Tuân thủ mệnh lệnh hay sống theo chân lý (P2): Có một thứ duy nhất vượt trên mọi pháp luật

05/11/18, 14:23 Không đặt tên

Pháp luật là các quy tắc ứng xử giữa các chủ thể trong xã hội. Nhưng pháp luật ấy không thể vượt trên những giá trị đạo đức phổ quát được thừa nhận trên toàn thế giới. Trong lịch sử, có không ít triều đại, chính quyền đã vì lợi ích của mình mà tạo ra nền “luật pháp” đi ngược với tôn nghiêm đạo đức làm người, nhưng rồi cũng bị đào thải. Những gì xảy ra tại Đức dưới thời Hitler là một bài học lịch sử.

Tuân thủ mệnh lệnh hay sống theo chân lý (P2): Có một thứ duy nhất vượt trên mọi pháp luật.1
Có một thứ duy nhất vượt trên mọi pháp luật. (Ảnh: t/h)

“Luật – sự bảo đảm của Nó chính là sự đùm bọc của Chúa, tiếng nói của Nó là sự hòa hợp của thế giới”

Trong từ điển Oxford, luật (law) được định nghĩa là một hệ thống các quy định của một quốc gia hay một cộng đồng để điều chỉnh hành vi của các thành viên và có thể được thực thi thông qua việc áp đặt các trừng phạt. Một số học giả nhìn luật dưới góc độ chủ thể tạo ra luật và cho rằng luật chính là các quy tắc về hành vi của công dân do tầng lớp cai trị đặt ra để điều chỉnh thế nào là đúng và ngăn cấm những gì là sai.

Và như vậy, đúng – sai do luật định ra chính là tương hợp với quan điểm của người làm luật – Chính quyền đương thời. Bởi vậy, trong nhiều điểm tối của lịch sử loài người, rất nhiều luật hay các mệnh lệnh từng đi ngược lại với sự đùm bọc của Chúa: vị tha, nhân ái là duy trì sự tôn nghiêm của đạo đức con người. Nhưng lịch sử cũng chứng minh cho con người thấy, những cá nhân tạo ra luật hay mệnh lệnh đi ngược lại với đạo đức làm người đều sớm bị đào thải, những người sẵn lòng tuân thủ mệnh lệnh đi ngược với lòng nhân ái cũng phải trả giá công khai và minh bạch trước nền luật pháp mới.

Edmund Burke, một nhà chính trị, nhà hùng biện và cũng là một triết học gia của Ireland sống ở thế kỷ thứ 18 từng phát biểu: “Tất cả chúng ta sinh ra dù cao quý hay bần tiện, cai trị hay bị cai trị – đều cùng bị ước chế như nhau trước một Luật vĩ đại, bất biến, cố hữu, cái khiến chúng ta trở nên liên kết, kết nối được với vũ trụ vĩnh hằng mà ngoài phạm vi đó ra chúng ta không thể nhúc nhích nổi”.

Richard Hooker, nhà thơ, nhà thần học thế kỷ thứ 16 của Anh đã nói: “Không thể không công nhận rằng Luật – sự bảo đảm của Nó chính là sự đùm bọc của Chúa, tiếng nói của Nó là sự hòa hợp của thế giới; mọi thứ trên Thiên đàng và Trái đất tôn kính Nó; người nghèo khổ cảm nhận được sự chăm sóc của Nó; kẻ thượng lưu quy phục trước quyền lực của Nó; cả thiên sứ, con người và vạn vật ở mọi hoàn cảnh, cho dù rất khác biệt từ hình dáng đến hành vi, thì tất cả đều tôn thờ Nó như người mẹ mang đến hòa bình và niềm vui cho họ”.

Luật chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu nó phục vụ cuộc sống và không đi ngược với tôn nghiêm của đạo đức làm người

Tuân thủ mệnh lệnh hay sống theo chân lý (P2): Có một thứ duy nhất vượt trên mọi pháp luật.2
Thẩm phán Best xét xử một vụ kiện về nô lệ bỏ trốn. (Ảnh minh họa: gov.au)

Bởi vậy hệ thống luật pháp mà chúng ta biết đến ngày nay dù đồ sộ thế nào đi nữa, cũng không thể nằm ngoài Luật vũ trụ. Giống như sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Những thành tựu khoa học mà thế giới trầm trồ cũng chỉ là việc phát hiện những quy luật tự nhiên vốn đã tồn tại và vận hành từ lúc vũ trụ được hình thành. Tương tự như thế, loài người từ khi xuất hiện đã luôn được câu thúc bởi Luật lương tâm, một thứ Luật cho dù là vô hình nhưng sự tồn tại, sức mạnh chi phối và sự bất biến của nó cũng không khác gì các quy luật tự nhiên kia.

Pháp luật mà con người tạo ra là sự thể hiện bằng câu chữ các quy tắc ứng xử giữa các chủ thể của xã hội. Nhưng pháp luật ấy cũng không thể vượt trên những nguyên tắc đạo đức vốn đã tồn tại như một phần của trật tự vũ trụ trước cả khi các xã hội văn minh ra đời.

Vào thế kỷ 19 tại Florida, Thẩm phán Best xét xử một vụ kiện về nô lệ bỏ trốn. Những con người khốn khổ ấy đã ẩn trú trên một chiếc tàu chiến của Anh và cập bến tại Đông Florida. Ông chủ nô lệ, một công dân Anh đã khởi kiện thuyền trưởng chiếc tàu vì đã giúp đỡ họ bỏ trốn khỏi nơi họ bị quản thúc làm nô lệ, nơi luật pháp cho phép chế độ nô lệ được tồn tại. Thẩm phán Best đã phán quyết về việc công nhận áp dụng luật của quốc gia khác như sau:

Đây (sở hữu nô lệ) là một quy định không thể được chấp nhận trong bất kỳ tình huống nào bởi vì nó đi ngược lại với luật của đất nước chúng ta, luật tự nhiên hay luật của Thượng đế. Các vụ xét xử tại tòa án được dựa trên luật của Thượng đế, và luật đó đến lượt nó lại dựa trên luật của tự nhiên và biểu hiện mà chúng ta được phép thấy của luật của Thượng đế. Nếu ai đó muốn thực thi một quyền trái ngược với một trong những luật trên thì tòa án hành pháp Anh quốc cũng không thể thừa nhận nó… Bởi vì chế độ nô lệ là trái với luật của tự nhiên và luật của Thượng đế, nó không thể được chấp nhận tại tòa án của chúng ta…”

Luật pháp được viết, thông qua và thay đổi bởi các cơ quan làm luật. Nhưng quyền lực của cơ quan lập pháp tối cao nhất cũng không phải là không giới hạn. Có những quy tắc cao hơn mà bất kỳ luật pháp nào cũng không thể đứng trên bởi vì chúng đại biểu cho luật tự nhiên, cho những chân giá trị bất biến, cơ bản được thừa nhận và tôn trọng trong toàn vũ trụ này. Nếu quyền lập pháp cho phép cơ quan lập pháp ban hành luật chỉ dựa trên ý chí của họ thì xã hội có thể trượt vào khủng hoảng đạo đức nếu quốc gia đó nằm dưới sự kiểm soát của một chế độ độc tài. Những gì xảy ra tại Đức dưới thời Hitler là một bài học lịch sử.

Những sỹ quan của Hitler bị xử tội giết người vì đã tuân theo mệnh lệnh của Hitler thực hiện hành vi sát nhân

Tuân thủ mệnh lệnh hay sống theo chân lý (P2): Có một thứ duy nhất vượt trên mọi pháp luật.3
Người hành xử theo luật của Đức quốc xã và mệnh lệnh của Hitler thời bấy giờ chính là đang phạm tội. (Ảnh minh họa: parovoz.org)

Wilhelm Franz Canaris, một sỹ quan cao cấp, giám đốc cơ quan tình báo quân sự Đức trong giai đoạn 1935 – 1944, đã từng là một người ủng hộ Hitler cho đến khi ông nhìn thấy sự cuồng vọng của Hitler sẽ dẫn đến một cuộc thảm bại cho nước Đức. Canaris đã gia nhập phong trào bí mật nhằm lật đổ chế độ Đức quốc xã.

Ngày 5/4/1945, ngay trước khi Thế Chiến II kết thúc, Canaris cùng các thành viên khác của phong trào đã bị treo cổ tại trại tập trung Flossenburg vì tội phản quốc. Trước đó, họ đã không được tòa án Đức quốc xã đưa ra xét xử và tuyên án có tội.  

Sau khi Đức quốc xã sụp đổ, một tướng Schutzstaffel (SS) – Tổ chức vũ trang của Đảng Quốc xã và một số sỹ quan SS đã bị cáo buộc tội giết người vì thực thi mệnh lệnh giết Canaris cùng các đồng đội của ông. Tòa án sơ thẩm đã tuyên án các bị can vô tội vì Canaris và các đồng đội của ông trước đó đã chính thức bị kết tội phản quốc căn cứ theo các luật lệ của nhà nước quốc xã có hiệu lực tại thời điểm đó và việc tử hình họ đã được thông qua chiếu lệ tại một tòa án của chế độ Đức quốc xã cũ.

Tuy nhiên, tòa án tối cao Đức sau đó đã bác bỏ phán quyết này: “Có thể hiểu được trong những thời điểm nhà nước bị đặt trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng, quyền được xét xử của bị cáo có thể bị giới hạn trong một số nguyên tắc, trái ngược với thời bình. Nhưng nếu các nạn nhân bị tước đi quyền sống của họ theo cách thậm chí không được tham chiếu đến bất kỳ quy định có hiệu lực nào tại thời điểm đó, hoặc vi phạm những nguyên tắc căn bản của Luật được công nhận rộng rãi, luôn có tính hiệu lực và ràng buộc nội tại, không phụ thuộc việc nhà nước có thừa nhận chúng một cách chính thức hay không; nếu bị cáo biết điều đó – thực tế cho thấy bị cáo có biết bởi vì bị cáo thú nhận rằng đã nhận được lệnh của Hitler cho giết Canaris cùng thuộc hạ và thủ tục xét xử sau đó chỉ mang tính chất pháp lý hình thức – vì thế bị cáo đã phạm tội tương đương với giết người”.

Phán quyết của tòa án tối cao cũng có đoạn viết: “Như mọi người biết, những kẻ cầm quyền của nhà nước Quốc xã đã luôn ban hành các luật lệ được cho là phù hợp với luật tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế chúng không mang bản chất của luật bởi chúng vi phạm những nguyên tắc pháp lý căn bản nhất, những nguyên tắc luôn có hiệu lực cho dù có được nhà nước công nhận hay không”.

Những sỹ quan Đức quốc xã không thể viện lý do tuân theo mệnh lệnh của Hitler để thực hiện hành vi sát nhân mà không bị xét xử phạm tội giết người. Không mệnh lệnh hay quyền lực nào có thể đứng trên đạo lý làm người hay biện minh cho những hành vi vô đạo đức. Tòa án tối cao Đức đã một lần nữa khẳng định chân lý đó. Trong mọi hoàn cảnh, Luật lương tâm hay Luật đạo đức chính là sự ước thúc chân chính nhất giúp một người lựa chọn đường đi cho bản thân mình.

Thẩm phán Dillon trong cuốn “Luật và luật học của Anh và Mỹ” xuất bản năm 1894 đã viết: “Có hàng nghìn hiến pháp, đạo luật, các quyết định của tòa án, và hiệp ước. Số đông không biết đến chúng; các luật sư có thể hiểu chúng phần nào; thế nhưng ngay cả như vậy thì một người bình thường làm theo sự chỉ đạo của trái tim chất phác và lương thiện, đối xử với những người xung quanh với ý thức công bằng và lẽ phải được ghi tạc trong tim bởi Luật tối cao của Đấng Sáng Tạo sẽ luôn tìm thấy cho mình cách cư xử phù hợp hoàn hảo với những yêu cầu về luật pháp của đất nước”.

Xã hội nhân loại dù phát triển hiện đại đến đâu, các mối quan hệ quần thể phức tạp đến đâu, hệ thống luật pháp đan chéo rắc rối đến đâu thì vẫn hiện diện một cái khung vô hình ràng buộc hết thảy. Sự tồn tại của nó là một thực tế bất biến, sự vận hành của nó là không thể đảo ngược, cũng giống như quy luật vật lý khiến các hành tinh và thiên hà xoay chuyển.

Những người Cơ đốc giáo gọi đó là Luật của Chúa, người phương Đông coi đó là Đạo Trời còn những nhà hành pháp ở nhiều quốc gia công nhận đó là Luật Tự nhiên. Lịch sử xã hội nhân loại đã có quá nhiều bài học cho thấy sự hưng thịnh, tồn vong của một thể chế, dân tộc hay quốc gia có quan hệ nhân quả với sự thăng hoa hay bại hoại về đạo đức. Sự sụp đổ của Hitler là ví dụ sống trong lịch sử hiện đại.

Đáng buồn thay, sau Hitler, thế giới vẫn tiếp tục phải chứng kiến những tội ác gây ra bởi những lãnh đạo cuồng vọng, đặt bản thân cao hơn cả luật pháp quốc gia và phủ nhận sự tồn tại của luật tự nhiên. Điển hình là cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân khởi xướng từ năm 1999, xuất phát từ lòng đố kỵ cá nhân của ông ta.

Điển hình là cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân khởi xướng từ năm 1999, xuất phát từ lòng đố kỵ cá nhân của ông ta. (Ảnh: ĐKN)

Một bộ máy đàn áp từ trung ương đến địa phương đã được lập nên để thao túng và kiểm soát toàn bộ các cơ quan từ chính phủ, an ninh, tòa án, nhà tù, trại lao động đến các phương tiện truyền thông chỉ để chống lại những con người thực hành Chân – Thiện – Nhẫn, những người hằng ngày sống và không ngừng đề cao đạo đức bản thân để đạt đến sự thăng hoa về tinh thần. Trong gần 20 năm qua, những học viên Pháp Luân Công vẫn ôn hòa, kiên nhẫn đem sự thật về cuộc bức hại đến với hàng triệu người trên thế giới. Năm 2009, một tòa án tại Tây Ban Nha đã tuyên án Giang và 5 thuộc hạ của ông ta tội diệt chủng. Thế nhưng công lý tại chính đất nước đã gây ra tội ác đó vẫn chưa được thực thi.

Tuân thủ mệnh lệnh cần đi kèm với sự câu thúc đạo đức chứ không đơn thuần là phục tùng trước quyền lực, sự đe dọa hay lợi ích cá nhân. Nếu một cá nhân, cộng đồng, dân tộc và rộng lớn hơn, nhân loại trước những thời khắc lựa chọn không quên rằng sự phát triển và trường tồn của cuộc sống là bắt rễ từ những giá trị tinh thần mà Thần ban cho con người, thì con đường mà chúng ta lựa chọn ấy sẽ nở đầy hoa, ngập tràn ánh sáng dẫn lối đến tương lai tốt đẹp huy hoàng.

Hồng Ngọc

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

    Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

x