Cải cách chữ viết – Nếu cái giá phải trả là sự “đứt gãy” văn hóa

07/09/18, 17:33 Đọc & Suy ngẫm

Ngôn ngữ, đặc biệt là chữ viết không chỉ là các ký hiệu vô hồn ghi lại âm thanh tiếng nói. Một chữ cái giản đơn thôi cũng có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị, và trải nghiệm bồi đắp sau hàng trăm nghìn năm của từng cá nhân và dân tộc.

Chữ viết có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị dân tộc… (Ảnh minh họa)

>>> Thì ra chữ viết sai, viết ngoáy đều có thể gây hại tới số mệnh

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp. Đối với bất kỳ nền văn hóa nào, ngôn ngữ cũng vừa đóng vai trò là một thành tố, một thành tựu văn hóa tinh thần vô giá; vừa đóng vai trò là phương tiện quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và chuyên chở những giá trị, những thành tựu của chính nền văn hóa ấy.

Một quốc gia dân tộc độc lập tự chủ và phát triển phải là một quốc gia dân tộc có một nền văn hóa độc lập với đậm đà bản sắc riêng, phải là một quốc gia dân tộc có tiếng nói và chữ viết với những đặc trưng riêng không dễ bị pha trộn, bị lai tạp, bị đồng hóa.

Chẳng thế mà nhà văn Pháp Alphonse Daudet trong một tác phẩm của mình đã từng khẳng định: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…”.

Hay như cụ Phạm Quỳnh ở ta cũng không phải ngẫu nhiên mà đưa ra nhận xét sau đây về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Đó là một nhận xét đúng đắn bởi Truyện Kiều chính là tinh hoa của ngôn ngữ Việt nói riêng, của văn hóa Việt nói chung.

Cũng bởi ngôn ngữ có vai trò quan trọng như thế đối với đời sống của con người, nên khi một số giáo sư, tiến sĩ đề xuất và cho thí điểm cải cách đối với tiếng Việt, đã gây nên một làn sóng phản đối rộng khắp trong cả nước.

Mọi người đều “sợ” sự thay đổi này, không chỉ bởi sự xáo trộn không cần thiết, mà còn có thể gây ra sự đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu “cũ”. Ở đây, chúng ta không đi sâu phân tích những mặt lợi – hại khi cải tiến chữ viết, mà sẽ đề cập đến một khía cạnh vô cùng quan trọng của chữ viết đối với tâm thức và đời sống văn hóa của người dân.

Trong một bài viết của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, thuộc trường Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan đăng trên báo VietNamNet, tác giả đã đưa ra khái niệm “Tri nhận nghiệm thân”, tức là cảm nhận của cơ thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức.

Trong một thí nghiệm về tri nhận nghiệm thân, hai nhóm người tham gia được yêu cầu cầm hai cốc cà phê khác nhau. Nhóm thứ nhất cầm một cốc cà phê nóng, đúng tiêu chuẩn phương Tây. Nhóm thứ hai cầm cốc lạnh. Cả hai nhóm được yêu cầu đánh giá một nhóm người chính phủ. Nhóm cầm cốc nóng có đánh giá cao hơn, cho rằng người được đánh giá thân thiện và đáng tin cậy hơn so với nhóm cầm cốc cà phê lạnh. Nghiên cứu này chứng minh trải nghiệm thân xác có thể làm đổi thay ý thức. Khi ta ấm áp thì ta thấy người đời cũng đáng yêu hơn. Điều này cho thấy, trải nghiệm thân xác ảnh hưởng ngược lại đến cách chúng ta tư duy.

Vậy tri nhận nghiệm thân có ảnh hưởng thế nào đến đề xuất cải cách chữ viết? Trước tiên hãy quay trở lại lịch sử chữ viết của người Việt khi chúng ta dùng các ký tự tiếng Trung Quốc để phiên âm tiếng Việt. Đây là một hệ thống chữ tượng hình, vì vậy, tri nhận nghiệm thân có tác động sâu sắc hơn nhiều so với hệ thống chữ viết khác.

Khi còn học tiếng Trung lúc nhỏ, cô giáo luôn dạy rằng, một cái cây (chữ Mộc –) chỉ là một cái cây, nhưng hai cái cây đứng cạnh nhau thì là một khu rừng (chữ Lâm – 林). Chữ Ái (愛) ý nghĩa là tình yêu, gồm bộ Tâm 心 (con tim) và chữ Thụ 受 (chịu đựng), tình yêu thương chính là sự chấp nhận và tình nguyện hi sinh.

Khi học chữ viết, người dùng ký tự tiếng Trung dần dần hình thành các trải nghiệm cơ thể và trải nghiệm tư duy cùng tần số với ký tự tượng hình. Chữ viết vì vậy ảnh hưởng đến cả triết lý sống qua con đường vô thức: thế nào là hợp tác cùng nhau vào sinh ra tử, thế nào là tình cảm chân thực khi ngóng đợi tin người thân, thế nào tình yêu và ân nghĩa vợ chồng v.v.

Chúng ta có thể hình dung ra sự bàng hoàng mất mát của dân tộc khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm. Để đổi lại sự giản tiện, tốc độ phát triển và chế tài chính trị, chúng ta bị đứt đoạn hoàn toàn với khối tri thức và tình cảm khổng lồ tích lũy vô thức qua chữ viết. Di chứng còn lại cho đến ngày nay là người Hoa vào đền chùa hiểu lời nhắn nhủ của tổ tiên hơn cả chúng ta.

Ví dụ, khi nói về tình yêu, thế hệ cũ sẽ vẫn vô thức bị ảnh hưởng bởi ký tự và các giá trị kết nối “thế nào là yêu” cùng các trải nghiệm thân xác đi cùng chữ “ái” tượng hình. Nhưng thế hệ mới với chữ quốc ngữ sẽ không tiếp nối được tư duy, triết lý, và kết nối đó từ chữ viết. Họ phải bồi đắp các tư duy, triết lý và kết nối mới dựa vào các giá trị đạo đức cùng thời điểm.

Thời đó quan niệm về tình yêu thế nào thì chữ “yêu” sẽ kích hoạt những giá trị tương đương, khác một phần so với những giá trị mà chữ “ái” trong chữ Hán tượng hình 愛 hay chữ Nôm tượng hình kích hoạt ? .

Chữ “ái” phồn thể. (Ảnh qua redbubble.com)

Vì vậy, chữ viết không chỉ là sản phẩm văn hoá mà còn là bánh lái điều khiển thái độ và lối sống văn hoá. Đây chính là lý do khiến nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta tự động THAY ĐỔI cách giao tiếp khi dùng một ngôn ngữ khác, bộ não kích hoạt những tư duy khác nhau khi đọc một đoạn văn có nội dung như nhau, nhưng bằng một ngôn ngữ khác.

Sáng chế cải cách tiếng Việt đương nhiên sẽ không có ảnh hưởng mạnh mẽ như việc chuyển đổi hệ thống ký tự, nhưng nó sẽ làm người dùng phải thay đổi tư duy và đứt đoạn với các tri nhận nghiệm thân đã được bồi đắp từ cả trăm năm nay.

Trên mạng lan truyền một ví dụ vừa chính xác, vừa ngộ nghĩnh: “Trục trặc” khi viết theo phương thức cải cách, thì hình ảnh đầu tiên hiện ra không phải là “sự khó khăn” mà là một bộ phận cơ thể, các tri nhận liên quan đến cảm giác cũng khác: “buồn cười”, ” thô tục”, “dâm dục” “tiểu tiện” v.v. Tư duy không những bị đứt đoạn mà còn bị phân tán.

Tương tự, khi ta đọc chữ “ty”, vốn văn hoá, trí nhớ và các tri nhận nghiệm thân sẽ gợi ý ta hiểu là “công ty”, nhưng khi đọc chữ “ti”, ta nghĩ đến “ti tiện”. Với cách viết mới, khi đọc “kôg ti”, các tri nhận nghiệm thân của cá nhân tôi gợi lại là: “không (có) ti”, “king kong”, “khỉ đột”, “hoang dại”, “ti tiện”, “cái ti cái vú”. “Công ty” hay “thương nghiệp” là những tri nhận đến cùng hoặc đến sau, và bị phân tán.

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, khoan hãy nói đến những ví dụ phức tạp hơn hay những đứt đoạn có tính tư duy và triết lý cao hơn, có thể vô thức làm bốc hơi nhiều tri nhận và kết nối sâu sắc hơn, tương đương với sự đứt đoạn khi chuyển từ chữ Nôm sang Quốc Ngữ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia từng chịu sự đổi thay mãnh liệt của chữ viết. Người Thổ đoạn tuyệt với lịch sử Hồi giáo và cam kết phát triển theo con đường phương Tây nên dùng ký tự latinh thay vì ký tự Ả Rập. Họ thành công, nhưng mất đi một phần khổng lồ các kết nối giá trị từ nhiều trăm năm là lãnh chúa của thế giới Hồi giáo.

Bản chữ cái Ả Rập trước khi cải cách chữ viết của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh qua docblog.ottomanhistorypodcast.com)

Tương tự, ở Trung Quốc ngay từ những năm 1950, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy phổ biến chữ Hán giản thể, từ bỏ chữ Hán chính thể (phồn thể), gây hỗn loạn hệ thống chữ Hán. Hành động này đã gây làn sóng phản đối rộng khắp, kéo theo vô số tranh luận liên quan đến chữ Hán phồn thể và giản thể.

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu việc tranh luận về chữ Hán giản thể và phồn thể đã bị biến dạng dưới sức ép của quyền lực chính trị. Hệ quả là ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã cưỡng chế dùng chữ Hán giản thể, ngăn chặn chữ Hán phồn thể, làm cho đông đảo người Trung Quốc không còn biết chữ Hán phồn thể, không còn khả năng tìm lại hình dạng văn hóa truyền thống Trung Hoa để biết được nó ra sao. Trong khi đó, ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore, chữ hán phồn thể vẫn được trân trọng và giữ gìn mà không hề mang đến nạn mù chữ cho dân chúng như ĐCSTQ tuyên truyền. 

Thực hiện đơn giản hóa chữ viết chỉ là một phần kế hoạch của ĐCSTQ trong việc cắt đứt với văn hóa truyền thống Trung Hoa, sau đó đáng kể hơn là phong trào “cải cách giáo dục”. ĐCSTQ cho xóa bỏ chương trình học văn học cổ điển, khiến vô số tác phẩm của các nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại bị ném vào thùng rác.

Học sinh chỉ có thể học những giáo điều của Mác-Lênin và Mao Trạch Đông cùng những tác phẩm tuyên truyền cho chính sách của ĐCSTQ do giới “văn nô” bào chế, hệ quả là giới trẻ Trung Quốc chỉ còn biết Mác-Lê – Mao và ĐCSTQ, không còn biết lịch sử Trung Quốc còn vô số nhà hiền triết, không biết những tinh túy của văn hóa Trung Hoa là gì.

Trong khi đa số người dân không biết chữ phồn thể, không đọc được các ấn phẩm xuất bản trước 1949, càng không thể đọc được những tác phẩm kinh điển cổ xưa, thế là con đường đến với văn hóa truyền thống Trung Hoa bị chặn đứng, thế hệ con cháu Trung Hoa biến thành “con cháu Mác-Lênin”.

Văn tự của đất nước phải được giữ ổn định mới thuận lợi cho kế thừa và phát triển di sản văn hóa. Chữ Hán phồn thể đã trải qua quá trình phát triển và biến hóa lâu dài, các phần hình – âm – ý đã ổn định, các triều đại chỉ thêm hoặc bớt đôi chút để làm cho nó hoàn thiện hơn. Cũng giống với tiếng Việt vậy, đã từng trải qua những năm tháng gắn liền với đời sống của người dân, nó đã trở thành nét văn hóa thấm đẫm vào trong máu của mỗi người, là sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại.

Cho nên, khi thay đổi chữ viết, dù là sự thay đổi nhỏ nhất, chúng ta phải thận trọng, phải nắm được quy luật vận động và phát triển của ngôn ngữ, của văn hóa. Cải tiến chữ viết không đúng quy luật phát triển của ngôn ngữ, cũng không tuân theo quy luật phát triển của văn hóa thì rất có thể sẽ đưa cả xã hội trở về điểm xuất phát ban đầu bởi nếu ví xã hội, đất nước, dân tộc như một ngôi nhà thì ngôn ngữ, văn hóa chính là nền móng của ngôi nhà đó.

Chữ viết không chỉ là các ký hiệu vô hồn ghi lại âm thanh tiếng nói. Một chữ cái giản đơn thôi cũng có tác dụng gợi lại các kết nối văn hoá, giá trị, tình cảm, cảm giác cơ thể, và trải nghiệm bồi đắp sau hàng trăm nghìn năm của từng cá nhân và dân tộc. Thay đổi chữ viết là thay đổi những kết nối đó. Nếu cái giá phải trả là đứt gãy, có lẽ chúng ta nên hài lòng với cái que đang có và nó có hơi … cong.

>>> Duyên vợ chồng là do trời định, dù xa vạn dặm vẫn sum vầy

>>> Ngôn ngữ Sài Gòn và những từ vay mượn từ tiếng Pháp

Tuệ Tâm (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

    Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

x