Người Đài Loan và câu nói nằm lòng “không bỏ vào miệng đồ ăn Trung Quốc”

30/05/16, 08:26 Tin Tổng Hợp

Bước xuống sân bay Đào Viên, tôi lần đầu tiên chạm mặt đảo quốc Đài Loan. Cái nắng không quá gay gắt khiến hành trình khám phá đất nước này trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.

Dù là hẻm hốc hay đại lộ, những con đường tại Đài Loan đều là con đường không rác. (Ảnh: Internet)

Ấn tượng đầu tiên đối với tôi khi đặt chân trên những tuyến đường Đài Bắc là các “con phố không rác”. Vâng, ngay cả một ngóc ngách hẻm phố hay trên những dòng sông, tôi cũng không bắt gặp một chiếc chai hay mảnh giấy rơi vãi, có chăng chỉ là những chiếc lá vàng rơi phủ đầy con phố “mộng tưởng” của Đài Loan.

Đài Loan là một đảo quốc nên dĩ nhiên hành trình của chúng tôi là đi thăm biển. Biển Đài Loan thật sự không đẹp, nó thua xa những khu resort biển xanh cát trắng ở Việt Nam. Đến Đài Loan, bạn chẳng tài nào chụp được một tấm hình lung linh với biển trời bao la, cũng chẳng có một bãi biển tuyệt mỹ để bạn phơi mình trong nắng hay xây lâu đài cát rồi nằm chờ những cơn sóng tràn vào mang theo niềm vui bọt biển.

Biển Đài Loan gai góc, thềm biển dốc đứng nên đáy biển sâu thẳm, nó có thể nuốt chửng bạn nếu vô tình sẩy chân. Ấy thế mà lãnh đạo Đài Loan vẫn quyết tâm sẽ tăng thu nhập quốc dân từ ngành du lịch biển, bởi họ biết khai thác thế mạnh từ một vùng biển dẫu không đẹp nhưng “độc”.

Nếu đến vùng mũi đất Dã Liễu, bạn sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về khối đá Nữ Vương kiêu hãnh, cùng vô số những khối đá bị sóng biển bào mòn. Bạn có thể thoải mái ngắm nhìn rồi gọi tên chúng theo khả năng tưởng tượng của mình.

Khối đá Nữ Vương Đầu tại vườn địa chất Dã Liễu, Đài Loan. (Ảnh itb.com.tw)

Trong cái không khí mát dịu ở Đài Bắc vào tiết trời tháng 4, bạn không thể bỏ qua món trứng trà, món trứng luộc trong nước trà pha các loại thảo mộc. Món trứng đặc sản này chỉ thoảng nhẹ vị thuốc bắc để người thưởng thức vốn bị ảm ảnh với thuốc thang không cảm thấy sợ. Ngược lại, ăn 1 quả lại muốn thêm 1 quả nữa.

Món trứng trà, đặc sản của Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Và khi đã đi nhiều nơi, mồ hôi đã bắt đầu túa ra, bạn đừng quên thưởng thức trái cây Đài Loan. Nhiều du khách rỉ tai nhau rằng, đến Đài Loan lần này tranh thủ mà ăn rau quả, trái cây không thuốc, chứ về Việt Nam là hết cơ hội.

Vâng, điều này hoàn toàn là sự thật, sản phẩm nông nghiệp Đài Loan là niềm tự hào của quốc gia này, bởi nông dân và ngành nông nghiệp được nhà nước rất mực “cưng chiều”. Chính quyền và người dân đồng lòng thực hiện tiêu chí “không bỏ vào miệng đồ ăn Trung Quốc”.

Theo đó, nông nghiệp Đài Loan phát triển dựa vào sức mạnh mềm, mà chủ yếu là áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của Đài Loan luôn được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Đây cũng là lý do mà hàng nông sản Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường này.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, công nghệ thông tin thì hỗ trợ gì cho nông nghiệp. Thực tế, ngành công nghệ này góp phần không nhỏ vào việc quảng bá thương hiệu và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng.

Bước vào một cơ sở sản xuất bánh dứa, loại bánh nổi tiếng của Đài Loan, bạn chắc hẳn sẽ không khỏi choáng ngợp trước màn hình trình chiếu phim 3D mô tả sinh động sản phẩm của họ. Đó là chưa kể bao bì thiết kế rất tinh tế và bắt mắt. Điều này cho thấy “chất xám” chính là yếu tố quan trọng trong việc tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Đài Loan.

banh dua
Sản phẩm của một cơ sở sản xuất bánh của Đài Loan có thiết kế bao bì rất tinh tế và đẹp mắt. (Ảnh: MT)

Đài Loan có dân số mà trong đó chỉ 5% là nông dân. Ấy thế mà “nông dân” của họ chỉ sống trong biệt thự, đi xe hơi và tạo ra đến 20%GDP cho đất nước. Các thương hiệu nông nghiệp Đài Loan được nhà nước bảo hộ, bất cứ sự sao chép hoặc làm nhái đều bị xử lý theo pháp luật.

Quay lại chuyện rác thải khi nãy, rác cũng góp phần không nhỏ vào nông nghiệp Đài Loan. Người Đài Loan được nhà nước đưa ra quy định phân loại rác rất cụ thể, rác phải được phân loại chính xác thành 4 nhóm: thức ăn thừa (đã nấu chín) sẽ cho vào thùng chứa màu đỏ, thực phẩm tươi sống (vỏ trái cây,…) thì bỏ vào thùng màu xanh, hộp carton và chai lọ nhựa thủy tinh cũng phân riêng.

Trong đó, hộp carton và chai lọ nhựa sẽ được đưa tái chế, thức ăn thừa sẽ được xử lý làm thức ăn chăn nuôi, còn thực phẩm tươi sống được xử lý làm phân bón. Nhà nào không phân loại rác đúng quy định sẽ bị xử phạt, và mức phạt này có thể lên đến 1.000 Đài tệ.

Với hệ thống phân loại rác thải tại nhà này, Đài Loan được xếp vào nhóm quốc gia có tỉ lệ tái chế rác cao nhất thế giới với 55%, vượt xa con số 35% ở Mỹ. Mục tiêu cao nhất mà họ hướng đến đó chính là “đất nước không rác thải”.

Rác thải được chính người dân phân loại trước khi được thu gom. (Ảnh WJS)

Tìm hiểu về nông nghiệp Đài Loan quả là một câu chuyện thú vị. Bởi người dân Đài Loan không những là nhà nông nghiệp giỏi mà còn là một chuyên gia bán hàng.

Chúng tôi được dịp ghé thăm một nơi sản xuất trà tại Nam Đầu, 1 thị trấn thuộc miền trung Đài Loan, núi non trùng điệp xanh mướt những rừng cau, cũng là nơi sản xuất trà Ô Long hàng đầu thế giới. Theo lời hướng dẫn viên, cơ sở này là nơi sản xuất trà ngon đệ nhất, và danh hiệu này có được sau cuộc thi giữa các hãng sản xuất chứ không phải hữu danh vô thực. Người tiếp đón chúng tôi là bậc thầy sao trà của cơ sở này. Bạn thử hình dung xem ông thế nào?

Tôi khá bất ngờ khi đó là một lão trung niên, răng đã rụng vài chiếc, mấy chiếc còn lại không chịu yên phận nép vào môi mà cứ tơ hớ đưa ra ngoài. Ấy vậy mà ông rất hay cười, nói về trà cứ tíu tít cả lên. 

gioi thieu tra 2
Bậc thầy sao trà đang giới thiệu sản phẩm. (Ảnh: MT)

Sau khi giới thiệu và thực hiện màn pha trò của mình, người nghe đã được giới thiệu về vô số công dụng thần kì của sản phẩm, bị kích thích tâm lý “mua về dùng”, thế là ông rao giá và người mua trả giá. “Giảm giá ưu đãi nữa nhé, không mua được ở nơi khác đâu”. Thế là đoàn du khách của ông, vốn cũng đến từ xứ sở sản xuất trà, cứ cuống cuồng lên tranh nhau mua.

Thế mới nói nông dân Đài Loan còn là những tay marketing dễ thương và đáo để.

Hỗ trợ cho nông nghiệp Đài Loan còn là một hệ thống giao thông hết sức thông thoáng, các tuyến đường dọc đi từ Bắc đến Nam sẽ được đánh số lẻ, các tuyến đường từ Đông sang Tây sẽ được đánh số chẵn.

gioi thieu tra
Sản phẩm trà được đem ra cho du khách xem và thưởng thức trà đã được pha. (Ảnh: MT)

Theo người hướng dẫn viên, nông phẩm là những mặt hàng dễ hư hỏng trong thời gian ngắn, nếu thời gian vận chuyển quá nhiều thì mua bán trên thị trường không thể trôi chảy. Thế nên mạng lưới giao thông của Đài Loan là những tuyến đường song song xuyên suốt liền mạch tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông hết sức dễ dàng.

Với địa hình đồi núi trập trùng, đường cao tốc của Đài Loan là những cung đường xuyên núi và treo lơ lửng trên những cột chống vững chãi. Cung đường đầu tiên được khởi công vào năm 1964, dẫn từ Cơ Long đến Đài Bắc, tính tới nay tuổi đời của nó đã hơn 50. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống cao tốc quốc gia đầu tiên hoàn thành vào năm 1978, ngót nghét cũng đã 38 tuổi. Ấy thế mà lướt trên cung đường “luống tuổi” ấy, xe chúng tôi đi êm ru, chẳng vấp phải ổ voi hay ổ gà. Cũng nói thêm, những cung đường uốn lượn này được dựng nên dày đặc trên một đất nước vốn nổi tiếng với bất ổn về địa chất, thường xuyên đối mặt với các cơn động đất. Vậy mà qua bao năm, chúng vẫn tồn tại và cần mẫn đảm đương sứ mệnh kết nối của mình.

Những cung đường xuyên núi và treo lơ lửng trên những cột chống vững chãi, với tuổi đời không hề nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, tôi có mặt ở Đài Trung, vùng đất công nghiệp của Đài Loan, được dạo bước trên con đường mệnh danh là con đường “mộng tưởng” của xứ sở này. Gọi là “mộng tưởng” bởi đó là con đường lý tưởng mà người Đài Loan muốn nhân rộng ra khắp thành phố. Hình ảnh khiến tôi cảm thấy thú vị nhất là hình ảnh những ông bố bà mẹ dẫn con dạo chơi công viên, người bố nắm tay con, trò chuyện với con, thỉnh thoảng thả cậu bé ra mặc cho cậu chạy nhảy. Một hình ảnh đẹp và bình yên, không xô bồ dẫu đó là nơi các nhà máy công nghiệp hoạt động sầm uất.

ĐL 12
Con đường mộng tưởng của Đài Trung, đẹp với hình ảnh cha và con đi dạo vào buổi cuối tuần. (Ảnh: Tinhhoa.net)

Trẻ con Đài Loan cũng được giáo dục tính tự lập từ khi còn rất bé, sáng tự mình mở cửa ra lấy phần sữa để sẵn, uống rồi đi học. Khi đến trường học thì dù ở độ tuổi nào cũng phải tự múc cơm ăn, tự rửa phần bát đĩa của mình. Vào ban ngày, đi trên đường phố Đài Loan, bạn rất khó bắt gặp đứa trẻ nào “lang thang” đây đó, bởi đó là thời điểm chúng phải ở lớp học. Quy tắc phân rác thải nói trên cũng được đưa vào bài học để giảng dạy, thế nên trẻ con Đài Loan đã sớm biết cách phân loại rác. 

Với mức GDP năm 2015 là 528 tỉ USD, theo đó GDP bình quân đầu người vào khoảng 22.469 USD, Đài Loan từ lâu đã trở thành 1 trong 4 con rồng châu Á sánh vai cùng Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông. Theo đó, người Đài Loan được hưởng hệ thống y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, các gia đình mua nhà lần đầu sẽ được nhà nước hỗ trợ cho hưởng mức ưu đãi.

Và nếu đã đến Đài Loan thì bạn không thể không ghé chợ đêm. Khắp đất nước Đài Loan, đi đâu bạn cũng có thể tìm thấy khu vực có chợ đêm hoạt động. Nơi này trở thành điểm đến ưa thích của các bạn trẻ muốn ăn uống mua sắm và dạo chơi. Chợ đêm thường chỉ hoạt động vào cuối tuần nên nó cũng trở thành nơi mưu sinh nhằm kiếm thêm thu nhập của các bạn du học sinh và người lao động nhập cư.

Một gian hàng chợ đêm phục vụ món hải sản nướng. (Ảnh: MT)

Tình cờ trong khi đang dạo quanh chợ đêm, tôi phát hiện và có dịp trò chuyện với một chị người Việt buôn bán tại đây. Chúng tôi cũng chỉ nói chuyện với nhau được dăm ba câu vì chị bận bán hàng. Tôi hỏi thăm về cuộc sống của chị nơi đất khách quê người, chị tâm sự “kiếm tiền ở đây cũng cực lắm em, nhưng nếu phải lựa chọn giữa Việt Nam và Đài Loan thì chị vẫn muốn ở đây hơn”.

Tôi biết trong lòng người lao động xa xứ ấy, nỗi nhớ quê hương vẫn tồn tại day dứt, nhưng dẫu sao họ vẫn là con người với cái quyền cơ bản chính là mưu cầu hạnh phúc, đất lành chim đậu. Họ không được chọn lựa nơi mình sinh ra, nhưng họ được quyền lựa chọn nơi mình sinh sống.

Tôi rời chợ đêm với cảm giác thoáng buồn lướt qua……

Cuối cùng thì hành trình 5 ngày ở Đài Loan của chúng tôi cũng kết thúc, tạm biệt vùng đất hình củ khoai lang, với những người nông dân dễ thương cùng cuộc sống dẫu vẫn phải vất vả cơm áo gạo tiền nhưng đời sống không đến nỗi bấp bênh, chỉ cần còn có thể lao động thì vẫn có được một đời sống an cư lạc nghiệp.

Cũng như lời tâm sự của người lao động Việt nhập cư ở đây, bản thân tôi cũng muốn được trở lại, một lần nữa được ăn trứng trà và uống trà sữa trân châu trên đất Đài, hít thở bầu không khí của tự do.

Hàn Mai

Ad will display in 09 seconds

Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

Ad will display in 09 seconds

Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

Ad will display in 09 seconds

Mặt trăng có phải do con người tạo ra

Ad will display in 09 seconds

4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

    Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

    Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

  • Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

    Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

  • Mặt trăng có phải do con người tạo ra

    Mặt trăng có phải do con người tạo ra

  • 4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

    4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

x