Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), có 4/12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc.
Theo đó, các dự án thua lỗ nghìn tỷ sử dụng vốn vay từ Trung Quốc có thể kể đến như: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Thông tin vừa được Bộ KHĐT cho biết trong báo cáo quản lý, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn 2018 – 2020, hướng đến 2025.
Trong báo cáo lần này, Bộ KHĐT lưu ý những bất cập trong các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc như: lãi suất cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp 2 lần so với các thị trường khác; điều kiện vay kém ưu đãi; yêu cầu chỉ định thầu cho các công ty Trung Quốc; các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường xuyên bị chậm tiến độ, đội vốn…
“Vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm”, báo cáo của Bộ KHĐT chỉ ra.
Đó là mức lãi xuất cao hơn nhiều lần so với các khoản vay từ Nhật Bản (0,35% – 1,2%); Hàn Quốc (0% – 2%); Ấn Độ: 1,75%…
Theo Bộ KHĐT, trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Trong đó, nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ, bị đội vốn lên tới 10.000 tỷ đồng; nhà máy Đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỷ đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỷ đồng; dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD
Một trong những lý do dẫn tới hiệu quả kém của các dự án trên, theo Bộ KHĐT, là do các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc thường đi kèm với yêu cầu sử dụng nhà thầu và máy móc, thiết bị từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng thường xuyên chậm tiến độ, đội vốn làm tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.
“Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ và lựa chọn nhà thầu… khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh”, Bộ KHĐT cho hay.
Bên cạnh đó, rủi ro biến động tỷ giá cũng tác động đáng kể đến hiệu quả của dự án, đặc biệt là sự lên giá của đồng tiền ODA vay ưu đãi so với đồng VND có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ, nợ công.
Cụ thể, việc tỷ giá USD tăng cao kể từ giữa tháng 6/2018 đến nay đã khiến tổng nợ nước ngoài của Việt Nam tăng thêm khoảng 1,3 tỷ USD, tương đương tăng hơn 29.000 tỷ đồng tiền nợ vì tỷ giá.
Theo thống kê của Bộ KHĐT, tính đến nay, Việt Nam đã ký vay tổng cộng 84 tỷ USD vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến năm 2017 là 2,45 triệu tỷ đồng. Với sự tăng thêm do chênh lệch tỷ giá hiện tại, khối nợ nước ngoài có thể còn tăng cao hơn nữa trong năm 2018.
Đáng chú ý, tốc độ tăng tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam đang rất nhanh, nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2016 – 2020 đã vượt gấp đôi mức trần cho phép, lên tới 600.000 tỷ đồng.
Với những đánh giá trên, Bộ KHĐT cho rằng trong thời gian tới cần “xem xét, cân nhắc” và “nên hạn chế vay vốn ưu đãi từ Trung Quốc”.
Theo Trithucvn