữ Chen tại nơi ở rồi đưa cô đến Trung tâm giam giữ thành phố Gia Mộc Tư vào ngày hôm sau. Và đó là sự khởi đầu của 5 năm kinh hoàng.
Bị tra tấn thảm khốc
Ngày 23/1/2016, Chen được đưa từ trại tạm giam đến một Chi nhánh của Sở Công an Gia Mộc Tư để thẩm vấn. Một sĩ quan nói với những công an khác: “Các người có đánh chết cô ta cũng không thành vấn đề. Đó là lệnh của cấp trên”.
Rồi họ trói tay cô và treo lên không trung. Cánh tay cô nhanh chóng tê dại, cô cảm thấy đầu và thân trước nặng không chịu nổi. Cô ướt đẫm mồ hôi vì cơn đau hành hạ.
Sau đó, một sĩ quan ấn đầu cô xuống trong khi một người khác nhấc chân cô lên để người cô bị treo song song với mặt đất. Rồi họ giật mạnh chân cô, quăng người cô vào tường và nói: “Đây được gọi là trò ‘Lái máy bay”.
Sau nhiều lần va vào tường, cơ thể cô đầy vết bầm dập, cột sống bị thương nặng. Một viên công an còn bẻ gãy tất cả các ngón tay cô. Cô đã bị tra tấn trong nhiều ngày liên tiếp và không thể ngủ vào ban đêm vì những cơn đau khủng khiếp hành hạ. Cô cao 1,6m nhưng cân nặng lúc đó giảm xuống chưa đầy 45 cân.
Đó chỉ là một phần những màn tra tấn mà Chen đã phải chịu trong lúc thẩm vấn.
Khi vào Nhà tù Hắc Long Giang nữ, cô còn bị tra tấn khủng khiếp hơn như liên tục bị đánh, đá, tát vào mặt, bị lột quần áo và véo núm vú, bị cai ngục nhổ hết móng tay, bị chọc vào mắt và xiên tăm vào mí mắt lúc nửa đêm để cấm ngủ, bị dội nước lạnh, bị bắt ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ và trói băng keo từ đầu đến chân trong thời gian dài… ĐCSTQ đã tra tấn Chen với mục đích duy nhất là buộc cô phải từ bỏ đức tin.
“Một khi tôi từ bỏ đức tin tôi sẽ được trả tự do. Nếu không, tôi sẽ bị kết án. Điều này chẳng phải có nghĩa là tôi hoàn toàn vô tội sao?”, Chen hỏi cảnh sát tại trại giam. “Đưa ra phán quyết sai sự thật và sai luật mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào là một tội ác”, cô nói.
Nhưng rồi Chen vẫn bị bỏ tù 5 năm chỉ vì kiên định với đức tin của mình. Cô bị tra tấn tàn nhẫn đến mức bị liệt và phải nằm một chỗ 3 tháng.
“1.828 ngày đêm đó, mỗi phút, mỗi giây, mỗi cảnh tượng đều khắc sâu trong tâm trí tôi và sẽ không bao giờ có thể xóa nhòa”, Chen Jing nói sau khi được thả vào mùa đông năm 2021.
“Là một người sống sót sau cuộc đàn áp của ĐCSTQ, tôi phải ghi lại cuộc bức hại Pháp Luân Công và phơi bày nó với thế giới”, cô Chen nói với tờ Epoch Times tiếng Trung.
Trao đổi với Epoch Times, một luật sư nhân quyền ẩn danh cho biết: “Ở Trung Quốc, độc lập tư pháp về cơ bản là không tồn tại”. “[Phương pháp] “chuyển hóa” của ĐCSTQ là cưỡng chế kiểm soát não bộ và thay đổi tư tưởng, niềm tin của con người. Nó vượt xa những gì luật pháp cho phép, và là một hành động bất hợp pháp, đàn áp, tội ác và phản nhân loại”, luật sư nói.
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các trung tâm giam giữ, trại lao động và nhà tù đã tra tấn các học viên Pháp Luân Công bằng vô vàn hình thức khác nhau để buộc họ từ bỏ đức tin. Và cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)